Lối viết chữ độc đáo duy nhất trên đất Việt

Lối viết chữ độc đáo duy nhất trên đất Việt

Thứ 5, 28/02/2013 | 15:51
0
Đã ngoại lục tuần, nhưng hàng ngày người phụ nữ ấy vẫn cặm cụi với bàn chữ, cây bút, lọ mực rồi lại đo đo, kẻ kẻ, thiết kế những chiếc triện khắc cho bạn bè, người quen. Bà cũng là một trong số ít những người phụ nữ gắn bó với con chữ thư pháp Việt đã được người trong giới công nhận về trình độ, khả năng của mình.

Đam mê không phân biệt tuổi

Khi được thư pháp gia Nguyệt Trà giới thiệu, tôi khá tò mò về thứ gọi là thư pháp ngữ hình. Tra tìm những thư tịch, sách báo truyền thống thì gần như không có gì. Đến khi cầm quyển sách của bà trên tay, lật từng trang, xem từng bức tranh chữ được sắp đặt ngay ngắn, mới nhìn qua tưởng chữ nho, nhìn kĩ lại là những dòng thơ, những câu đối bằng chữ quốc ngữ "đánh lừa", tôi cảm thấy khá thú vị.

Bấm điện thoại gọi điện cho bà Phin hẹn gặp đúng lúc bà đang bận rộn với công việc của câu lạc bộ thư pháp đền Đồng Cổ rồi lại có lịch đi viết chữ cho một cơ quan dịp tân xuân, mãi đến tối muộn tôi mới gặp bà tại nhà. Căn nhà nhỏ, ngõ sâu, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người khác là những bức tranh chữ treo kín trên tường, to có, nhỏ có, hoàng phi có, câu đối cũng có. Phải đeo kính vì tuổi cũng đã cao nhưng khi nói chuyện thấy câu chuyện của bà lại rất duyên. Câu chuyện của đam mê sáng tạo với từng con chữ, biến những đường nét khô khan trở nên sống động, có linh hồn.

Cách đây chừng 30 năm, khi đang còn công tác tại phòng kĩ thuật, nhà máy pin Hà Nội, mối duyên với con chữ đã đến với bà Phin trong một lần đến thăm nhà người bạn cùng cơ quan là hoạ sĩ Lê Thanh Tịnh. Thấy trên tường có treo một bức tranh có tên "anh hùng tương ngộ", bà Phin ấn tượng không phải hình ảnh cánh chim đại bàng cũng không phải vị chúa sơn lâm dũng mãnh trong bức tranh mà là ở những dòng chữ đề tạm gọi là lạc khoản được viết ngay ngắn một bên, hài hoà với phần tranh.

Chữ quốc ngữ thường ngày nhưng lại bố cục như chữ Hán. Cảm thấy thích thú, về nhà bà mới mầy mò tập viết lại từng con chữ theo trí nhớ của mình. Vốn có trí nhớ tốt, cũng là người nổi tiếng viết chữ đẹp trong nhà máy nên việc "bắt chước" với bà Phin không khó. Sau khi "lâm" lại thành công, bà Phin cứ nghĩ mãi. Những con chữ hàng ngày vẫn viết đột nhiên thấy trở nên khô cứng, bà muốn làm một cái gì đó để khi nhìn vào thấy có sức sống và tạo nên cảm giác thú vị đối với người xem. Ấp ủ thì như vậy nhưng vì cuộc sống bận rộn với cơm áo gạo tiền và công việc nhà máy, công việc gia đình, bà Phin cũng đành phải tạm gác lại. Mãi đến năm 1992, khi được nhà máy cho nghỉ hưu sớm theo chế độ 171, bà Phin mới có thời gian dành cho bản thân và niềm đam mê của mình.

Lạ & Cười - Lối viết chữ độc đáo duy nhất trên đất Việt

Nữ thư pháp gia Vũ Thị Phin (áo trắng) bên bức thư pháp tặng gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sinh ra trong gia đình họ Vũ có truyền thống nho học ở đất Xuân Trường, Nam Định, có cha và các anh đều là những người am hiểu chữ nghĩa thánh hiền, từ nhỏ bà Phin đã được những người trong gia đình truyền cho niềm đam mê thi thư ấy. Năm 1954, khi vừa mới 4 tuổi, bà theo cha mẹ về Hà Nội sinh sống. Vì chiến tranh, loạn lạc, nếp nho học của gia đình mới trở nên gián đoạn. Cũng bởi gia đình đông anh em, lại là con trưởng nên mới học hết lớp 7, bà đã phải thôi học, đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Trong những ngày tháng chật vật với cuộc mưu sinh ấy, ước mơ về những trang sách và con chữ vẫn ấp ủ trong lòng bà.

Khi đã về hưu, kinh tế gia đình cũng tương đối ổn định, bà mới quyết định trở về luyện chữ. Được sự ủng hộ của chồng, mỗi ngày bà đều dành hết những khoảng thời gian trống của mình để mầy mò, tìm hiểu, đọc các tư liệu sách báo về các phương pháp viết chữ đẹp rồi từng bước khám phá, thử nghiệm nên các loại chữ mới. Từ 1994 đến năm 2004, sau 10 năm những quy luật viết đầu tiên mới được đặt ra. Bà Phin nghĩ ra 5 loại chữ viết trên cơ sở sáng tạo cách viết thư pháp truyền thống của các cụ. Lối chữ đầu tiên tạm gọi là chữ thảo vì khá giống chữ thảo của Hán Nôm. Kiểu thứ hai quy trong một hình vuông nhưng để chéo theo hình quả trám. Kiểu chữ thứ 3 nằm trong hình chữ nhật có trục ngang, song song đó là hình chữ nhật trục dọc. Kiểu chữ cuối cùng được viết theo lối viết ngược, giống như ngày xưa ở trong trường, học sinh thường hay bày ra trò viết ngược và cho rằng đó là một sự bí ẩn nhưng lại rất thú vị.

Chỉ nói sơ sơ tưởng như khá đơn giản nhưng để quy tất cả con chữ, câu chữ vào theo những thể thức nhất định thì lại không như vậy. Chữ Việt vốn có kết cấu dàn ngang, nay phải quy vào trong một khuôn nhất định với kích cỡ ngang dọc, cao như nhau trở thành một thử thách với người viết. Khi quy được chữ vào trong ô chữ rồi, lại phải tính toán thế nào cho thẩm mỹ, hợp lý, tạo nên quy ước chung cho tất cả các chữ thì không phải dễ dàng chút nào. Có những lúc, gặp phải chữ khó, chữ nhiều kí tự, bà Phin tưởng phải bỏ cuộc nhưng chính nhờ niềm đam mê, bà lại tiếp tục cố gắng. Cộng với những kinh nghiệm nhiều năm chuyên về công tác tuyên truyền, vẽ tranh chữ ở nhà máy, những con chữ đầu tiên theo lối viết mới đã được hoàn thành.

Những khán giả đầu tiên cũng là những người bạn, những người thân trong gia đình. Mỗi khi hoàn thành xong một thể chữ, bà Phin đều lựa chọn ra những tác phẩm đẹp nhất để nhờ mọi người đóng góp nhận xét hộ.

Để hoàn tất lối viết chữ mới này, ngoài những người bạn và gia đình, phải kể đến công lao của những người thầy đã góp phần giúp bà Phin mở rộng mỹ quan của mình. Người thầy thứ nhất không thể không nói đến là hoạ sĩnh Đinh Lực, là giảng viên của trường đại học Mỹ Thuật, chính ông đã hướng dẫn cho bà những hướng đi cơ bản ban đầu về bố cục, chi tiết, quy luật… Người thầy đáng kính thứ hai của bà phải nhắc tới giáo sư Vũ Khiêu. Với tư cách một người chú, một bậc tiền bối trong họ, sau khi xem những bản thảo đầu tiên của cuốn "Việt Nam thư pháp ngữ hình", ông đã có những trao đổi nghiêm khắc với bà về nghệ thuật cũng như những nội dung sẽ được cân nhắc trong từng tác phẩm. Cũng có những khi ý kiến giữa thầy và trò không đồng nhất, lại phải cố gắng để tìm một hướng đi khác phù hợp.

Đến năm 2004, cuốn sách chính thức ra mắt, tập hợp những tác phẩm đẹp nhất, đồng thời nêu rõ những quy tắc, chuẩn mực về lối viết chữ mới này, vuông thành, sắc cạnh mà cũng đầy bay bổng, nghệ thuật.

Nét chữ nết người

Nhận được sự khẳng định, trân trọng của những người trong giới, bà Phin càng tự tin hơn với lối viết thư pháp kiểu mới của mình. Căn nhà nhỏ của bà mỗi ngày đều có những vị khách quen có, lạ có tìm đến chỉ cốt mong có một cái chữ mang về nhà treo. Khi hỏi tại sao không tìm đến với những danh gia thư pháp nổi tiếng mà lại tới đây, nhiều người đều có chung một câu trả lời: Họ muốn có một cái gì đó cho riêng mình, những con chữ đơn giản, thân thuộc, dễ đọc, dễ hiểu chứ không phải lối chữ Hán loằng ngoằng khó hiểu. Với những con chữ ngữ hình, mô phỏng lại nghĩa của từ như vậy, họ không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của chữ mà còn ở ngữ nghĩa của từ.

Tuổi già, việc nhà cửa, việc con cháu cũng không còn phải bận tâm nhiều, bà chỉ chạnh lòng một nỗi, những tác phẩm đẹp nhất mình viết ra đều muốn tặng cho người chồng bấy nhiêu năm cùng nhau chia ngọt sẻ bùi nhưng ông lại không còn. Bà vẫn viết, vẫn sáng tác đều đặn như lời giao hẹn khi ông còn sống. Lấy tên ông làm "bút danh" của mình, khắc tên triện, hiệu tặng ông, tập hợp tất cả lại trong một cuốn riêng là niềm vui của bà. Thỉnh thoảng, mang ra xem, mỗi tác phẩm lại gợi cho bà một kỉ niệm về ông, người chồng đã hết lòng ủng hộ mình trước quyết định "chẳng giống ai", học viết thư pháp lúc tuổi xế chiều.

Một trong những niềm vui của bà bên cạnh viết câu đối, hoành phi, chữ cho khách khứa, bạn bè, những người thân quen là việc tạo nên những con triện. Đối với nhiều người, con triện giống như một cái dấu riêng, đại diện cho bản thân mình nên rất coi trọng, không phải chỉ đầy đủ tên họ mà còn thể hiện được tính người. Kẻ nhu, người cương, kẻ phóng khoáng, người ẩn dật,… bà Phin lại dựa trên từng tính mà nghiền ngẫm con chữ cho phù hợp.

Các con đều đã lớn, niềm hi vọng lớn của bà Phin đặt lên cô cháu nhỏ. Mỗi ngày, hai bà cháu ngồi với nhau, bà dạy, cháu học, những con chữ dường như không có điểm kết. Thú vị hơn, khi chính cô bé lại là người đem những chữ của bà lên khung vải, biến thành những bức tranh chữ thêu hoa mềm mại.

Cuộc sống vốn giản dị, đam mê không phân biệt tuổi tác, mong ước lớn nhất của bà Phin vẫn là làm được một điều gì đó đóng góp cho con chữ Việt một nét duyên hình.                           

Hón Th

Viết thư pháp với đôi tay tật nguyền

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Trong gần một thập kỷ qua, Cui Xianren sống trên đường phố bằng cách viết thư pháp với đôi tay tật nguyền sau một vụ nổ từ 18 năm về trước. Người đàn ông 49 tuổi này đã trở thành trung tâm chú ý của công chúng gần đây sau khi một bức ảnh của nghệ thuật đường phố của ông ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông đã được phổ biến lên mạng.

Mất hai tay, viết thư pháp bằng miệng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Trong những ngày gần đây, tại một con phố nhỏ trên đường phố Bắc Kinh của Trung Quốc, những người đi đường đều rất ngạc nhiên và tò mò khi chứng kiến một người đàn ông mất 2 tay với những vết thương chằng chịt trên cơ thể đã dùng... miệng để viết thư pháp.

“Dị nhân” viết thư pháp... trên hạt gạo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Những nét chữ thư pháp như "phượng múa rồng bay" dưới bàn tay của người nghệ sĩ trên hạt gạo khiến bất cứ ai xem cũng phải trầm trồ thán phục. Chiếc bút nhọn đầu chấm ít mực múa lượn trong khoảng vài phút trên hạt gạo đã cho ra một kiệt tác từ 4 đến 6 chữ mà mắt thường có thể đọc một cách rõ ràng.

Đua nhau cho trẻ học thư pháp để luyện chữ, rèn tâm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Thư pháp Việt ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi của nhiều người với đủ các thành phần lứa tuổi.