Nước mắt ngày trở về của người con 36 năm xa xứ

Nước mắt ngày trở về của người con 36 năm xa xứ

Thứ 3, 09/07/2013 | 11:10
0
"Khi tiếp viên hàng không thông báo "máy bay đã bay vào không phận Việt Nam", tự nhiên nước mắt tôi rơi lã chã. Giờ phút nhìn thấy đồng bào mình, dù không phải thân thích, họ hàng nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng thân thương, gần gũi.

"Tôi là người bất hiếu với gia đình, với Tổ quốc"

Tôi gặp ông Nguyễn Phương Hùng (SN 1946, quê Bắc Giang) - một người Việt đã định cư ở Mỹ hơn 30 năm nhân dịp đại hội truyền thông tổ chức tại Hà Nội năm 2011. Dù chưa biết nhiều về ông nhưng những phát biểu, quan điểm của ông tại đại hội thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Đây cũng là lần đầu tiên ông trở về sau 57 năm xa Hà Nội và 36 năm xa Việt Nam. Ông cũng là một trong những kiều bào tiêu biểu góp mặt trong đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa vào tháng 4/2012.

Xã hội - Nước mắt ngày trở về của người con 36 năm xa xứ

Ca sỹ Lệ Hằng (đứng thứ 3 từ trái sang) chụp hình cùng nhiều bạn bè khác

Qua Mỹ ngày 27/4/1975, ông làm đủ nghề, từ lao công, khuân vác, đi học lấy bằng IT (bằng về công nghệ thông tin - PV). Sau đó, ông làm lập trình viên thảo chương điện toán từ tháng 11/1977 đến khi về hưu. Cơ duyên trở về quê hương của ông qua lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) và qua Tổng Lãnh sự Lê Quốc Hùng (Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 2009 - 2012) về đại hội truyền thông báo chí hải ngoại đầu tiên vào tháng 9/2011.

Giờ phút đặt chân trên đất mẹ sau hơn 30 năm xa cách, ông chỉ biết khóc nghẹn, không nói nên lời. Ông Nguyễn Phương Hùng chia sẻ: "Máy bay khởi hành từ phi trường Los Angeles đến Nội Bài, tổng cộng hết 19 giờ (kể cả 2 giờ quá cảnh tại Đài Loan). Khi tiếp viên hàng không thông báo "máy bay đã bay vào không phận Việt Nam", tự nhiên nước mắt tôi rơi lã chã. Giờ phút nhìn thấy đồng bào mình, dù không phải họ hàng, thân thích nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng thân thương, gần gũi.

Cảm giác lúc đó vừa bồi hồi vừa xúc động xen lẫn lo lắng vì đây là lần đầu tiên tôi được trở lại Việt Nam sau một thời gian dài. Khi trở về, nhìn thấy đất nước đổi mới sau một thời gian dài chiến tranh, tôi mới biết những thông tin hải ngoại về đất nước đã bị xuyên tạc. Và có lẽ không riêng mình tôi mà còn rất nhiều người Việt ở hải ngoại vẫn còn mù mờ về thông tin trong nước".

Ông bảo mình là người con bất hiếu với gia đình, với Tổ quốc. "Với gia đình, tôi đã bỏ bố mẹ và anh em để sống một mình bên Mỹ. Trong khi đất nước thống nhất thì tôi lại ra đi. 5, 10 năm không về thì có thể tha thứ được nhưng từ khi quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ đã bình thường hóa (tháng 7/1995) mà tôi vẫn không về tức là bất hiếu với Tổ quốc", ông Hùng nghẹn ngào.

Xã hội - Nước mắt ngày trở về của người con 36 năm xa xứ (Hình 2).

Ông Nguyễn Phương Hùng (bên phải) và Thứ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)   

Tháng 4/2012, ông được mời đi Trường Sa trong chuyến đi dành cho kiều bào hải ngoại đầu tiên. Với một người trong nước đi thăm đảo đã là đặc biệt, đằng này, với người con xa quê như ông, rất nhiều cảm xúc khi nhìn lại những người lính trẻ ngoài đảo đang trạc tuổi ông lúc ở quân đội.

Ông Nguyễn Phương Hùng khẳng định: "Nước còn đó sao bảo là mất, nhà còn kia sao bảo là tan. Những thông tin mà không riêng gì tôi mà nhiều người Việt ở hải ngoại tiếp nhận được về biển đảo đều đã bị bóp méo, không đúng như những gì tôi chứng kiến".

Hiện, ông đang là chủ bút của trang báo KBC (kbchn.net), một trang báo uy tín của người Việt ở hải ngoại. Là một nhà báo tâm huyết, ông muốn dùng chính sức mạnh của trang báo mạng của mình để thuyết phục cho dư luận hải ngoại biết sự thật về Việt Nam bằng hình ảnh, video và bài viết. Theo cảm nhận của ông, Việt Nam đang trên đường phát triển không thua kém gì các nước trong khu vực.

Không nén được những cảm xúc, ông bảo, mong muốn nhất hiện nay của người con xa quê là tìm một "chỗ nằm" trên quê mẹ. Ở tuổi 67, ông không còn mong muốn nào hơn thế. Sau lần đầu trở về Việt Nam sau mấy chục năm xa cách, ông về quê hương thường xuyên hơn theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Lần nào về, trong ông vẫn không nguôi tâm trạng xúc động nghẹn ngào. Và tôi cũng chẳng bao giờ quên được hình ảnh của người đàn ông vạm vỡ vừa bước ra cửa chỗ đón khách ở sân bay Nội Bài. Ông đứng sững, đưa mắt nhìn những người Việt Nam thân thương, rồi tháo kính để lau những giọt nước mắt của ngày trở về.

Vợ ông - ca sỹ Lệ Hằng - đã trở thành ca sỹ hải ngoại đầu tiên hát ở Trường Sa. Ông cũng rất niềm nở khi chia sẻ về vợ mình: "Vợ tôi rất nhát và hiền. Vì những tuyên truyền sai trái tại hải ngoại nên cô ấy không dám ra Trường Sa vì sợ.  Tôi đã thuyết phục và không ngờ sau đó Lệ Hằng nổi tiếng là ca sĩ hải ngoại đầu tiên đến Trường Sa với nhạc phẩm "Về đây nghe em" của nhạc sĩ Trần Quang Lộc".

Từ khi trở về quê lần đầu sau 36 năm xa cách, ông được ăn tết Nhâm Thìn (2012) và tết Quý Tỵ (2013) tại Việt Nam. Trong thời gian tới, ông còn hy vọng sẽ về ít nhất một lần mỗi năm vào dịp tết. Sống ở Mỹ nhiều năm, người con xa quê ấy vẫn đau đáu khi còn rất nhiều người Việt bên Mỹ muốn về quê hương nhưng chưa dám trở về. Suốt cuộc trò chuyện, ông thẳng thắn: "Tôi chỉ có một câu nói ngắn: "Ai chưa về Việt Nam bao giờ, hãy về một lần cho biết".

Xã hội - Nước mắt ngày trở về của người con 36 năm xa xứ (Hình 3).

Ông Nguyễn Phương Hùng    

"Tôi đã trở về quá trễ..."

Khi được hỏi điều gì khiến ông nuối tiếc nhất, ông không ngần ngại: "Tại sao tôi trở về quá trễ? Tôi đã phung phí rất nhiều tiền bạc cho trò chơi "yêu nước" tại hải ngoại mà lẽ ra tôi có thể giúp ích rất nhiều cho đồng bào trong nước. Vâng, tôi hối hận vì tôi đã trở về quá trễ. Tâm nguyện của tôi là sẽ làm việc nhân đạo và thiện nguyện. Tại Hoa Kỳ có những tổ chức tư nhân về giáo dục, y tế và xã hội, tôi sẽ liên lạc với họ để nói chuyện và thuyết phục họ về giúp đỡ đồng bào mình trong tinh thần bất vụ lợi như khám bệnh miễn phí, xây trường học, xây bệnh viện…".

Trong những dự định sắp tới, nhà báo Nguyễn Phương Hùng cũng chia sẻ về ba ước nguyện được đi làm phóng sự tại Trường Sa, thác Bản Giốc và cột mốc biên giới. Trong đó, ông đã đi Trường Sa, đã thăm thác Bản Giốc, từ đó làm sáng tỏ cho những thông tin sai lệch mà những người Việt hải ngoại từng biết đến.

Ông Hùng cho biết: "Tôi nghĩ rằng, nước ta nên chính thức ra thông báo mời các đại diện hội đoàn, cộng đồng ai muốn về Việt Nam thăm Trường Sa, thác Bản Giốc và cột mốc biên giới. Tôi sẽ đi theo đoàn để ghi lại những phản ứng của những người này khi nhìn thấy sự thật trước mắt. Tôi đã được đi Móng Cái xem cột mốc biển, cột mốc đất, đã được đặt chân qua bên kia biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Nay tôi muốn đi Hà Giang để xem nơi địa đầu giới tuyến đã hứng chịu quả đại bác đầu tiên và cũng là nơi đón nhận quả pháo cuối cùng trước khi chiến tranh Trung -  Việt chấm dứt".

Dự kiến có thể tôi sẽ đi Việt Nam tháng 8/2013. Ngoài ra, tôi muốn đi thăm Điện Biên Phủ, ngã ba Đồng Lộc, Khe Sanh, Tây Nguyên, Phú Quốc, Côn Sơn..., những điạ danh lịch sử, những nơi đã vùi sâu thân xác của biết bao xương máu thanh niên Việt Nam của cả hai miền. Tôi muốn viết một cuốn hồi ký "Trở về" để viết lên tất cả những đau khổ và hệ quả của chiến tranh mà chính nhân Việt Nam chúng ta phải hứng chịu bằng bom đạn của kẻ thù".     

Yến Dương

Nỗi buồn xa xứ của người thông minh nhất hành tinh

Thứ 5, 03/01/2013 | 08:44
Vào đại học năm 3 tuổi, có bằng tiến sỹ khi mới 15, Kim Ung-Yong được vinh danh là người có chỉ số IQ cao nhất thế giới và là người thông minh nhất còn sống hiện nay. Sau những thành công phi phàm nở hoa từ quá sớm, ông đã lựa chọn một cuộc sống khác so với kỳ vọng của nhiều người.

Quê hương trong nỗi nhớ đứa con xa

Thứ 3, 05/02/2013 | 09:08
Một cái Tết nữa lại về trong không khí đưa tiễn năm cũ qua đi, chào đón một năm mới đang về, mùa xuân tới mang theo hơi ấm của yêu thương. Có lẽ ai xa xứ cũng có cảm giác như tôi lúc này, một cảm xúc mộc mạc thân thương chợt ùa về.