Nuốt nước mắt tình riêng để bất tử với tuồng

Nuốt nước mắt tình riêng để bất tử với tuồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con ngõ ngoằn ngoèo, sâu hút thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội), nghệ sĩ ưu tú vẫn tươi cười, hiền hậu như chúng tôi đã từng gặp bà cách đây ít năm. Nếu không nói, thực ít người có thể tưởng tượng được căn nhà mà hai vợ chồng đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Văn Thông Đàm Thanh lại sống "kiệm" đến như vậy. Tình nghề, tình đời giống như một bức tranh thơ đã tiếp sức cho đôi vợ chồng này trong suốt bao nhiêu năm và giúp Đàm Thanh vượt qua bệnh tật hiểm nghèo...

Chuyện tình từ tiếng hát "chim vành khuyên"

Là con cháu trong gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng lâu đời (ông ngoại từng là ông bầu một gánh hát nổi tiếng của đất Phú Yên) nhưng chính mẹ NSƯT Đàm Thanh lại không muốn các con mình theo nghiệp. Tuy vậy, nghệ thuật tuồng như một định mệnh đã gắn bó với chị em Đàm Thanh. Chiến tranh nổ ra, mẹ Đàm Thanh bồng con ra Bắc. Ngày ấy, tuồng vẫn là một thứ gì đó "xa xỉ" với người Bắc, đếm chỉ được trên đầu ngón tay. Với Đàm Thanh, tuy còn học trên ghế nhà trường nhưng bà đã "mê" theo từng câu hát của bà, của mẹ, của các cô chú trong đoàn nghệ thuật của mẹ lúc bấy giờ. Bà không ngần ngừ khi quyết định theo học tuồng.

Sự kiện - Nuốt nước mắt tình riêng để bất tử với tuồng

NSƯT Đàm Thanh không một ngày thôi thương nhớ cố đạo diễn Nguyễn Văn Thông.

Do niềm đam mê tuồng và miệt mài tập luyện nên thành công cũng sớm mỉm cười với cô gái trẻ Đàm Thanh. Một trong những vở diễn đã mở ra bước ngoặt đối với nghiệp diễn của bà phải kể đến vở tuồng Trần Quốc Toản. Bà kể: "Mới đầu tôi chỉ đảm nhận một vai quần chúng trong vở này, sau hai tháng tập luyện, diễn viên chính đóng vai Trần Quốc Toản diễn không vừa ý đạo diễn. Trong các buổi tập, vì yêu thích nên tôi thường học hỏi các cô chú, anh chị đi trước”. Vô tình đạo diễn nhận ra tài năng của cô diễn viên quần chúng đã yêu cầu Đàm Thanh diễn thử và bà đã diễn hay hơn cả vai chính Trần Quốc Toản. "Ai ngờ, sáng hôm sau, đạo diễn thông báo "Đàm Thanh sẽ đóng vai Trần Quốc Toản", lúc đầu tôi từ chối nhưng đạo diễn nhà hát đã giao nhiệm vụ thì phải chấp hành. Từ đó trở đi cứ vở Trần Quốc Toản là tôi đảm nhận", Đàm Thanh tươi cười chia sẻ.

Từ Trần Quốc Toản cho đến Trưng Nữ Vương và nhiều vở diễn nổi tiếng về sau, có những vở Đàm Thanh nhận tới 2 vai diễn, vừa đóng vai người vợ anh hùng Trưng Trắc, vừa đóng vai người chồng dũng liệt Thi Sách khiến khán giả dù đã xem không dưới mười lần cũng phải ngỡ ngàng. Một cô gái trẻ chưa từng biết tới tình cảm vợ chồng nhưng khi Đàm Thanh diễn, ai có thể nói đó là tình cảm không thực khi những giọt nước mắt khán giả đã nói thay điều đó.

Đang tuổi đẹp nhất của đời con gái, cũng là đỉnh cao của sự nghiệp thì bà gặp một nửa của mình, đạo diễn của "Con chim vành khuyên". Lúc bấy giờ, ông vẫn đang đau đầu vì không thể nào tìm được một giọng nói nào phù hợp với chất giọng trong trẻo mà cương nghị của bé Nga trong phim. Thử tới 9 người vẫn phải lắc đầu. Vừa may, một thành viên trong đoàn làm phim vốn cũng thuộc nhà hát tuồng mới gợi ý cho đạo diễn mời thử Đàm Thanh xem sao. Khi tiếng bé Nga vừa cất lên: "Đò giặc đừng sang, đò giặc đừng sang", lập tức vị đạo diễn trẻ tuổi nhận ra giọng "bé Nga" không thể là ai khác.

Thấy đạo diễn trẻ tuổi, lại có phần "quê", ban đầu bà còn nghi ngờ năng lực của ông, nhưng càng làm việc, càng thấy tâm đầu ý hợp. Không ngờ, bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Văn Thông lại là sợi chỉ xe duyên, tác hợp để người đạo diễn này và Đàm Thanh nên vợ nên chồng.

Người đời vẫn thường "ghen tị" với đạo diễn Nguyễn Văn Thông vì có vợ xinh đẹp và hết mực chiều chồng. Đến một cái khăn tay bà cũng chưa từng để ông phải động tay. Lấy nhau rồi, một căn nhà để làm chỗ đi về cũng không có, phải đi ở nhờ hết nhà này tới nhà khác. Đôi vợ chồng chỉ được ở dăm bữa nửa tháng lại phải chuyển, nơi lâu nhất là căn nhà của nhà thơ Tế Hanh số 10 Nguyễn Thượng Hiền (TP.Hà Nội). Vợ chồng ở với nhau chưa kịp bén hơi thì ông khoác ba lô lên đường, bà lại về nhà mẹ ở.

Làm vợ chồng với nhau được hơn 40 năm nhưng thời gian hai người gần nhau tính ra chẳng được bao nhiêu. Cảnh chồng Nam, vợ Bắc biền biệt, chỉ đến năm 2005 ông nghỉ hưu hai người mới chính thức về ở bên nhau. Ấy thế mà người chồng suốt bao nhiêu năm quần quật nơi sa trường đến lúc được nghỉ ngơi vẫn cứ luôn đau đáu với nghề. Ông lại miệt mài với những chuyến đi dài Nam Bắc, bà cũng chẳng phàn nàn. Hạnh phúc lớn nhất đối với bà đó là mỗi chuyến công tác, đi xa thấy ông trở về bình an. Dù xa xôi cách trở, phương tiện đi lại cũng khó khăn nhưng tình yêu của ông bà dành cho nhau khó mà có thể đong đếm được, bởi đối với bà tình yêu của ông đã giúp bà vượt qua mọi thử thách, mặc cảm bệnh tật.

Sự kiện - Nuốt nước mắt tình riêng để bất tử với tuồng (Hình 2).

Vợ chồng đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông - NSƯT Đàm Thanh hồi còn trẻ.

Đạo diễn ca nhạc đầu tiên

Thấy tình hình sức khỏe của vợ không đảm bảo, đạo diễn Nguyễn Văn Thông mới khuyên Đàm Thanh đi học đạo diễn bởi vì làm diễn viên, lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng và vất vả nhiều. Nghe lời chồng, bà vào học lớp đạo diễn khóa 1 của Trường Sân khấu điện ảnh. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, kiến thức được mở mang nhiều, cũng không quên sự dìu dắt của người chồng mỗi khi gặp vấn đề khó. Đến năm 1972 thì Đàm Thanh tốt nghiệp sau 4 vở bà trực tiếp đứng máy đạo diễn thành công tốt đẹp. Kết thúc khóa học, Đàm Thanh về công tác tại Đài truyền hình Việt Nam với vai trò là đạo diễn sân khấu.

Qua một số vở bà dàn dựng như vở chèo "Dương Vân Nga", vở cải lương "Lục Vân Tiên" được nhiều người khen ngợi và tán thưởng. Đúng dịp kỷ niệm ngày 27/7 năm đó đích thân Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam giao Đàm Thanh làm chương trình ca nhạc kỷ niệm. Chương trình thành công rực rỡ và được Giám đốc Đài khen gợi và đánh giá cao. Một lần nữa tài năng đạo diễn của bà được khẳng định trong một vai trò mới đạo diễn ca nhạc. Kể từ đây những sự kiện quan trọng, giám đốc đều trực tiếp giao cho bà làm.

Đến nay đã hơn 2 năm kể từ ngày đạo diễn Nguyễn Văn Thông, chồng bà không còn nữa, nhắc lại kỷ niệm về bước ngoặt đó bà ngậm ngùi và dành cho người chồng, người thầy sự kính trọng: "Không có anh Thông, tôi không có nghề đạo diễn". Tính đến nay, bà đã có tới 30 năm trong vai trò đạo diễn, đặc biệt là đạo diễn ca nhạc. Những chân dung nghệ sĩ lớn ít nhiều đã từng làm việc với bà như: Thanh Hoa, Trung Đức, Thu Hiền, Doãn Nho, Huy Thục, Nguyễn Tài Tuệ,... Đặc biệt bà cũng là người đầu tiên mang dân ca quan họ lên sóng truyền hình đến với khán giả cả nước. Tất cả những người đã từng làm việc và tiếp xúc với Đàm Thanh đều dành cho bà sự kính trọng và cảm phục, một nữ đạo diễn đủ tâm - tầm - tài với nghề.

Kể từ ngày đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông mất, người em gái út của Đàm Thanh đã chuyển đến ở cùng, vừa để an ủi, động viên và cũng tiện chăm lo sức khỏe cho chị gái, bởi Đàm Thanh mắc bệnh tim và tiểu đường. Cả cuộc đời, Đàm Thanh chỉ có Nguyễn Văn Thông và ngược lại ông cũng chỉ có duy nhất Đàm Thanh.

Điều bà vẫn áy náy suốt bấy nhiêu năm là không sinh được cho ông mụn con nào. Trong khi đó ông là con trai duy nhất trong nhà, phận làm dâu con không khỏi khiến bà suy nghĩ. Nhưng căn bệnh tim không cho bà chức phận được làm mẹ. Cũng có lúc liều, có thai nhưng bà kiên quyết không bỏ, đến tháng thứ 7 thấy có triệu chứng lạ, đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ yêu cầu phải ở lại để theo dõi. Bà bước chân ra khỏi phòng khám bỗng đổ quỵ. Bác sĩ không thể cứu được con bà. Nghe tin vợ bệnh, đạo diễn Nguyễn Văn Thông tức tốc từ chiến trường đường 9 về thăm. Sau mấy tháng xa cách, vợ chồng gặp mà không thể nhận ra nhau. Ông gầy và đen quá, chỉ có giọng nói là không đổi. Bà rớt nước mắt khi nghe ông hỏi: "Cho tôi hỏi giường bệnh của cô Đàm Thanh?". Nhận ra nhau hai người chỉ ôm nhau mà khóc cho thỏa nỗi nhớ thương.

Thiên Vũ