Ở Singapore nhớ Tết mùng năm xứ Thanh

Ở Singapore nhớ Tết mùng năm xứ Thanh

Thứ 4, 12/06/2013 | 09:13
0
Ở cái xứ gần đường Xích Đạo, chỉ có hai mùa: mùa nóng và mùa nóng hơn. Khí hậu Singapore khá giống với Sài Gòn, nhưng được thêm cái độ ẩm cao, trời nồm người dính dáng khó chịu. Thành phố Singapore đâu đâu cũng rợp bóng cây, những mảng màu xanh được điểm xuyết thêm vô khối sắc màu từ nhiều thứ hoa lá nhiệt đới.

Chứ ở cái xứ xã hội thương mại, lúc nào con người cũng căng như sợi dây đàn, ít lúc nào có thời gian mà ngắm cỏ cây. Thời tiết cũng chả thay đổi mấy, tâm trạng cũng chẳng đung đưa lên xuống bằng nhịp mùa, có chăng là nóng sốt bởi sự thay đổi các chỉ số trên thị trường chứng khoán hay tỉ giá qua đêm SIBOR.

Có mấy độ đi trên đường về phía công vườn chim Jurong, tôi thấy một hàng cây vông nem nở hoa rực đỏ bên đường. Tôi có nhớ một cây vông nem bên Hồ Gươm nở hoa như vãi lửa lên trời. Nhưng dù có đỏ đến mấy, một cây vông nem cô đơn bên hồ, dù đốt cháy hết mình khát khao vẫn không xóa được niềm chạnh lòng cô liêu của lữ khách đa sầu.

Tôi nhớ lắm, cứ độ tháng năm qua. Khi lũ tiểu mãn vừa dứt, nước sông Chu vẫn còn xanh, nhưng đã chạy nhanh như chàng trai mười bảy ngực trần kiêu hãnh tiến về phía bể Đông. Tôi nhớ lắm những ngày cuối tháng tư, bà tôi răng đen tóc vấn tay nhanh tráng bánh đa bên lò lửa cháy rừng rực cho kịp người ta mang ra chợ bán ăn Mùng.

Xã hội - Ở Singapore nhớ Tết mùng năm xứ Thanh

Vào Tết Đoan Ngọ, ở chợ quê thường bán các loại "lá mùng năm"

Dăm ba người đàn bà người Mường mặc áo khóm bằng vải phin nõn, váy sa tanh Nam Định dài lút chân, vai kĩu kịt ghánh thêm những bồ đựng đầy những thứ thuốc Nam, thuốc Thổ. Ngày mùng năm, hai bồ ghánh lại ăm ắp cả cây cao đằng, kim ngân, hoắc hương, hoa ngâu, cây hòe để bán cho người ta làm chè mùng năm.

Chợ Thạc bày bán cơ man là vao. Vao được quấn lại thành vòng giống như vòng nguyệt quế. Bọn con nít háo hức lắm, ngay từ mùng bốn đã chuẩn bị những bẹ cây chuối hột phơi vừa héo để làm lạt buộc vao. Vao giã nhỏ hay dùng miệng nhai cho nhuyễn, đắp vào móng tay móng chân rồi lấy lá vông nem buộc lại. Sáng mùng năm mở mắt ra, mười ngón tay chân đều đỏ như son. Mấy chị em tôi đem khoe với bà, bà bảo thế là đẹp, đi đứng không vấp váp.

Chứ khi con tú hú kêu ngoài bãi, giục cho hàng vải ven đê mới hôm nào còn xanh xao mà hôm nay thắp lửa cả một vùng trời đằng đông. Tôi có thấy trong sợ Shing shong có bán nhiều trái lệ chi, những trái to như nắm tay người lớn, xù xì những gai, khi ăn thì giống như vị trái chôm chôm. Tôi không nghĩ nàng Dương Quý Phi diễm lệ ham ăn ngọt kia thích trái lệ chi khủng lồ này, nàng có thích là thích trái vải tu hú nhỏ xinh, ngọt đến tận tâm can của quê tôi, mà Mai Thúc Loan cất công ghánh gồng vượt ngàn dặm cho vua Đường Minh Hoàng dâng lên cho nàng.

Chứ tháng năm, nhìn từ ven đê, ruộng đồng Chùa như một tấm thảm Ba Tư khổng lồ, dăm ba vạt ruộng còn xanh, xanh ba vạt ruộng đã vàng, dăm ba vạt ruộng gặt sớm mà chân ruộng khô khan chỉ còn trơ gốc rạ. Chứ tôi nhớ lắm, lúc theo mẹ ra đồng đi gặt, tôi chạy theo bắt những con muồm muỗm giống anh trương tuần mặc áo cánh ngắn, hay con châu chấu cái mặt thuồn thuỗn như cụ lý mặc áo kép nhuộm màu mạ non.

Chứ Mùng Năm đấy, chị em tôi háo hức chờ đợi cả năm, nay đã đến bằng mẹt đậu phụ và bánh tráng để giết sâu bọ buổi sáng. Bà lại ép tôi ăn cơm rượu ngọt ngọt nhưng hơi cay từ cái bát nhỏ xinh xinh chỉ lọt lòng cái bát chiết yêu mà lâu nay cất kĩ trong chạn, tôi cũng tò mò không biết nó dùng để làm gì. Rồi nào là bánh tro màu như màu khối mã não, chè con ong như hổ phách xếp chung quanh cái mâm đồng . Nào là kêu nấu đổ sẵn ra sàng có lát chuối. Nào là mít thơm lừng, là chuối chín trứng cuốc để ăn với xôi vò vàng tơi.

Dăm ba cô gái nhỏ háo hức đến Mùng năm để được xâu lỗ tai bằng gai bưởi. Các cậu trai được mẹ bôi cho chút hồng hoàng lên trán để thanh nhiệt. Bà tôi lại bắc cái chảo không lên bếp, miệng thì không biết là hát hay là khấn vái: Kiến cồng kiến càng- Kiến ở ngoài đàng-Kiến đừng vô đây-Kiến cồng kiến càng.

Đi đến đến khu bảo tồn Bedok từ phía đông thành phố Singapore, là có lễ hội đua thuyền rồng. Nó cũng hơi giống như người Khmer đua ghe ngo trong lễ hội Ooc Bom Boc để tưởng nhở tích rắn thần Naga đưa Đức Phật qua sông. Nhưng ngày trùng ngũ ở Singapore là tưởng nhớ ông Khuất Nguyên bên Tàu.

Phải nói thêm đa số người Singapore là người Hoa, các phong tục cũng đậm nét văn hóa Tàu. Nhưng người Malay, người Ấn Độ chiếm thiểu số, họ cũng cố tô thêm các phong tục lễ tiết của mình đậm hơn để cạnh tranh với người gốc Hoa. Ở các nền văn hóa đồng nhất, số ít các bạn trẻ hay thích làm cho mình khác đi với văn hóa phong tục, lề lối truyền thống để khẳng định mình, nhưng ở các nước đa văn hóa, các bạn trẻ dùng các phong tục truyền thống như một cách để thể hiện sự khác biệt, độc đáo các dân tộc mình. Vậy nên cũng không lạ, ở đám cưới của người Việt tại Mỹ thì nam thanh nữ tú thích mặc áo dài hơn ở Hà Nội hay Sài Gòn.

Ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam vẫn cúng tổ tiên. Bà tôi cũng không bao giờ nói cho tôi biết đây là ngày giỗ ông Khuất Nguyên bên Tàu. Ông Khuất Nguyên gieo mình xuống sông Mịch La tuẫn tiết, xác ông không được ngư dân vớt lên, mặc cho cá rỉa, sâu ăn. Người dân thương người trung nghĩa khí tiết, chết mà không được toàn thây, vậy nên đã làm bánh ú, buộc chỉ ngũ sắc thả xuống sông cúng người. Có người lại nói là, thả bánh xuống sông cho cá nó ăn, nó không ăn xác nhà thơ tài hoa bạc mệnh. Hồi nhỏ, tôi hay bơi trên sông Chu, bà tôi nói nếu có chết đuối mấy người vạn chài cũng không vớt đâu, họ không cãi lại lệnh đòi của Hà Bá. Nếu cứu người đuối nước, mấy hôm Hà Bá lại đòi mạng dân vạn chài thế mạng.

Ngày Trùng Ngũ, đi dọc sông Singapore, tôi thấy nhiều bánh Zong-zi buộc chỉ ngũ sắc trôi dập dờn theo dòng nước. Nước kéo trôi mãi, cũng có lẽ chảy về tận biển. Nhưng mất bao nhiêu tháng ngày mới chảy được đến biển Thái Bình Dương, vượt bao dòng hải lưu qua biển Đông, chắc gì đã về đến Bắc Hải mà theo thủy triều lên tận sông Mich La để cúng người thi sĩ của điệu Ly Tao tài hoa bạc mệnh.

Vũ Văn Song Toàn

> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Tết giản dị ở nơi nghệ sĩ rời ánh hào quang về nương náu

Thứ 6, 15/02/2013 | 08:30
Nằm khép mình trong con hẻm dài hun hút trên đường Âu Dương Lân (Quận 8), Viện Dưỡng lão nghệ sĩ cũng chộn rộn hơn trong cái không khí của những ngày cuối năm, giáp Tết. Khi ngoài đường, người ta nô nức, hối hả với mùa xuân đang tới trước thềm nhà, thì trong ngôi nhà chung này, những người nghệ sĩ già bấy lâu nay nương tựa vào nhau mà sống cũng chuẩn bị cùng nhau đón Tết, với buồn vui cuộc đời khi trót đeo mang theo nghiệp cầm ca và ánh đèn sân khấu.

Người Việt xa quê nhớ Tết thật thà

Thứ 7, 09/02/2013 | 14:36
Khi đã ở cách quê hương hơn mười giờ bay, tôi mới biết mình thực lòng yêu Tết. Một tình yêu thật thà.

Em ở xa có nhớ Tết Việt không?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Suốt mùa Giáng sinh không thấy tuyết rơi. Sáng hai tám tết, mở mắt ra đã thấy đất trời trắng xóa. Những mái nhà lợp bằng đường kính. Tuyết đấy. Lạnh âm 7 độ C. “Ngày xửa ngày xưa có một bà hoàng hậu ngồi khâu bên cửa sổ…”. Nàng Bạch Tuyết năm nay đón tết xa nhà.

Nhớ Tết Hà Nội sau bom B52

Thứ 4, 13/02/2013 | 13:41
Trong thế kỷ 20, có hai cái Tết Nguyên đán không thể nào quên với người Hà Nội: Tết Đinh Hợi 1947, khi Trung đoàn Thủ đô vẫn ngoan cường chiến đấu chống lại quân Pháp. Dân phố cổ đi tản cư , Hàng Bồ không còn ai viết câu đối, chợ hoa Hàng Lược năm đó không mở..., và Tết Quý Sửu năm 1973...

Nhớ Tết và nỗi lòng người Việt xa xứ

Thứ 5, 03/01/2013 | 15:14
23h30 (giờ Việt Nam) đêm cuối năm tôi đi như chạy về một trạm điện thoại công công để gọi điện về Việt Nam chúc tết. Ở đó đã thấp thoáng vài bóng dáng nhỏ bé đang xúm lại.