Oái oăm chuyện xuất ngoại mua... hàng nhái, hàng Việt

Oái oăm chuyện xuất ngoại mua... hàng nhái, hàng Việt

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Quảng Châu (Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan) được coi là những thủ phủ mua sắm cho khách du lịch. Nhiều người hí hứng nhân chuyến du lịch có thể thỏa chí mua sắm, nhưng oái oăm thay khi "so bó đũa" lại chọn phải hàng nhái, hàng Việt...

Nâng lên đặt xuống chọn... hàng nhái

Theo bật mí của anh Nam- nhân viên Shopbaby Online trên mạng chuyên bán quần áo trẻ em Việt Nam xuất khẩu "Made in Vietnam", đi du lịch Quảng Châu (Trung Quốc) hay Băng Cốc (Thái Lan) chọn mua đồ cũng cần phải có kinh nghiệm.

Chọn mua áo Thái Lan tại Băng Cốc

Mở đầu câu chuyện, anh Nam nói về hàng "Made in Vietnam"- thời trang xuất khẩu Âu, Mỹ, một thương hiệu nội đã có hàng Trung Quốc nhái đồ "Made in Vietnam" để nói về việc đi xuất ngoại có khi lại rước phải hàng nội địa. ở Hà Nội, bước chân vào các cửa hàng "Made in Vietnam" là cả một rừng sản phẩm dán mác American Eagle, Energie, Abercrombie&Fitch, Banana Republic, Holister, Roxy, Billaboong, Union Bay, GAP, Old Navy, East Coast, giày Lacoste, Levis, Puma, Tommy, All Star...

"Những loại đồ hiệu này bạn phải mua với giá cắt cổ trong các tiệm hàng hiệu hoặc ở nước ngoài, thì tại Việt Nam có thể sắm một lúc vài thứ mà không tiêu quá 1 triệu. Chuyện người Việt Nam mua hàng hiệu dưới mác nước ngoài là chuyện không hiếm gặp”, anh Nam nói.

Người Thái thích ổi Việt, người Việt thích “ổi Thái”

Câu chuyện của chị Hải khiến tôi liên tưởng đến câu nói mà người hướng dẫn viên du lịch người Thái (nói Tiếng Việt sõi hơn tiếng mẹ đẻ-PV) khi nói về đặc sản ổi của Thái Lan. Người hướng dẫn viên bảo: "Lạ thay, người Thái thích ăn ổi của Việt Nam nhưng người Việt Nam lại thích ăn ổi của Thái. Nếu như đi du lịch sang đây, người nào không mua mấy quả ổi về làm quà thì không phải đã "săn" được “đặc sản” Thái".

Anh Nam so sánh, khi mua hàng "Made in Vietnam" kiểu dáng theo thiết kế nước ngoài mà chất liệu, chất lượng cũng tương đối ổn mà giá cả lại rất phù hợp, từ 100- 500 nghìn đồng/1 sản phẩm. Nhưng khi sang Băng Cốc vào chợ chọn mua quần áo với mức giá đó thì khó chọn được sản phẩm ứng ý. Hàng hóa tràn ngập đến mức chất lượng lẫn lộn khó thẩm định giá. Thậm chí, ngay ở chợ bán sỉ, bán lẻ, một số gian hàng cũng trang hoàng, treo biển bán đồ hiệu long lanh.

"Thế mới có chuyện, nhiều du khách sang Thái Lan, ngay cả bạn tôi, khi sang Băng Cốc lại mua phải hàng nhái trong khi khấp khởi mừng mua được hàng Thái "xịn" giá rẻ", anh Nam nói.

Nói về chuyện mua phải hàng nhái "ở bển" anh Nam nhấm nhẳng: "ở Hà Nội, nhiều cửa hàng mang nhãn Made in Vietnam hoặc cũng có sản phẩm không có dòng made in... đâu cả, thì chất lượng tương đối của đồ ở Made in Vietnam cũng không thua kém gì đồ hiệu chuẩn. Thậm chí, giá cả rất cạnh tranh, chỉ bằng 1/2-1/3 giá hàng nhái cùng loại nguồn gốc Thái Lan, Trung Quốc".

Chị Nguyễn Thu Hằng (nhân viên Ngân hàng ACB) cho biết, tháng 6/2011, chị đi du lịch Thái Lan một tuần, khi vào các khu chợ Pratunnam, Pratunium và chợ cuối tuần Chatuchak chị đã mua được rất nhiều đồ dùng, quần áo thời trang. Trong số đó món đồ chị ưng ý nhất là bộ đồ lót nhãn hiệu Sabina với giá tương đối rẻ 420.000 đồng (tương tương với 600 bath Thái-PV), thế nhưng khi về chị mới té ngửa đó chỉ là đồ nhái mà giá lại cao hơn mua tại các cửa hàng bán đồ Thái trong nước gần 200.000 đồng.

Theo bật mí của Tâm Thảo- một tay chuyên đánh hàng Thái Lan thì nhiều nhãn hiệu quầõn áo như Dapper, CSPS, CK, Zara, ccoo..., nếu người Việt đi du lịch mà không có kinh nghiệm chọn đồ sẽ mua phải hàng nhái mà chưa chắc đã đẹp bằng hàng được bán trong các cửa hàng "made in Vietnam".

Tâm Thảo cho biết, ở Trung Quốc, Thái Lan... khi mua đồ bên ngoài hoặc trong chợ sẽ bị nói thách rất nhiều, đôi khi gấp 10 lần giá chính thức. Tuy nhiên, trong siêu thị và trong các shop lớn thì chủ hàng thường không nói thách nên không cần phải trả giá. Chị này cho hay, khi qua bên đó tốt nhất chỉ nên mua hàng hiệu nổi tiếng vì giá mềm hơn ở Việt Nam. Còn những đồ thông thường thì chẳng đâu bằng hàng Việt.

Sang nước ngoài ăn... hoa quả Việt

Nói về câu chuyện hoa quả Việt gắn mác nước ngoài, chị Lê Thị Hải (chuyên cung cấp hoa quả chợ Mơ, Hà Nội) bật mí: “Thương lái nước ngoài, hễ thấy hoa quả nào của Việt Nam ngon, rẻ họ lại sang gom hàng về trong nước bán. Mặc dù theo quy định thương lái người nước ngoài chỉ được mua nông sản qua thương lái người Việt đã đăng ký kinh doanh, song vẫn có muôn vàn cách để thương lái nước ngoài có thể mua được hàng với giá siêu rẻ. Sau khi hàng được vận chuyển qua biên giới, chỉ trong tích tắc, hàng nông sản Việt đã có mác ngoại”.

Chị Hải kể với PV câu chuyện cô cháu gái đi du lịch sang Thái Lan mua ổi về làm quà. Ngay sau khi nhìn thấy những trái ổi, chị Hải đã thốt lên: "ôi dào, ổi Việt chứ Thái gì. Đám thương lái Thái Lan sang Việt gom hàng về bán nhan nhản. Nếu không tin, ra dọc đường Giải Phóng (Hà Nội) mua ổi xem chất lượng có ngon hơn ổi ngoại không?". Chị Hải quả quyết: "Với hơn 10 năm kinh nghiệm bán hoa quả nhập ngoại, chỉ cần nhìn quả ổi tôi đã biết ổi Việt Nam".

Ngân Giang