Ông chủ quán trà đá đặc biệt nhất Hà thành

Ông chủ quán trà đá đặc biệt nhất Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Ai đi đến cuối con đường Bưởi, Hà Nội đều thấy hiếu kỳ với hình ảnh một người đàn ông lúi húi bán trà đá vỉa hè nhưng sau lưng ông là những bức tranh thơ được treo thành từng dãy dài.

Chủ quán trà đá kiêm nhà thơ

Chủ quán trà đá đặc biệt này là ông Nguyễn Hữu Long, sinh năm 1940, quê gốc ở làng An Phú, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Quán trà đá của ông tuy không lớn nhưng lại có cả bàn cờ tướng, dàn loa thùng và míc... Đặc biệt, phía sau lưng quán là những bức tranh thơ được treo thành từng dãy dài. Những bức tranh thơ này là những bài thơ do chính chủ quán sáng tác và cũng chính tay ông viết chúng lên bằng những nét chữ to đậm trên những tờ lịch tường đã cũ. Thi thoảng, người ta còn thấy chủ quán cầm míc hát những bài tình ca bất hủ hoặc ngâm những bài thơ dài ngoằng viết về năm tháng cuộc đời ông.

Xã hội - Ông chủ quán trà đá đặc biệt nhất Hà thành

Ông Nguyễn Hữu Long, chủ quán trà đá kiêm nhà thơ.

Ông Nguyễn Hữu Long - chủ quán nước và kiêm nhà thơ - cho biết, ông bắt đầu bán nước từ tháng 4/2012. Thời gian đầu mới mở quán, vì ít khách nên ông lấy mấy tờ tranh, lịch ra chép lại những bài thơ do chính ông sáng tác lên mặt sau rồi cẩn thận treo lên hàng rào lưới sắt để... tự thưởng thức. Không ngờ nhiều người đi đường thấy lạ dừng xe ghé vào uống nước và đọc thơ. Càng ngày lượng khách càng đông, họ không chỉ đọc, cảm nhận, phân tích rôm rả mà còn góp ý những câu, từ theo họ là chưa hay; khuyên ông nên thay sao cho hợp lý và hay hơn...

Lúc đầu, những bài thơ được ông chép vào mặt sau tờ tranh lịch nhưng gặp khi trời mưa, không chạy kịp, lịch bị ướt, nhàu, phải viết lại rất mất thời gian. Từ đó, ông nghĩ ra cách đi nhặt các loại băng rôn, phông bạt quảng cáo đem về cắt lại vuông vắn và chép thơ lên đó.

Với ông Long, việc làm thơ chỉ là để thỏa lòng đam mê, thế nên, bất cứ ai yêu thơ ông, muốn mua là ông bán, gặp người muốn xin ông cũng sẵn lòng cho. Anh Tĩnh - một khách quen của quán trà đá nói: "Mỗi lần ra quán của ông Long uống trà, tôi đều cảm thấy rất thoải mái. Ông ấy cũng bán và tặng thơ cho rất nhiều người thật lòng mê thơ của ông".

Nhờ có năng khiếu và sự đam mê thơ ca, ông Long còn thu hút được cả những vị khách là các cô cậu học trò, vào uống nước rồi mang thơ ra nhờ ông phân tích, bình luận. Ông tâm sự: "Tôi làm như vậy chỉ để vui tuổi già, để cuộc sống ý nghĩa hơn. Nhưng giúp được cô cậu thanh niên là tôi vui lắm. Mà đối đáp với thanh niên thấy mình trẻ lên nhiều đấy, lạc quan hơn". Ông Long cười tít, khóe mắt đã hằn vết chân chim.

Hàng ngày làm thơ bên quán trà nhỏ trên đường Bưởi, ông Long tự đặt bút danh cho mình là Hữu Nguyên, nghĩa là mong mọi thứ luôn vẹn nguyên giữa cuộc đời. Tuy chưa bao giờ được gọi là nhà thơ theo đúng nghĩa nhưng với ông thì những con chữ có vần như một người bạn tri kỷ không thể tách rời khỏi cuộc sống. Cũng bởi lẽ đó mà ngần đấy năm hiện hữu giữa cuộc đời là hơn phân nửa ông nợ nần thơ phú. Bước qua tuổi 70, ông đã góp nhặt cho mình hơn 200 bài thơ tình làm vốn và bây giờ cứ hễ ở đâu tổ chức ngâm thơ, vịnh thơ... là ông sẵn sàng bỏ mọi thứ để tham gia.

Ai đi qua đường Bưởi từ 7h sáng đến 8h tối đều thấy ông Long lúi húi bên quán trà đá với những người khách thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là những người thích thơ và thích nghe ông hát. Ai đến, thích nghe ông hát quan họ thì ông ngân nga quan họ, ai thích ông hát tình ca thì ông luyến láy tình ca và ai thích nghe thơ ông thì có thể tự đọc hoặc ông ngâm tặng.

Với ông, đã đi qua bao nhiêu biến cố của cuộc đời mới thấy được chỉ có nàng thơ là người tình muôn thuở. Do đó, ông quyết định viết những bài thơ của mình lên giấy lịch để treo lên hàng rào phía sau quán cho người qua đường thấy. Và sẵn sàng ngâm thơ cho khách qua đường nghe như một cách trút bỏ tâm sự cuộc đời mình.

Ba mối tình thơ và niềm đau chất chứa

Được khách vãng lai quán trà này coi là gã đào hoa nhưng khi chia sẻ về chuyện tình cảm cá nhân, ông Long thoáng nét buồn sầu và khẽ đọc 2 câu thơ: "Tiền vàng tôi chẳng nợ ai /Nợ duyên cũng có một vài người thương".

Ông Long kể, những năm đầu của thập niên 1960, khi đang là cậu sinh viên của trường Địa chất, thấy bạn bè làm thơ thì ông cũng tập tọe làm theo, không ngờ từ đó, nghiệp thơ đeo bám ông như một người mắc nợ. Năm 27 tuổi, ông quen một cô gái tên Nga làm công tác dẫn thủy nhập điền do bộ Nông nghiệp điều động lên tăng cường cho ty Nông nghiệp ở Yên Bái. Khi tình yêu vừa bước vào thời gian đẹp nhất thì bà Nga phải về xuôi theo sự phân công của cơ quan. Lần đầu mới biết yêu đã phải vội xa người yêu, nỗi nhớ lúc nào cũng trào dâng trong ông. Ông đành phải trút nỗi niềm vào con chữ và những bài thơ tình như... Chiều nhớ em, Thuyền tình... cứ thế ra đời.

Xã hội - Ông chủ quán trà đá đặc biệt nhất Hà thành (Hình 2).

Quán ông Long luôn đông khách đến với mọi lứa tuổi.

Năm 32 tuổi, ông lấy bà Nga và ở rể với bố mẹ vợ được một năm thì hai vợ chồng dắt díu nhau xuống Hà Nội lập nghiệp. Ông bà cùng mở một sạp vải ở chợ Bưởi và buôn bán khá thuận lợi. Nhưng ở đời ai học được chữ ngờ, không lâu sau vợ ông viết đơn xin ly hôn vì vướng lưới tình của một người đàn ông khác. Mặc dù đã có với nhau ba gái, một trai nhưng vì không thể chấp nhận được sự phản bội của vợ nên ông chấp thuận ly hôn.

Chia tay người vợ đầu được 6 tháng thì ông kết bạn với một người phụ nữ khác, người này cũng từng là bạn của bà Nga. Ông dọn về sống với bà ở phường Vĩnh Phúc. Người đàn bà này cũng từng có một đời chồng và năm cô con gái. Cuộc sống của ông với bà kéo dài được 11 năm hạnh phúc thì bà phải sang Mỹ để trông cháu cho người con gái cả. Cũng từ đó, hai người bặt tin nhau và ông chưa một lần được gặp lại người vợ đó.

"Tôi không ngờ lần sang Mỹ đó lại là dấu mốc chia ly của hai chúng tôi, mối tình thơ thứ hai của tôi tan vỡ. Sang Mỹ được một tuần, bà ấy gửi về cho tôi một chiếc áo ngắn tay rồi bặt vô âm tín. Tôi rời nhà bà ấy chuyển về sống nhờ nhà con gái thứ ba ở đường Bưởi cho đến bây giờ", ông Long tâm sự.

Trước những vết thương lòng, ông tự nhủ sẽ không bao giờ đến với ai nữa. Ấy vậy mà cái sự đào hoa vẫn không buông tha. Khi tham gia hội thơ tổ chức ở cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô ông gặp người vợ thứ ba. Người đàn bà này sau khi nghe ông ngâm thơ đã khóc rất nhiều. Bà chạy đến bên ông, ôm chầm lấy khi thấy cuộc đời ông có quá nhiều nét giống mình. Từ đó, hai tâm hồn thương đau gắn kết với nhau và thề sẽ dìu dắt nhau đi đến trọn cuộc đời.

Vốn dĩ quán trà đá này là do bà vợ thứ ba của ông mở ra. Tuy nhiên, mới bán được hơn một tháng vì ghen tuông mà bà bỏ ông ra đi mà không lời từ biệt. Đã bước qua ba mối tình thơ, giờ cũng đã qua cái tuổi thất thập nhưng ông vẫn ngậm ngùi cảnh lẻ bóng về già. Ông bảo, số ông đào hoa nhưng trời bắt sống một mình. Kể cả bây giờ cũng có nhiều người muốn làm bạn tuổi già với ông nhưng ông không muốn bận lòng thêm chuyện tình cảm.

Chu Mai