'Ông cục phó Cục CSGT đang tự đặt... lệ làng'

'Ông cục phó Cục CSGT đang tự đặt... lệ làng'

Thứ 6, 23/08/2013 | 06:22
0
"Ông Cục phó C67 ký một văn bản như vậy là không đúng, về mặt luật pháp nó không được thừa nhận. Và như vậy, ông cục phó Cục CSGT tự lập ra 'lệ làng', bắt người khác phải theo", đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.

Như báo chí đã đưa tin, mới đây Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an) có văn bản số 1042/C67-P3/2013 do Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng ký gửi Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ. 

Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Văn bản của C67 đang "đè" lên luật

Trao đổi với phóng viên  ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) thẳng thắn đánh giá, việc C67 ra văn bản này chẳng khác gì tự đặt “lệ làng”.

“Đây là một văn bản sai trên mọi khía cạnh, nếu nó làm ảnh hưởng tới hoạt động của báo chí thì đã vi phạm luật. Nhà báo có quyền tác nghiệp và được luật báo chí bảo vệ, các đồng chí CSGT làm nhiệm vụ không có quyền yêu cầu phải xuất trình thẻ mới cho quay phim, chụp ảnh. 
Còn nếu không phải là báo chí thì là người dân quay phim, chụp ảnh và CSGT cũng không có quyền ngăn cản. Do vậy, cục phó C67 ký một văn bản như vậy là không đúng, về mặt luật pháp nó không được thừa nhận. Và như vậy, ông cục phó Cục CSGT tự lập ra 'lệ làng', bắt người khác phải theo”, ông Bảo nói.

Luật sư - 'Ông cục phó Cục CSGT đang tự đặt... lệ làng'
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Văn bản của C67 chẳng khác gì tự lập ra lệ làng.

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo, Việt Nam đang hướng tới “một đất nước pháp quyền”, mà đã là "pháp quyền" thì mọi việc làm phải căn cứ trên luật, không thể có chuyện một văn bản ở cấp cục mà lại đè lên luật.

“Hàng năm, Quốc hội họp để bàn chuyện làm luật, rất tốn kém thời gian, sức lực và kinh phí. Nếu C67 ra văn bản kiểu này thì ở Bộ khác cũng có các cục ra văn bản kiểu như vậy, thế thì luật Quốc hội thông qua không còn hiệu lực? Đó là chưa nói, cục phó C67 cũng không có đủ thẩm quyền để ra một văn bản với nội dung hạn chế quyền của báo chí và quyền của người dân”, ông Bảo bày tỏ.

Trước những thông tin đại tá Trần Sơn Hà – Cục phó C67 lý giải rằng, văn bản này nhằm ngăn chặn những đối tượng không phải là phóng viên nhưng lại quay phim, chụp ảnh làm ảnh hưởng tới hoạt động của CSGT, ông Bảo phản biện: “Lý giải của đồng chí cục phó chỉ là biện minh và nó không đúng, nếu phát hiện ra trường hợp nào vi phạm pháp luật thì họ được phép ngăn chặn, điều tra và đề nghị khởi tố.

Còn nếu viện ra lý do này để đưa vào văn bản nội dung yêu cầu nhà báo, phóng viên phải xuất trình thẻ, gây khó khăn cho hoạt động báo chí là hoàn toàn sai. Với người dân, CSGT càng không được phép ngăn cản họ, còn ai làm điều ấy vì ý đồ xấu thì sẽ bị xử lý theo luật”.

CSGT làm đúng quy trình không sợ quay phim, chụp ảnh

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cũng thẳng thắn nói rằng, nếu CSGT làm nhiệm vụ và tuân thủ đúng các quy trình của ngành thì không phải lo ngại ai quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, trong một chương trình trả lời trên Cổng điện tử Chính phủ gần đây, chính một lãnh đạo của C67 thừa nhận khi thực hiện công vụ đã có những CSGT vướng vào tiêu cực và bị xử lý kỷ luật.

Ông Bảo nói: “Chỉ có đồng chí nào làm không đúng thì mới sợ bị quay phim, chụp hình, còn nếu làm đúng thì chẳng việc gì phải sợ; thậm chí để chống tiêu cực trong ngành thì còn phải khuyến khích nhân dân và báo chí tăng cường giám sát. 
Lâu nay, chúng ta cứ nói đi nói lại là người dân phải được biết, được quyền giám sát – kiểm tra các hoạt động của cơ quan công vụ, vậy thì tại sao lại ra văn bản trái khoáy như vậy. Tôi nhắc lại là một Cục phó không có thẩm quyền ra văn bản với nội dung như vậy, nội dung này đè lên cả luật khác, sai trầm trọng”.

PV đề cập tới thông tin trước đó Báo Lao động đã đăng tải, cho biết khi tác nghiệp ở Hải Phòng đã bị một nhóm CSGT chặn xe, gây sức ép, buộc phải trình thẻ nhà báo mới cho đi. 
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: “Tôi đã đọc thông tin này, nhà báo tác nghiệp ở khu vực không bị hạn chế, và cũng không phỏng vấn, làm việc trực tiếp với nhóm CSGT, do đó CSGT ép họ phải trình thẻ mới cho đi là sai luật. 
Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ việc tiêu cực ở lực lượng CSGT đã được báo chí công khai, đây là việc làm cần thiết để góp phần làm trong sạch lực lượng Công an nhân dân. Nếu phóng viên báo cho CSGT rằng sẽ chụp ảnh, quay phim thì liệu có còn phát hiện ra tiêu cực? Tôi nghĩ là không”.

Ông Bảo cho hay, những năm gần đây, các cơ quan công quyền đã ra hàng nghìn văn bản dưới luật không đúng luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và cũng có nhiều văn bản trái luật, không phù hợp với thực tế đời sống và văn bản này của C67 cũng là mộ trong những trường hợp như vậy.

“Tôi cho rằng, C67 cần phải rút lại văn bản này và có sự điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời công khai để dư luận cả nước được biết. Tôi và nhiều ĐBQH khác sẽ nêu vấn đề này trong kỳ họp Quốc hội tới đây”, ông Bảo cho biết.

Theo Diệu Linh (Giáo Dục Việt Nam)

Không tiêu cực, CSGT lo gì quay phim, chụp ảnh?

Thứ 5, 22/08/2013 | 15:26
Nhiều hình ảnh, clip phơi bày tiêu cực của CSGT, đó cũng là tư liệu bảo vệ khi CSGT bị chống đối, hành hung. Vậy lý do gì CSGT lại cấm quay phim chụp ảnh khiến bạn đọc bức xúc?

CSGT không có quyền truy hỏi, kiểm tra giấy tờ người quay phim

Thứ 5, 22/08/2013 | 14:39
Đây là nội dung trong báo cáo nhanh của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp gửi Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vào sáng nay 22.8.

Quay phim, ghi hình CSGT: Lòng dân rất minh bạch

Thứ 4, 21/08/2013 | 08:36
Đâu phải bất cứ hình ảnh nào liên quan đến CSGT được người dân quay và đưa lên mạng cũng gây hậu quả xấu nếu lực lượng này làm đúng quy định của pháp luật.

Bản ghi âm người dân 'tố' 141 đánh người

Thứ 2, 18/03/2013 | 11:11
Nhiều người dân tỏ thái độ bức xúc trước hành động của một số cảnh sát 141.

Nhà báo muốn ghi âm, chụp ảnh phải có văn bản cho phép?

Thứ 5, 08/08/2013 | 09:09
Quy định báo chí ghi âm, chụp ảnh tại phiên tòa phải được chánh án hay chủ tọa phiên tòa cho phép bằng văn bản trong dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND đang gây tranh cãi…

Không thu hồi văn bản 'cấm chụp ảnh CSGT'

Thứ 5, 22/08/2013 | 09:03
Đại diện Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ Công an ngày 21-8 khẳng định sẽ không thu hồi văn bản có nội dung yêu cầu việc chụp ảnh CSGT phải xin phép đang khiến dư luận “dậy sóng” những ngày qua.