Ông giáo làng không bằng cấp luyện thi đại học cao siêu

Ông giáo làng không bằng cấp luyện thi đại học cao siêu

Thứ 5, 25/07/2013 | 13:55
0
Hơn 10 năm kể từ ngày ông Phạm Thanh Hiền (SN 1955) ngụ tại xóm 3, xã Đức Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) mở lớp luyện thi đầu tiên, tính đến nay số lượng học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng từ lớp học của người thầy đặc biệt này đã lên đến hơn 500 em.

Từ cậu trò nghèo ham học...

Phạm Thanh Hiền sinh ra trong một gia đình nghèo và có rất đông anh em, số phận nghiệt ngã đã cướp đi cả bố và mẹ khiến cuộc sống của cậu trò sáng dạ trở nên vô cùng khó khăn. Hiền là con cả trong gia đình nên phải chăm lo cho các em làm sao có được cái ăn, cái mặc, lay lắt qua ngày. Mặc dù quần quật lao động suốt ngày nhưng Hiền lại là người rất ham học và học rất giỏi. Với quyết tâm và nghị lực của mình, chàng trai nghèo đã được chọn vào học một lớp chuyên toán đặc biệt của khối THPT thuộc trường đại học SP Vinh (nay là đại Học Vinh - PV).

Năm 1973, sau khi tốt nghiệp THPT loại ưu, Hiền thi đậu vào khoa Vật Lý, trường đại học Sư phạm Vinh với tâm nguyện cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, các em còn nhỏ dại, nên chàng trai ham học xứ Nghệ Phạm Thanh Hiền phải nghỉ học để lao vào con đường kiếm miếng cơm manh áo.

Xã hội - Ông giáo làng không bằng cấp luyện thi đại học cao siêu

Thầy giáo Phạm Thanh Hiền.

Năm 1976, sau thời gian lao động không biết mệt mỏi để nuôi các em ăn học, Phạm Thanh Hiền xung phong tham gia quân ngũ và chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tuy vậy, phục vụ quân đội được 6 năm thì Hiền phải nghỉ phục viên do mất sức. Trở về quê hương mang bệnh tật trên người, nhìn lại gia cảnh quá nghèo đói, em út đông đúc, người thanh niên trẻ lại phải lo lắng làm sao để lo cho các em ăn học. Cũng trong thời gian này, anh Hiền quen biết và yêu thương rồi lập gia đình với người con gái cùng quê Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1957). Từ đây, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai nặng trĩu của chàng trai nghèo. Hoàn cảnh quá khó khăn khiến Hiền phải làm rất nhiều nghề từ đốn củi thuê, làm phụ hồ cho đến may vá... để kiếm sống.

Hạnh phúc bắt đầu mỉm cười với anh Hiền khi chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ lần lượt sinh được 3 cô con gái. Khi con cái bắt đầu học vào các trường THCS, nhận thấy trình độ học vấn của người dân trong xã quá yếu, tình trạng thôi học và ngừng học rất nhiều, anh Hiền đã vô cùng day dứt và mong muốn làm một điều gì đó để thay đổi cách suy nghĩ của những người dân nghèo về con đường học tập. Năm 1996, khi người con gái đầu vào học THPT, nhiều đêm Hiền băn khoăn day dứt, muốn dạy cho con học cái chữ để sau này thi đỗ vào đại học, rồi tìm việc đỡ đần cho cha mẹ.

Hơn 20 năm xa rời giảng đường, sách vở đã cũ nát đi nhiều, nhưng vốn là một người rất thông minh, từng học rất giỏi các môn khối A nên vấn đề tiếp cận chương trình học đối với anh Hiền là rất nhanh chóng. “Ban đầu tôi nhận thấy chương trình học của học sinh ngày nay khó quá, tôi cứ nghĩ mình sẽ không theo kịp vì tôi đã bỏ sách quá lâu rồi. Với quan niệm hai cha con cùng học, cứ mỗi buổi tối, tôi lại cùng con gái làm bài tập giúp cho nhau, từ những bài toán cơ bản, sau đó thành những bài toán lớn rồi dần thành thói quen, tất cả các môn tự nhiên tôi đều có thể làm được”, thầy Hiền tâm sự.

Sự nỗ lực của người cha, người thầy đã đem lại nhiều kết quả đáng kể, học lực của con gái anh Hiền tại trường tăng lên rõ rệt, được các thầy và các bạn trong lớp ghi nhận. Không lâu sau, cô con gái đầu lòng của anh Hiền thi đậu vào trường đại học, tiếng tăm thầy bắt đầu được nhiều người biết và tìm đến để gửi gắm con cái mình. Người dân trong xã bắt đầu động viên thầy Hiền mở lớp luyện thi để cho con em họ có cơ hội đỗ đạt vào các trường chuyên nghiệp.

Xã hội - Ông giáo làng không bằng cấp luyện thi đại học cao siêu (Hình 2).

Một buổi lên lớp của thầy Hiền.

Đến ông giáo làng nhiệt huyết       

Tâm sự của một người thầy

Thầy Hiền tâm sự: “Muốn đào được cây lớn, trước hết phải đào được các rễ nhỏ xung quanh, cũng như triết lý sống muôn đời, muốn học đi trước hết phải học bò. Muốn học giỏi trước hết buộc học sinh phải chăm chỉ, cần cù, muốn giải bài toán lớn, trước hết phải làm được bài dễ. Bài tập trên lớp với bài tập về nhà phải đi đôi với nhau, có làm thì mới có nhớ, có nhớ thì có thể làm được tất cả các dạng đề liên quan. Phương pháp này của tôi khi áp dụng vào cách học cho học sinh đã đạt được những thành công đáng kể”.

Với quan niệm đề năm sau sẽ khác năm trước nên thầy Hiền đã đưa ra phương pháp dạy học “sát sườn” để mỗi học sinh có thể giải được mọi đề tự nhiên ở nhiều dạng khác nhau. Mỗi một năm, thầy Hiền cùng với học sinh giải hơn 50 đề thi khác nhau, các dạng đề khó đều được đưa ra bình luận cho tất cả học sinh có thể tiếp cận. 

Đã làm cha mẹ thì ai cũng có ước muốn con mình vào các trường đại học, cao đẳng, nhưng ngặt một nỗi hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện đầu tư cho con ăn học. Trường hợp của em Nguyễn Thị Minh Tiến quê ở huyện Hương Sơn là một điển hình.

Năm 2006, kết thúc năm học em chỉ đạt tổng số điểm 3 môn là 6,5. Nghe nhiều người kể chuyện, gia đình đã đưa em xuống Đức Thọ để nhờ thầy Hiền kèm cặp làm sao cho con sang năm thi đậu vào một trường trung cấp hay cao đẳng cũng được. “Hoàn cảnh gia đình em Tiến lúc đó là rất nghèo, nhận trường hợp này khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm, học lực của Tiến là quá kém, không nhận thì tội em, nhận lỡ không đậu lại khổ cho cả gia đình. Cuối cùng tôi cũng quyết định nhận trường hợp này và quyết tâm bằng mọi giá phải cải thiện học lực của Tiến”, thầy Hiền nhớ lại.

Trong quá trình học tập, nghiêm túc là tiêu chí hàng đầu ở lớp học của thầy Hiền. Tất cả học sinh khi đến với ông giáo làng này đều phải thực hiện đầy đủ các chương trình giáo án do thầy đưa ra, các bài tập ở lớp thầy trò cùng giải, bài tập về nhà học trò phải hoàn thành, khi lên lớp hỏi là phải có ngay. Cứ như vậy, sau nhiều tháng học tại lớp luyện thi, thầy Hiền đã làm thay đổi hẳn cách làm, cách nghĩ và tư duy của cô trò nhỏ Nguyễn Thị Minh Tiến. Kết quả đạt được đã làm cho cả gia đình em Tiến không thể tin nổi, trong năm (2007 - PV) đó Tiến thi đỗ vào trường đại học Hà Tĩnh với số điểm 18.

Em Nguyễn Chí Thanh, ngụ ở huyện Vũ Quang, cũng là một trường hợp tương tự. Với sở thích được thi đậu vào trường Học viện An ninh nhưng em đi thi chỉ đạt 15,5 điểm. Được bạn bè giới thiệu, Thanh đã đến nhờ thầy Hiền để sang  năm tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Thấy chàng trai nghèo nhưng ham học, có ý chí vươn lên thầy Hiền không ngần ngại nhận ngay. Bằng kinh nghiệm của mình, cùng với các kiến thức đã được trải nghiệm thực tế, sức truyền đạt dễ hiểu, dễ nghe, năm 2005, Thanh đã thi đậu vào trường Học viện An ninh với 27 điểm. Hiện nay, cậu trò nghèo ngày nào của thầy Hiền đang công tác tại phòng cảnh sát kinh tế, công an tỉnh Hà Tĩnh.

Mỗi năm, cứ Tết đến, xuân về là đám học trò cũ và mới đều tìm tới thăm hỏi động viên, chia sẻ với ông giáo làng Phạm Thanh Hiền về công việc đang làm, hay ngôi trường đang học. Nhiều học sinh do thầy đào tạo nay đã có công việc ổn định, trở thành người có ích cho xã hội. Đó cũng chính là tâm nguyện của người thầy giáo xứ Nghệ đang đem hết tài năng của mình để đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước.

90% trò đỗ đạt

Không ngần ngại với những khó khăn trước mắt, năm 2003, với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, lớp học đầu tiên của người thầy giáo nghèo bắt đầu được “khai giảng”. Lúc bấy giờ lớp học của thầy Hiền chỉ có 10 học sinh theo học và điều kỳ diệu là chỉ một năm sau có đến 9 em thi đậu vào trường đại học. Cứ như thế mỗi năm lớp thầy lại tăng số lượng học sinh, tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường hơn 90%. “Đó là một điều động viên khích lệ cho tôi, tôi muốn truyền đạt lại kiến thức cho học sinh, làm sao sau mỗi khoá học niềm vui lớn nhất của tôi và trò là các em được đỗ đạt. Nhưng tôi thấy rằng, các em học được khá là vẫn nhờ một phần học được kiến thức ở trường học, nhờ có gốc sẵn nên các em mới nhanh chóng hoà nhập”, thầy Hiền chia sẻ.

Hồ Ngọc – Nguyễn Long

Cảm phục thầy giáo tật nguyền gieo chữ cho trẻ em nghèo

Thứ 7, 06/07/2013 | 11:07
Ở thôn Thanh Lam Trung (xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có thầy Nguyễn Trai từng bước chậm chạp nhích đi cùng chiếc nạng gỗ, hàng ngày đều đặn lên lớp, uốn nắn từng câu, từng chữ cho các em...

Thầy giáo đẹp trai khiến nữ sinh 'phát cuồng'

Thứ 5, 30/05/2013 | 09:18
Sau nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn, thấy thầy không bắt máy, một nữ sinh đến tận nhà thầy lúc 1h đêm đòi gặp. Hai tiếng sau, cô bé mới chịu ra về.

Thầy giáo dạy chữ 'mang tội' với ...'ma rừng'

Thứ 2, 18/03/2013 | 15:52
Do tin có "ma rừng" nên người đồng bào ở vùng này đã không cho con đi học. Ngay đến thầy giáo khi vận động học sinh đi học cũng bị "kết tội" là chống lại... "ma rừng".

Thầy giáo anh hùng vượt lên số phận

Thứ 6, 18/01/2013 | 08:43
Xếp bút nghiên, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) lên đường chữa trị căn bệnh nan y - bệnh phong. Những cơn đau thấu xương, như khoan vào xương tủy, nhưng thầy vẫn hát, làm thơ và viết nhật ký để quên đi nỗi đau và chiến thắng bệnh tật. Thầy không cho phép mình gục ngã mà phải gắng sống để trở về với gia đình và thực hiện những công việc còn dang dở.