'Phải xử lý nghiêm những kẻ thích dùng 'luật rừng''

'Phải xử lý nghiêm những kẻ thích dùng 'luật rừng''

Thứ 5, 30/05/2013 | 07:59
0
Hiện nay, một số đối tượng đang thách thức, thậm chí coi thường pháp luật, chúng sẵn sàng bắt, giữ, trái phép hành hung, con nợ hoặc chủ nợ để siết nợ, xù nợ.

Liên quan đến việc đòi nợ thuê, dằn mặt, giết người để trốn nợ, hiện đang gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, PV Báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hùng - phó viện trưởng VKSND, tỉnh Bắc Giang.

Hiện nay có rất nhiều trường hợp cho vay nhưng không đòi được nợ hoặc bị con nợ, chủ nợ bắt giữ người trái pháp luật, hành hung, thậm chí xảy ra án mạng nhằm siết nợ, xù nợ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều hình thức, dịch vụ ra đời, việc đi vay và cho vay cũng nhằm để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống (kinh doanh, buôn bán, hành nghề...). Tuy nhiên, những phát sinh, tranh chấp từ giao dịch đi vay và cho vay dẫn đến tình trạng bắt giữ, đánh đập, giết người... nhằm trốn nợ, đòi nợ đang xảy ra ngày càng nhiều trên khắp địa bàn trong cả nước. Để nói về vấn đề này, trước tiên phải xét từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ vi phạm trong từng hành vi của đối tượng để định tội danh, từ những căn cứ đó để xét tình tiết tăng nặng, hay giảm nhẹ.

Đối với hành vi thuê dân xã hội đen đòi nợ thuê, trốn nợ, siết nợ, tùy từng trường hợp cụ thể để truy tố về từng tội danh cụ thể. Tôi lấy ví dụ, hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, bắt giữ người trái pháp luật đều vi phạm pháp luật hình sự, có thể phạm tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản hay tội bắt giữ người trái pháp luật. Tất cả những hành vi trên đều được quy định trong Bộ luật Hình sự, phải xử lý hình sự theo Điều 123 về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Luật sư - 'Phải xử lý nghiêm những kẻ thích dùng 'luật rừng''

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang.

Đối với người cho vay vốn để làm ăn, có giao kết đầy đủ, nhưng đến hạn không đòi được do người đi vay làm ăn thua lỗ hoặc gặp rủi ro không có khả năng chi trả thì cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng. Nếu người vay mà cố tình không trả, viện lý do này nọ, thì người cho vay có quyền gửi đơn kiện lên tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật (yêu cầu giải quyết tranh chấp dân sự).

Riêng về hành vi giết người nhằm trốn nợ, đòi nợ, hành vi đó phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt rất nặng, điều này không có gì phải bàn cãi. Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cũng đã có đối tượng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm đòi nợ thuê đều bị truy tố về tội cướp.

Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt đối với những đối tượng đòi nợ thuê, bắt giữ người trái phép, dằn mặt để trốn nợ, đòi nợ... còn quá nhẹ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nói như vậy là không đúng hoàn toàn. Để truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh để lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét kỹ những hành vi, tính chất, mức độ của từng vụ án cụ thể.

Mặt khác khi bị người khác bắt giữ người trái pháp luật, người dân cần bình tĩnh báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc gửi đơn tới cơ quan chức năng có thẩm quyền, cụ thể là cơ quan công an để giải quyết, ngăn chặn kịp thời, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. Vừa qua TAND tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án Hoàng Hữu Thảo và đồng bọn đòi nợ thuê, số bị cáo lên tới hơn 20 đối tượng, mức án cao nhất là 20 năm tù. Điều đó cho thấy chế tài xử phạt đối với tội danh trên là rất nặng và nghiêm khắc. Mục đích của pháp luật hình sự không chỉ trừng trị những đối tượng vi phạm pháp luật mà còn ngăn ngừa và răn đe tội phạm.

Trên thực tế có nhiều trường hợp con nợ, chủ nợ bắt giữ người trái pháp luật, hành hung... nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý hình sự. Ông nhận xét về việc này ra sao?

Chỉ có những người có thẩm quyền mới được phép bắt giữ, trừ trường hợp người phạm tội bị bắt quả tang thì người dân có quyền bắt giữ, sau đó phải báo cho công an sở tại để xử lý giải quyết. Việc xử lý hình sự đối với trường hợp bắt giữ người trái pháp luật, phải đầy đủ yếu tố cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật. Tôi lấy ví dụ, việc bắt giữ người trái phép: Bắt giữ trong bao lâu, đã có sự can thiệp của chính quyền địa phương chưa? Nếu đủ yếu tố cấu thành tội bắt giữ người trái phép mà cơ quan chức năng không xử lý hình sự, tùy theo mức độ để xử lý cá nhân, những người có chức vụ quyền hạn, không làm tròn trách nhiệm.

Trường hợp cơ quan chức năng biết rõ việc bắt giữ người trái pháp luật, hành hung mà không khởi tố hình sự, không những vi phạm về tố tụng mà còn bị khởi tố về tội che giấu tội phạm.

Xin cảm ơn ông!

Điều 123. Tội bắt giữ người trái pháp luật

1.Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a, Có tổ chức

b, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn

c, Đối với người thi hành công vụ

d, Phạm tội nhiều lần

đ, Đối với nhiều người

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. 

Lương Liễu -Trần Hải (t/h)

"Luật rừng" đang tàn phá môi trường sư phạm?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Qua các vụ nữ sinh đánh nhau, rất nhiều nhà giáo dục, quản lý giáo dục đau xót, lo lắng. Môi trường sư phạm đang bị phá hủy bởi cái gọi là "luật rừng"?

Nghi vấn nợ nần vụ nổ tiệm vàng ở Thái Bình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Trong không gian đêm tối tĩnh mịch, một tiếng nổ lớn kinh hoàng phát ra từ cửa hàng vàng bạc đá quý Phượng Sơn (DN kinh doanh vàng bạc khá nổi tiếng ở Thái Bình trước đây) gây chấn động cư dân nhiều khu phố của TP Thái Bình.