'Bây giờ Đàm Vĩnh Hưng ra Hà Nội biểu diễn phải xem chừng'

'Bây giờ Đàm Vĩnh Hưng ra Hà Nội biểu diễn phải xem chừng'

Thứ 4, 18/09/2013 | 10:24
0
"Câu chuyện nhận xét về Đàm Vĩnh Hưng của Nguyễn Ánh 9 giúp cho công chúng tự điều chỉnh thẩm mỹ âm nhạc của mình. Bây giờ Đàm Vĩnh Hưng có ra Hà Nội biểu diễn thì cũng phải tự xem chừng, không thể tự tin như trước nữa, đó là chuyện tốt", nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận xét.

Những câu chuyện ồn ào trong làng nhạc Việt vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự hỗn độn giữa các giá trị thật - giả trong nghệ thuật và cho thấy phông văn hóa chưa tới của một bộ phận những người làm nghề. PV Người Đưa Tin đã phỏng vấn nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

"Bây giờ Đàm Vĩnh Hưng ra Hà Nội biểu diễn cũng phải tự xem chừng"

Ông nghĩ thế nào về một loạt những câu chuyện lùm xùm xảy ra trong showbiz Việt gần đây?

Tôi muốn nhấn mạnh riêng ở đây là câu chuyện đã lùi vào dĩ vãng giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Câu chuyện này có 3 tác dụng: Thứ nhất, nó làm cho giá trị ảo phải trở về đúng vị trí vốn có của nó; Thứ 2, những fan hâm mộ cuồng sẽ phải tỉnh giấc trở lại và thứ 3, nó làm cho những người cống hiến thật sự sẽ tự tin hơn. Theo thời gian cuối cùng cái kim trong bọc cũng phải lòi ra và tôi hy vọng công chúng sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn về cái gọi là nghệ thuật đích thực.

Theo như ông nói thì mỗi vụ lùm xùm đều có cái giá của nó và điều này là cần thiết?

Mỗi câu chuyện đều là bài học, quan trọng là người ta học được gì. Câu chuyện nhận xét về Đàm Vĩnh Hưng của Nguyễn Ánh 9 giúp cho công chúng tự điều chỉnh thẩm mỹ âm nhạc của mình. Bây giờ Đàm Vĩnh Hưng có ra Hà Nội biểu diễn thì cũng phải tự xem chừng, không thể tự tin như trước nữa, đó là chuyện tốt. Còn nhiều người chê trách nhạc sĩ Quốc Trung vì phát ngôn thanh niên nghe nhạc sến là bất bình thường, nhiều người xì xào về ca sĩ Ngọc Sơn vì anh ta mua bảo hiểm triệu đô thì phải biết rằng đó là chuyện bình thường, bởi nó phụ thuộc vào cảm quan thẩm mỹ của từng người. Người ta có quyền phát ngôn và bạn có quyền nghe hay không nghe, như cuộc đời phải có người điên chứ đâu phải ai cũng tỉnh táo. Thế mà nhiều khi người trong cuộc và cả người ngoài cuộc lại cứ thích thổi bùng nó lên và nhảy vào đấu đá, tranh cãi nhau. Có lẽ khi chúng ta chẳng còn gì để nói nữa thì những câu chuyện vặt vãnh luôn được lôi ra để bàn tán và chỉ trỏ.

Hậu trường - 'Bây giờ Đàm Vĩnh Hưng ra Hà Nội biểu diễn phải xem chừng'

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha

Nhưng không thể phủ nhận nhiều khi những hành động phi nghệ thuật hay phát ngôn gây sốc của người nổi tiếng khiến cho công chúng có cái nhìn không mấy thiện cảm về những người làm nghệ thuật?

Có nhiều người cũng mua bảo hiểm như Ngọc Sơn nhưng họ không phải người nổi tiếng nên không mấy ai quan tâm. Có nhiều người không thích cho con đi thi The Voice Kid nhưng khi phát ngôn đó xuất phát từ Hiền Thục thì nó lại mang một ý nghĩa khác. Bất kỳ hành động nào của người nổi tiếng đều được công chúng quan tâm và đánh giá, đó là chuyện bình thường và tôi không lo ngại những sự việc này sẽ làm ảnh hưởng đến cái nhìn của công chúng về nghệ thuật hay những nghệ sĩ làm nghề chân chính. Có chăng chuyện không bình thường là ở chỗ cứ chuyện liên quan đến người nổi tiếng, dù nhỏ như con kiến cũng được người ta làm ầm cả lên. Thỉnh thoảng cũng phải có người “đốt đền” chứ và nghệ sĩ mình nổi tiếng vậy thôi chứ so với thế giới thì lại quá nhỏ bé.

"Các nhà tài trợ của mình, không ít người có đầu óc trọc phú"

Có một thực tế là "những người đốt đền" mà ông nói lại có thu nhập cao hơn rất nhiều so với những nghệ sĩ làm nghề chân chính. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Môi trường làm nghệ thuật luôn tồn tại sự chung sống giữa ca sĩ nhạc thị trường và nhạc truyền thống này. Cát xê cho ca sĩ bao nhiêu là do các nhà tài trợ trả mà các nhà tài trợ của mình thì quá kém cỏi. Không ít người đầu óc trọc phú, không hiểu gì về văn hóa nên lao theo những giá trị ảo chứ nhiều khi chính khán giả cũng chả chịu đi xem những buổi biểu diễn đó.

Có những show diễn để quảng bá thương hiệu nên ca sĩ mới có cơ hội đòi thù lao cao và làm mình làm mẩy. Xã hội là như vậy, nhiều khi cái thực đáng giá thì lại không được chú ý đúng mức. Những người làm nghề chân chính phải chấp nhận điều này và không thể sống khác được. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là mỗi người đều có thị phần riêng của họ và chả ai chen vào được thị phần riêng đó cả. Những giá trị chân chính vẫn được những con người chân chính đánh giá đúng. Không ai không biết Đăng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ hát hay cả và lứa sau họ như Thành Lê, Phương Thảo, Tân Nhàn cũng vẫn được đánh giá cao. Chúng ta đừng quên vai trò của công chúng trong việc thẩm định âm nhạc. 

Ông đang nói về sự lẫn lộn giữa các giá trị thật và ảo trong môi trường nghệ thuật và ranh giới giữa chúng rất mong manh?

Giá trị ảo tồn tại là do công nghệ bây giờ rất tốt, ví như công nghệ âm thanh dễ dàng loại bỏ nhược điểm và tăng cường ưu điểm của giọng hát. Thêm vào đó giới truyền thông nhiều khi chạy theo lăng xê tên tuổi nào đó một cách mù quáng dù biết họ không hề có chuyên môn gì cả. Bây giờ chúng ta đã đưa âm nhạc ra chợ rồi thì phải chấp nhận điều đó. Giá trị thật ảo lẫn lộn, nghệ thuật và phi nghệ thuật đan xen là điều mãi tồn tại. Với những nghệ sĩ đích thực, họ chẳng mấy khi để ý những chiêu trò scandal rẻ tiền.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nghệ thuật đích thực bao giờ cũng lặng lẽ

Các cụ ta nói: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", ông có nghĩ rằng chỉ khi nào những người hoạt động nghệ thuật ý thức và làm được điều này thì môi trường nghệ thuật mới trong sạch?

Thùng rỗng kêu to nhưng chẳng thể kêu được mãi vì gu thẩm mỹ của công chúng cũng ngày càng cao hơn rồi. Nghệ thuật đích thực bao giờ cũng lặng lẽ, không bao giờ đua tranh và ồn ào. Ví như Văn Cao từng nói rằng, ông sống mực thước chẳng phải chỉ cho riêng mình mà còn cho dân tộc vì ông là tác giả của quốc ca. Đấy là một tấm gương sáng cho những người làm nghề noi theo. Chúng ta nên hy vọng vào sự chuyển mình theo hướng tích cực của những người làm nghệ thuật chân chính và tin rằng những gì họ thực hiện sẽ cảm hóa được phần đông công chúng yêu nghệ thuật.

Thanh Loan - Thanh Xuân

Đàm Vĩnh Hưng xóa bỏ hiềm khích với Bảo Yến

Thứ 3, 03/09/2013 | 09:35
Mr.Đàm dành rất nhiều lời lẽ trân trọng và kính mến dành cho thần tượng một thời của mình - người đã từng bị anh 'cạch mặt' một thời gian khá dài.

Đàm Vĩnh Hưng: 'Đã nhận ra chân tướng người chủ mưu...'

Thứ 6, 30/08/2013 | 08:38
Sau những lời đối đáp hùng hồn và được cho là 'hỗn hào' sau khi những lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về giọng hát của Đàm Vĩnh Hưng được đăng tải trên báo chí.

Đàm Vĩnh Hưng rơi nước mắt tìm đến Nguyễn Ánh 9

Thứ 6, 30/08/2013 | 21:50
Tối 29/8, khi nhạc sĩ đang biểu diễn tại một khách sạn, Mr. Đàm bất ngờ tìm đến. Nam ca sĩ đã rơi nước mắt trong cuộc trò chuyện đầy cảm thông sau những ồn ào vừa qua.

Đàm Vĩnh Hưng: 'Có một âm mưu lớn đang hãm hại tôi'

Thứ 5, 29/08/2013 | 17:00
Đàm Vĩnh Hưng nhấn mạnh đến việc rất nhiều trang thông tin báo chí đang 'xắn tay vào cuộc để giết cho bằng được Đàm Vĩnh Hưng' và cảm nhận 'có một âm mưu lớn đang hãm hại mình'.

Đàm Vĩnh Hưng được gì sau tâm thư gửi Nguyễn Ánh 9?

Thứ 6, 30/08/2013 | 21:50
Ngoài chuyện bị công chúng phản ứng, cái được lớn nhất của Đàm Vĩnh Hưng chính là tạo nên dư luận và khiến tên tuổi anh tiếp tục ‘rộn ràng’ trên khắp các mặt báo suốt tuần qua.

'Buồn cho cách xử lý quá con nít của Đàm Vĩnh Hưng'

Thứ 4, 28/08/2013 | 09:36
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ phía khán giả, nhưng cũng bị phản bác không ít từ cộng đồng fan của các ca sĩ. Ông đã đưa ra lời xin lỗi đầy kiêu hãnh, thì mặc nhiên, bức “tâm thư” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng gửi cho ông bị xem là lạc điệu, quá đà.