Bao giờ Việt Nam chống được tham nhũng?

Bao giờ Việt Nam chống được tham nhũng?

Thứ 5, 25/07/2013 | 13:13
0
'Phải thật quyết tâm' là nhận xét của GS. Nguyễn Minh Thuyết khi trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.

Mổ xẻ nguyên nhân khó phát hiện

Tại hội thảo Vai trò của các cơ quan Nhà nước trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận: Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế. Phải chăng ở đây có dấu hiệu của sự bao che, thưa ông?

Không phải đến bây giờ chúng ta mới có nhận xét đó. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ phát hiện ra tham nhũng nhờ người dân, nhờ báo chí hoặc "nhờ" các vụ việc làm ăn đổ vỡ và sự mâu thuẫn do ăn chia không sòng phẳng giữa các đối tượng tham nhũng. Trên thực tế, cơ quan, tổ chức nào cũng có những đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng nhưng gần như chưa bao giờ phát hiện ra tệ nạn này. Nội bộ cơ quan không phát hiện được đã đành, cấp trên cũng không phát hiện được cấp dưới tham nhũng như thế nào.

Tôi tin là sau khi nêu nhận xét về thực trạng, chắc chắn Thanh tra Chính phủ sẽ còn phải tìm ra nguyên nhân để tham mưu cho Nhà nước về các biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Xã hội - Bao giờ Việt Nam chống được tham nhũng?

GS. Nguyễn Minh Thuyết.

Về phần mình, tôi thấy có mấy nguyên nhân khiến tham nhũng khó phát hiện. Thứ nhất, người tham nhũng dù là ở cơ sở hay cấp trên thì cũng đều là những người có chức có quyền. Người có chức có quyền mà tham nhũng thì không bao giờ có chuyện họ tự xử lý mình hoặc để cho người khác tố cáo mình. Thứ hai, tham nhũng thường có ăn chia, dây rợ nên tổ chức rất chặt chẽ, tinh vi.

Thực tế cho thấy, những người bị phát hiện và xử lý về tội tham nhũng đa số là những người "ăn" một mình. Những người tham nhũng kết thành bè giống như đang ăn chung một nồi cơm, mà đã là nồi cơm chung thì không ai muốn đập bể cả. Lý do thứ ba, người dân rất khó phát hiện ra tham nhũng vì những thông tin về tài chính, cơ sở vật chất ở cơ quan Nhà nước thì ngay cán bộ bình thường ở chính cơ quan đó cũng không biết chứ đừng nói đến người ngoài. Người dân chỉ phát hiện tham nhũng qua những trường hợp quá lộ liễu như ăn bớt vật liệu khi xây dựng cầu đường, đưa mãi lộ cho CSGT hay đưa phong bì cho thầy giáo, cô giáo, bác sĩ...

Thưa ông, nếu thanh tra phát hiện ra cấp dưới của một tổ chức có hành vi tham nhũng mà cơ quan cấp trên không biết hoặc cố tình lờ đi thì liệu cơ quan cấp trên có phải chịu trách nhiệm liên đới?

Luật của nước ta quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng. Nếu xử lý nghiêm thì không chỉ người đứng đầu đơn vị xảy ra tham nhũng mà cả cấp trên trực tiếp của đơn vị tham nhũng cũng phải chịu trách nhiệm. Có nghiêm như thế thì các cấp quản lý mới rút kinh nghiệm, củng cố bộ máy và nhân sự của mình, đồng thời áp dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra để đơn vị không xảy ra sai phạm tương tự. Còn nếu chúng ta chỉ xử lý tham nhũng ở đơn vị xảy ra tham nhũng, không xem xét trách nhiệm của cấp trên trực tiếp thì hoặc sẽ bỏ lọt tội phạm hoặc những người ở cấp trên sẽ không sốt sắng để lo phòng chống tham nhũng. Hơn nữa, khi tuyển chọn nhân sự họ cũng sẽ không kỹ càng. Nếu ta xử lý thật nghiêm một vài trường hợp thì tự khắc những người khác sẽ biết sợ.

Việc quy trách nhiệm cho cán bộ đứng đầu hay cấp trên của họ rất có lý nhưng lại đang "vướng". Bởi lẽ khi nhận một ai đó vào cơ quan Nhà nước làm việc, đâu phải chỉ có một người quyết định. Bên cạnh đó, khi có chủ trương đầu tư vào một công trình nào đó cũng phải do nhiều ban bệ xem xét. Thế nên cái người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm sẽ lẩn vào trách nhiệm tập thể để né tránh và vì thế mà xử lý cá nhân cũng rất khó.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mức độ xử lý các vụ tham nhũng chưa tương xứng khiến tệ nạn này ngày càng gia tăng. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Từ trước đến nay, tôi đã thấy có những vụ án xử rất nghiêm khắc như vụ tham nhũng đất ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Tuy nhiên, cũng có những vụ án xử quá nhẹ, không tương xứng với hành vi phạm tội và những tác động xấu hành vi đó gây ra. Một số đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến là hình thức xử phạt bằng án treo quá tràn lan. Việc phát hiện tham nhũng đã khó rồi, quá trình xử lý kéo dài, đến lúc kết luận xử lý lại nhẹ thì không thể nào có tác dụng răn đe. Điều này khiến rất nhiều người dân bức xúc.

Đáng mừng và... đáng lo

Theo kết quả khảo sát của "Phong vũ biểu Tham nhũng 2013" của Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ có 38% người dân khi được hỏi sẵn sàng tố cáo nạn tham nhũng. Phải chăng người dân đang sợ điều gì hay tinh thần đấu tranh chống tham nhũng của dân ta chưa cao?

Điều tra này phản ánh tương đối đúng tâm lý của người dân hiện nay. Kết quả của đấu tranh phòng chống tham nhũng còn thấp nên người ta cho rằng, việc gửi đơn thư hoặc đi tố cáo tham nhũng cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Có nhiều vụ sai sót lớn nhưng xử lý theo kiểu cho có khiến người dân không còn hăng hái tố cáo nữa. Bên cạnh đó, nhiều người cũng sợ bị trả thù nên ngại tố cáo tham nhũng. Nói chung, việc 38% người được hỏi tỏ thái độ sẵn sàng tố cáo tham nhũng cũng là đáng mừng lắm rồi. Tôi nói thật là khi có việc, số người dám tố cáo còn ít hơn rất nhiều.

Ông có bình luận gì về kết quả điều tra cho thấy tham nhũng trong lĩnh vực cảnh sát đang đứng đầu ở nước ta?

Người dân chỉ biết và phản ứng với những loại tham nhũng vặt mà họ buộc phải "chạm mặt" hằng ngày, chứ chưa hẳn cảnh sát (đúng hơn là cảnh sát giao thông) đã là ngành đứng đầu về tham nhũng. Tham nhũng vặt xét về giá trị vật chất thì không lớn, nhưng nó gây bức xúc lớn cho người dân. Còn loại tham nhũng lớn nhất nhưng khó "nắm tận tay day tận trán" nhất là "tham nhũng chính sách". Phải thật tinh tường thì mới chống được loại tham nhũng này. Nói chung, chống tham nhũng phải sâu sát, cụ thể, thường xuyên.

Thực tế cho thấy, trước khi thanh tra, báo chí thường rầm rộ đưa tin, rồi đoàn thanh tra rầm rộ lên đường. Thanh tra như vậy rất khó phát hiện vấn đề. Thanh tra cần phải thường xuyên hơn và nhiều khi cần âm thầm bám cơ sở mà tìm hiểu. Nhưng điều quan trọng nhất trong đấu tranh với tham nhũng là phải quyết tâm. Ví dụ, trước bất kỳ sự việc gì bất thường, người thanh tra cũng phải nghĩ xem đằng sau nó là chuyện gì và quyết tâm tìm ra nguyên nhân đó. Quyết tâm chỉ có khi hiểu thấu được, thấm thía được những hậu quả tai hại mà tham nhũng gây ra cho đất nước và cho mỗi người dân. Quyết tâm từ cấp cao nhất sẽ động viên được người dân quyết tâm chống quốc nạn này. 

Xin cảm ơn ông!              

Văn Chương - Phạm Hạnh (thực hiện)

Khó phát hiện vì người tham nhũng... có chức vụ

Thứ 6, 19/07/2013 | 13:56
Đa số các đại biểu bày tỏ sự không hài lòng đối với việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các bộ ngành chức năng trong phiên giải trình tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hôm qua, 18.7.

Lập 7 đoàn kiểm tra phòng, chống tham nhũng trên toàn quốc

Thứ 5, 18/07/2013 | 10:18
Trong quý III, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 đoàn công tác do các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn để kiểm tra, giám sát một số ngành và địa phương trên toàn quốc.

Chính trường Czech chao đảo vì cáo buộc tham nhũng

Thứ 4, 03/07/2013 | 11:53
Hàng loạt các "tinh hoa chính trị" bị "ngã ngựa". Đó là kết quả từ cuộc tấn công bất ngờ của cơ quan Bài trừ tội phạm có tổ chức (UOOZ) trực thuộc Bộ Nội vụ Cộng hòa Czech vào các cơ quan đầu não của Chính phủ, cũng như tòa thị chính Thủ đô Prague và một loạt trụ sở văn phòng công ty hàng đầu khác.

Bộ trưởng Bộ Công an tiết lộ việc phá án tham nhũng

Thứ 4, 26/06/2013 | 14:03
Trong những ngày diễn ra chất vấn đại biểu tại nghị trường Quốc hội, có lẽ ấn tượng nhất là việc tư lệnh ngành công an "kể khổ" trong việc phá án tham nhũng.