Phận gái

Phận gái "làng Việt kiều" mòn mỏi đợi tình

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Dọc theo bờ biển, không ít ngôi làng sống phụ thuộc vào biển, khi giá xăng dầu leo thang, tài nguyên biển giảm sút, nhiều ngôi làng đã phải tìm kiếm thêm công việc khác để mưu sinh. Có ngôi làng tìm cách xuất khẩu lao động, làng khác cử người lên phố làm thuê… Cuộc sống của họ đôi khi rơi vào vòng tiêu cực.

Làng có 1000…Việt kiều

Làng biển Phong Hải, xã Phong Hải, tỉnh Thừa Thiên Huế là ngôi làng có phong trào xuất khẩu lao động rất đông. Tìm về làng đúng vào mùa mưa, biển động mạnh. Những con thuyền nhỏ vẫn nằm phơi trên triền cát chưa thể ra khơi vì giá xăng dầu cao, đi biển sẽ bị lỗ. Những đứa trẻ tập trung đi mò nghêu để đầu trần. Những ông bà già đi đi lại lại với khuôn mặt buồn rầu.

Nhiều người dân ở Phong Hải dù khó khăn nhưng vẫn bám biển

Tuy rằng, làng biển đã đổi thay, nhà cao tầng mọc lên như nấm, đường đã được trải nhựa. Thế nhưng không khí ngôi làng vẫn không được vui. Hỏi ra tôi được biết, do thời tiết biển, dân không thể kiếm được nhiều hải sản mà tiền chi phí lại đắt đỏ. Trong khi cuộc sống của họ giờ đây phụ thuộc vào biển và tiền của những Việt kiều, những người con của làng đi làm ăn ở nước ngoài.

Phần lớn tiền nhận được từ người thân ở nước ngoài gửi về, người dân Phong Hải phải tính toán kỹ các khoản chi tiêu, muốn mua cái gì to phải cân nhắc kỹ từng đồng kẻo hết, nếu "trợ cấp bên kia" mà chậm thì chỉ còn nước đi vay mà sống qua ngày. Cứ thế, cuộc sống của họ bị động ngày này qua ngày khác. Có tiền đó, dù người dân lại cực kỳ tiết kiệm trong chi tiêu cho sinh hoặt ăn uống, hưởng thụ. Nhưng họ đặc biệt chú ý đến chuyện xây nhà, xây mộ cho tổ tiên, xây nhà thờ tổ.

Nhà và mộ khi xây được tính bằng đô, có ngôi nhà thờ tổ lên đến cả trăm ngàn đô. Còn những ngôi mộ "ngốn" 40-50 ngàn đô không còn là chuyện hiếm. Khi có tiền từ nước ngoài gửi về, nhiều người dân chẳng còn mặn mà với biển nữa. Họ đã chán cái cảnh "đi sóng về gió" giữa trùng trùng biển khơi. Với lại, biển khắc nghiệt và dường như muốn quên họ đi, cho nên người dân thờ ơ, chỉ chờ vào nguồn tiền từ nước ngoài.

Người già kể lại, vào những năm 1980, 1981 làng biển đói mòn đói mỏi. Mùa biển động đến cả làng phải treo niêu vì sóng to gió lớn, biển khắc nghiệt hung dữ. Đến nỗi khoai sắn trồng chưa đến ngày thu hoạch đã phải đào lên để ăn cho đỡ đói. Cụ Nguyễn Văn Hoàng nhớ lại: "Những năm đó, số nhà xây cả xã Phong Hải chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bão lớn liên miên khiến cho các con thuyền của ngư dân rách tả tơi.

Trai tráng trong làng ly hương hết thảy. Một số đi sâu vào trong đất liền để làm thuê làm mướn. Nhiều người đã cưỡi thuyền đi tìm một miền đất mới nhưng không được. Gia đình cũng chẳng biết người thân của mình đã lưu lạc đi những đâu. Mỗi khi nghe tin bão mà đau thắt lòng, không biết người thân có an toàn trở về. Sau rồi càng đợi càng bặt tin. Vài năm sau mới thấy tin về. Hóa ra, nhiều người con đã tìm đường sang Mỹ, Canada... làm ăn".

Khi biết được tin lành là người thân của mình vẫn còn sống, cả làng đỡ lo. Nhiều gia đình hồi hộp, mừng đến thót tim, mấy đêm không ngủ. Rồi làm cỗ cúng tạ ơn trời phật phù hộ độ trì. Không ai ngờ, có một ngày cái đói cái khát đã xua người làng Phong Hải và một số làng trong xã ra đi tìm "miền đất mới". Cho đến giờ, cái xã nhỏ bé miền biển này đã có hơn 1000 người hiện đang sinh sống và làm việc ở Mỹ, Canada, úc, Pháp...

Những cô gái đợi tình và tiền

Từ năm 1995 trở lại đây, làng biển Phong Hải rủng rỉnh tiền từ nước ngoài gửi về. Cuộc sống của họ từ đó sôi động hẳn lên. Một số người khá giả nghĩ đến chuyện mua sắm tư trang. Có người vàng bạc đeo đầy cổ, sắm xe máy... Qua nói chuyện với người dân, được biết, người ở làng biển Phong Hải chẳng những đợi tiền mà đợi cả tình. Những cô gái lớn lên không chịu lấy chồng mà họ đợi người tình từ phía bên kia nửa vòng trái đất.

Những người đàn ông là Việt kiều, sẽ cho những cô gái này cuộc sống dư giả. Người đó có thể là con dân trong làng, cũng có thể là con dân của mảnh đất nào đó trên lãnh thổ Việt Nam. Và khi "chú rể" từ nước ngoài trở về, họ sẽ gặp nói chuyện với nhau rồi cưới luôn. Các cụ già nói, sở dĩ có chuyện nhanh chóng như vậy là qua môi giới. Cả xã, mỗi năm cũng có đến hàng chục đôi vợ chồng được mai mối như thế. ông S., một ngưòi có con gái lấy Việt kiều than thở: "Ni tôi cũng biết lợi hại rồi. Con gái trong làng lớn lên là đợi Việt kiều về "bốc" đi. Sang Pháp hay Úc gì gì đó còn đỡ, chứ sang Mỹ thì thủ tục lâu lắm. Có khi đợi hàng năm. Nhưng con gái làng vẫn phải đợi".

Mỗi năm ở làng Phong Hải có khoảng 10 cô gái được Việt kiều "bốc" đi. Nhiều cô trong khi đợi chờ đã lên thành phố Huế học tiếng Anh. Nhưng cái thứ tiếng nước ngoài ấy dường như không thể ngấm vào họ, khi mà cái mặn mòi cái xơ xác của biển đã ngấm vào từ trước mất rồi. Học đi học lại vẫn quên. Có cô đã cố gắng học thêm nghề làm đầu, chỉnh sửa móng tay để ra nước ngoài còn biết việc mà làm. Sự học này rất tốn kém, lại phải khăn gói lên tận TP. Huế để học. Nhiều gia đình, khi con mình còn ở tuổi vị thành niên đã cho lên TP. Huế học tiếng nước ngoài và nghề để dễ lấy chồng hơn. Nhưng nhiều khi cái đợi cứ mòn mỏi theo năm tháng. Thành ra, cả đời họ sống trong đợi chờ.

Trước nguy cơ người dân bỏ nghề biển, tìm kiếm công việc mưu sinh khác, chính quyền ở các địa phương cũng đang tìm mọi cách để khắc phục, tháo gỡ khó khăn. Nhưng đây là một bài toán khó, nhiều nơi chính quyền cũng lúng túng vì quá sức, nên bà con ngư dân vẫn "mạnh ai nấy tiến", tìm kiếm cơ hội làm ăn khác để phụ thêm nghề biển. Người dân làng biển vốn là những người ít được học hành, trang bị kiến thức, họ cần có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, để ổn định cuộc sống. Có như vậy mới chấm dứt được như câu chuyện buồn của những cô gái đợi tiền đợi tình như ở Phong Hải.

Ngô Thục Miên