“Phật bà” nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

“Phật bà” nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Được con cái bảo lãnh định cư ở nước ngoài, đủ đầy vật chất, nhưng chỉ được 3 năm, bà xin về quê cũ để được làm việc thiện, việc nghĩa cho nhiều mảnh đời bất hạnh với số tiền lên tới hàng tỷ đồng trong suốt hơn chục năm qua.

Bà là Đào Thị Tuất, được ví như "Phật bà" đất Hạ Long, trú tại tổ 26 phường Bạch Đằng (TP Hạ Long, Quảng Ninh).

Bà Tuất tặng gạo cho bà Nguyễn Thị Thìn ở phường Hà Phong (Hạ Long)

Cháu Nguyễn Mạnh Hà ở khu 5 phường Bạch Đằng bị tật bẩm sinh, không có khả năng lao động đã được bà Tuất đỡ đầu mỗi tháng 50.000 đồng từ năm 1998 đến nay. Anh Bùi Quý Hưng ở Gia Lộc (Hải Dương) bị tàn tật, bố mẹ mất sớm, lê la ra chợ Hạ Long 1 xin ăn. Cám cảnh, bà Tuất mua cho anh chiếc xe lăn và chiếc cân để cân thuê, đủ tiền nuôi thân. Rồi bà đứng ra cưới vợ cho Hưng, mua xe đạp cho con anh khi đến tuổi tới trường.

Chị Tô Thị Hoa ở xóm Núi (xã Minh Thành, Yên Hưng) bị bệnh thận từ nhỏ, tưởng được nương tựa nhà chồng sau khi kết hôn nhưng thật éo le, chồng chị bị gẫy cột sống phải nằm liệt giường trong một vụ tai nạn giao thông. Chị Hoa lại phải gắng gượng tần tảo sớm tối, mua rau từ quê ra chợ Hạ Long bán nhưng không đủ nuôi chồng với 4 con nhỏ. Cuộc sống đang vô cùng bế tắc thì bà Tuất đã nhận trợ cấp cho Hoa 100.000 đồng và 10 cân gạo mỗi tháng.

Còn nữa, chị Nguyễn Thị Mai ở huyện Kinh Môn (Hải Dương) đi gánh nước thuê cho tàu bè dưới sông ở TP Hạ Long không may bị trượt chân ngã xuống sông chết đuối. Không người thân, thi thể chị nằm cô quạnh bên sông.

Bà Tuất biết chuyện tức tốc thuê xe ôm đi mua áo quần đến liệm xác rồi thuê xe ô tô đưa về tận quê an táng. Ít ngày sau, 3 đứa con nhỏ của chị lần tìm đến nhà bà Tuất cầu cứu xin việc làm. Bà Tuất lại một lần nữa mở vòng tay đón đỡ và xin việc cho 3 đứa trẻ, đủ tiền nuôi thân.

Khi kể về những số phận ấy, những giọt nước mắt của bà Tuất cứ chảy dài làm đục mờ chiếc kính lão. Bà nói: "Tôi làm từ thiện cốt ở cái tâm, chứ cũng chẳng ghi chép hay nhớ nổi là giúp bao nhiêu người và càng không mong người ta trả ơn hay là sự nổi tiếng".

Bà Tuất chuẩn bị nồi để nấu cháo sáng từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh

Từ tháng 10/2010 đến nay, bà Tuất gom tiền mỗi ngày nấu một nồi cháo cho bệnh nhân Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Quảng Ninh. Tính ra mỗi tháng bà Tuất chi hết 12 triệu đồng tiền cháo cho bệnh nhân. Trước đó, năm 2002 - 2009, bà Tuất đã huy động con cái ở nước ngoài ủng hộ vài trăm triệu đồng xây 5 nhà tình nghĩa, xây cầu, làm trường học, tặng xe đạp, xe lăn cho một số gia đình khó khăn ở huyện miền núi Yên Hưng, Hoành Bồ, TP. Hạ Long.

Bà Tuất còn tham gia ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ vì người nghèo, quỹ trẻ em... với số tiền cả trăm triệu đồng. Ngay cả tiền phúng viếng của chồng khi mất, bà cũng dành để làm từ thiện.

Không chỉ có vậy, bà còn có bài thuốc gia truyền chữa hóc xương, chữa tắc tia sữa rất hiệu nghiệm. Đã có hàng trăm "khổ chủ" được bà cứu thoát khỏi những cơn đau buốt do hóc xương, tắc sữa không lấy tiền.

Bà nói: "Nếu ai muốn cảm ơn tôi đã chữa khỏi thì bỏ tiền vào hòm để rồi cuối năm tôi lại lấy ra để đi làm từ thiện chứ chẳng màng đến tiền đó bao giờ. Tôi còn có thể chữa hóc xương qua điện thoại, chứ chẳng cần người bệnh đến nhà tốn kém, khổ sở khi đi lại; còn nếu họ không đi được thì tôi đến tận nơi chữa trị".

Trong căn nhà nhỏ ngay cạnh chợ Hạ Long 1 của bà Tuất chẳng khác gì phòng truyền thống. ở đó có những bức ảnh bà đi dự điển hình tiên tiến toàn quốc; những bằng khen giấy khen các cấp tặng bà về việc việc làm từ thiện. Mới đây nhất, ngày 15/11/2010 bà vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Từng là chiến sỹ tình báo, bị địch bắt vào năm 1968, tra tấn dã man, mất một phần thân thể, bà Tuất được hưởng chế độ thương binh 2/4 với mức lương hơn 1 triệu đồng /tháng. Gom góp lương cùng với tiền con cháu biếu phụng dưỡng tuổi già, bà Tuất gần như dành 2/3 số tiền để đi làm từ thiện.

Năm nay đã bước sang tuổi 78, bà Đào Thị Tuất đã yếu đi nhiều, ngay bản thân cũng cần người chăm sóc thế nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện ủng hộ, quyên góp, hay giúp đỡ những số phận khó khăn bà Tuất như khỏe lại, tinh tường hơn và tìm cách để bọc đỡ, chở che cho những cảnh đời bất hạnh. Bà tâm sự: "Chỉ khi nào sức khỏe yếu quá thì tôi mới không đi làm từ thiện".

Mạnh Khánh