Phạt đến 30 triệu đồng nếu ngăn người ra làm chứng trước tòa

Phạt đến 30 triệu đồng nếu ngăn người ra làm chứng trước tòa

Thứ 2, 13/05/2013 | 10:51
0
Hiện nay, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án xảy ra rất nhiều và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, các Tòa án lại tỏ ra bất lực trước các vi phạm này mà lý do chủ yếu được đưa ra là chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể.

Luật sư - Phạt đến 30 triệu đồng nếu ngăn người ra làm chứng trước tòa
Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Chưa mạnh tay xử lý vi phạm

Theo phản ánh của các TAND địa phương, hành vi cản trở hoạt động tố tụng trên thực tế diễn ra rất nhiều, đặc biệt là các hành vi như triệu tập đến tòa nhưng không có mặt; khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiến hành tố tụng, vi phạm nội quy, trật tự phiên tòa…

Tuy nhiên, số vụ việc mà các Tòa án xử lý xem ra chỉ “đếm được trên đầu ngón tay” do tâm lý e ngại (nếu phạt đương sự càng thêm khó dễ cho Tòa án, khiến vụ án bị kéo dài), do việc phạt chưa có tiền lệ, và quan trọng là trình tự thủ tục xử lý ra sao, ai có thẩm quyền, áp dụng với những đối tượng nào thì chưa có quy định cụ thể.

“Do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này, cho nên việc xử lý các hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định về các loại hành vi, hình thức, mức độ xử lý, thẩm quyền xử lý và thi hành quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân là hết sức cần thiết, bảo đảm sự tôn nghiêm của Toà án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Toà án”, TANDTC cho biết.

Nhiều hành vi phạt đến 30 triệu đồng

Dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND do TANDTC chủ trì soạn thảo quy định cụ thể các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND; đối tượng và hình thức bị xử lý; những hình thức xử lý hành chính; về thẩm quyền, thủ tục xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý hành chính cũng như việc thi hành các quyết định này.

Cũng theo dự thảo, các hành vi gây mất trật tự tại phiên toà; tự ý phát ngôn tại phiên toà khi chưa được chủ toạ phiên toà đồng ý; trang phục không đúng quy định khi tham dự phiên toà; không chấp hành sự điều khiển của chủ toạ phiên toà; ghi âm, ghi hình tại phiên toà mà không được sự cho phép của Chánh án nếu có tình tiết tăng nặng (như có tổ chức, thực hiện nhiều lần, tái phạm…)  hoặc đã bị cảnh cáo, nhắc nhở về hành vi đó mà còn vi phạm trong cùng một phiên toà sẽ bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Đáng chú ý, một trong những vi phạm rất phổ biến hiện nay mà chưa có chế tài xử lý đó là việc Tòa triệu tập nhưng đương sự không đến, theo dự thảo Pháp lệnh, sẽ bị cảnh cáo trong trường hợp được Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà không có lý do chính đáng. Nếu không có mặt theo triệu tập hợp lệ của Toà án lần thứ hai mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 5 triệu đồng.

Đặc biệt, nhiều hành vi có thể bị phạt tới 30 triệu đồng như đe doạ hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng; đe doạ hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối; đe doạ hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện việc giám định hoặc buộc người giám định kết luận giám định sai sự thật; không thi hành hoặc thi hành không đúng quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú, quyết định về việc bảo lĩnh, quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm của Toà án nhân dân; ngăn cản việc thi hành lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam, lệnh tạm giam của TAND….

Với các quy định cụ thể, ngành Tòa án hy vọng, sẽ xử lý nghiêm để góp phần răn đe, phòng ngừa và hạn chế vi phạm, giúp ngành Tòa án giải quyết nhanh chóng, đúng luật các vụ án dân sự.

Theo Bình An (Pháp luât Việt Nam)

Cơ quan tố tụng 'lách luật' để miễn trách nhiệm hình sự

Thứ 2, 25/02/2013 | 15:48
Quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) theo Điều 25 Bộ luật Hình sự (BLHS) thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta.

Khởi đăng: Những câu chuyện ly kỳ trong hành trình tố tụng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
– Những câu chuyện chúng tôi lần lượt kể ra đây có thể đã được tường thuật. Chúng cung cấp một góc khuất có khi oan trái, đau đớn, có khi kỳ khôi, hài hước ở chốn pháp đình. Một góc khác của quá trình tố tụng, nơi được coi là “nghiêm cẩn” vì liên quan đến danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của con người. Tình tiết câu chuyện có thể không mới nhưng vấn đề mà nó đặt ra có tính thời sự nhằm đưa công lý đến với số phận con người.

Cơ quan tố tụng bỏ lọt tội "dụ dỗ, ép buộc..."?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Tòa án nhân dân huyện Ia Grai Gia Lai vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "trộm cắp tài sản" đối với hai bị cáo đã gây ra nhiều vụ trộm xe máy, điện thoại, hạt tiêu...tại địa bàn.