Phát hoảng “mê hồn trận” ngôn từ của con trẻ

Phát hoảng “mê hồn trận” ngôn từ của con trẻ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Gần đây một bộ phận giới trẻ thường bắt chước ngôn ngữ trong các chương trình hài, phim trên truyền hình hoặc "tự chế" ra những từ ngữ để giao tiếp với nhau. Nhiều bậc cha mẹ có những khi rơi vào tình huống không thể hiểu nổi con mình nói gì.

Theo ý kiến của nhiều người, tình trạng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt này có một phần nguyên nhân từ các clip hài, chương trình hài... nhí nhố, "cổ súy" cho giới trẻ học theo và biến tấu thái quá.

Khó hiểu như ngôn ngữ "tự chế"

Trong chương trình "Gặp nhau cuối năm 2010", các danh hài Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Hiệp "gà"... được dịp trổ tài diễn xuất của mình với những ngôn từ gây cười khán giả. Ngay sau khi chương trình khép lại, chỉ vài ngày sau đó người ta đã thấy nhiều bạn trẻ "học hỏi", vận dụng, giao lưu những ngôn từ này vào các cuộc giao tiếp của mình hàng ngày.

Trong chương trình, với vai "Táo quy hoạch", diễn viên Hiệp "gà" đã sử dụng những từ "thoát xác, cảm, xoắn" trong đoạn thoại của mình với ngữ cảnh gây cười. Cho rằng như thế là hay, nhiều bạn trẻ đã học theo những từ ngữ đó một cách thái quá, không hợp ngữ cảnh khiến nhiều bậc cha me không hài lòng.

Theo các chuyên gia, ngôn ngữ "lạ" này xuất hiện từ khi internet bùng nổ

Chị Nguyễn Ly Hạnh (ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, Hà Nội) phàn nàn: "Hôm trước khi tôi bảo cháu cần phải thay đổi cách ăn mặc cho phù hợp với học sinh chứ không được đua theo mốt, ngay lập tức nhận được câu trả lời tưng tửng từ cô con gái: "Mẹ phải "cảm"! Mẹ phải "thoát xác" chứ".

Tôi chẳng hiểu "cảm" với "thoát xác" là gì, chỉ hiểu nôm na có thể là ý nó muốn nói "Mẹ thông cảm cho con". Nghe con nói vậy tôi rất buồn vì chúng đang học theo thứ ngôn ngữ lai căng, pha tạp đang phổ biến trên các chương trình hài, truyền hình".

Một lần khác, chị Hạnh tình cờ được nghe 2 cô con gái nói chuyện với nhau về một bộ phim, chị Hạnh không thể mường tượng ra thứ ngôn ngữ mà chúng đang dùng là ngôn ngữ gì. "Chị xem phim Hàm cá mập chưa? "Rùi"! (Rồi) - Xem phim đấy em "xoắn" lắm (sợ lắm).

Hãi hùng. Thôi đi, có gì mà "xoắn". "U chim" (yếu tim) lại còn đi xem. Đúng là "đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm". Chị Hạnh nhớ lại: "Nghe cuộc đối thoại của con, tôi gần như chết lặng người. Không hiểu chúng học hỏi từ đâu những ngôn từ kỳ dị, khác người như thế".

Chị Hạnh lý giải: "Có lẽ bọn trẻ được tiếp xúc với nhiều chương trình truyền hình, clip hài... nên cũng bắt chước theo. Gần đây clip hài "Bao công xử án Tôn ngộ không" được giới trẻ vận dụng triệt để các ngôn từ được "biến tấu" trong đó. Chúng dùng thứ ngôn ngữ "lạ" mà người lớn không thể hiểu nổi".

"Loạn ngôn" thời @

Chị Nguyễn Thị Hải (đường Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội) kể lại đã rất nhiều lần được chứng kiến cảnh bọn trẻ biến tấu ngôn ngữ. Một lần, sau khi nhắc nhở cô cháu phải thu xếp nhà cửa gọn gàng, không được bày bừa, chị nhận được câu trả lời thủng thẳng: "Con già rồi, bác đừng quát to con chớ mất. Con 93 rồi đấy!? (sinh năm 1993)". Chị "mắt tròn mắt dẹt" không hiểu con đang nói gì, sau này mới biết cô con gái học theo cách nói trong một tiểu phẩm của danh hài Xuân Hinh.

Cũng một lần khác, chị Hải "dở khóc dở cười" khi cô giáo gọi điện vì việc cô con gái mải chơi, hay kết bạn với những bạn học sinh cá biệt, bỏ học. Khi chị Hải nhắc nhở: "Con thích học hay thích đi chơi? Nếu thích đi chơi với mấy đứa hư hỏng thì mẹ cho nghỉ học luôn", ai dè cô con gái phản ứng: "Con đang "tu nhân tích đức" đây, mẹ đừng nói nữa", "Mẹ làm gì phải xoắn lên!".

Chị Hải cho biết: "Để ca ngợi cái đẹp thì chúng dùng từ "đẹp dã man", đi ăn quà hoặc khen một cô gái thì bình luận "hơi bị ngon", nói về một vụ chi tiêu tiền bạc thì dùng "lục tốn đấy nhỉ", để khen một người nhiều tiền thì "thầu giầu nhỉ"...".

Đó chỉ là một trong vô vàn chuyện về sử dụng ngôn ngữ hiện nay mà đại đa số do giới trẻ "tự chế" và sử dụng. Thói a dua sử dụng tiếng lóng trở nên phổ biến ở bất kỳ đâu, hàng ngày người ta có thể thường xuyên nghe thấy những từ ngữ "ngang tai trái mắt": Uống bia, rượu thì gọi là "bú", hỏi ăn cơm chưa thì "đớp" chưa?. Hỏi thăm sức khỏe người lớn thì: "Bác thấy sức khỏe đã ngon chưa?".

Chị Minh Hương (một giáo viên nghỉ hưu) cho biết: Hiện tại, ít có tiết mục nào dám chửi thề trên sân khấu, nhưng những câu như "chết mẹ mày", "thấy mẹ" đã xuất hiện trên truyền hình, thậm chí xuất hiện trong những ngữ cảnh khiến khán giả cảm thấy đó là những từ hỗn xược chứ không phải gây cười.

Chị nói: "Như diễn viên D (Nhóm hài MS) cứ luôn miệng kêu bạn diễn (đang vào vai cụ già) là "con quỷ già" trong tiểu phẩm Chẳng sợ ai hoặc "Nanh của ông nội tao để lại cho bà nội mày gặm đấy". Những từ ngữ kiểu đó rất dễ khiến trẻ bắt chước. Để pha trò, tạo sự so sánh tương phản gây cười cho khán giả, nhiều diễn viên đã "biến tấu' tiếng Việt".

"Bệnh" cần chữa

Ảnh minh họa

Theo chị Vũ Thu Quyên, giảng viên một trường đại học: "Hiện tượng một bộ phận giới trẻ "tự chế" tiếng Việt một cách tùy tiện, bừa bãi trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là ngôn ngữ trên mạng, đang khiến các em trở nên lệch chuẩn".

Còn theo Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Văn Ngọ, hiện nay có nhiều clip hài được tung lên mạng với những từ dùng thay thế, nói chệch đi. Giới trẻ vận dụng ngôn ngữ đó và biến tấu vào những tình huống mà chúng "cho là hợp lý".

Thực tế, quan niệm đó là sai khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc về việc con em mình học đòi ngôn ngữ của các danh hài, các nhân vật trong phim trên truyền hình. "Thế mới có chuyện nhiều chuyên gia ngôn ngữ phải lên tiếng về sự biến dạng của ngôn ngữ trong một bộ phận giới trẻ đến nỗi họ đã phải dùng cụm từ "tùy tiện, vô lối".

Nhiều giáo viên và phụ huynh cũng đã lên tiếng về thói quen sử dụng toàn tiếng lóng, từ ngữ tục tĩu của học sinh hiện nay. Theo tôi, hiện tượng nói năng, phát ngôn bừa bãi này đã trở thành "bệnh", tiến sĩ Ngọ nói.

PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển và Bách khoa toàn thư Việt Nam) lý giải: Ảnh hưởng từ các chương trình truyền hình đến giới trẻ hiện nay rất lớn, có sức lan tỏa rộng. Các chương trình hài với những từ ngữ tục tĩu, vô lối đã như "cơn lốc" ngôn từ "biến hóa" đến một bộ phận bạn trẻ.

"Khi thứ ngôn ngữ pha tạp này được đưa vào các ngôn ngữ chính thức như một thói quen vô thức của giới trẻ sẽ dẫn đến sự lệch chuẩn, mất phông văn hóa. Xưa các cụ ta thường dạy "học ăn, học nói" nhưng dường như cái sự "học nói" bây giờ ít được giới trẻ lưu tâm. Cha mẹ cần uốn nắn con cái ngay lập tức nếu thấy con em mình dùng những ngôn ngữ lạ, pha tạp, thô tục", PGS.TS Tình đưa ra lời khuyên.

Ngân Giang