Phạt mũ rởm: Ném đá ao bèo nếu không dứt điểm

Phạt mũ rởm: Ném đá ao bèo nếu không dứt điểm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Mới đây, liên Bộ (Khoa học và Công nghệ, Giao thông, Công an, Công Thương) đã chính thức phát đi thông điệp nhằm kiên quyết "dẹp nạn" MBH rởm. Mặc dù vậy, nhiều người lo ngại, nếu lực lượng chức năng không đồng loạt ra quân, việc xử phạt MBH rởm sẽ chẳng khác gì "ném đá ao bèo".

Có người mua chúng tôi vẫn bán

Tại sao lại có tình trạng "ném đá ao bèo" như đã nói? Ngược thời gian vào cuối năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. Theo đó, những loại mũ không có dấu hợp chuẩn (CS) sẽ không được phép sản xuất, lưu hành. Tuy nhiên, sau 4 năm lực lượng chức năng xuống đường "càn quét", đến nay MBH giả vẫn ngang nhiên hoành hành trên khắp các cung đường, mặt phố.

Xã hội - Phạt mũ rởm: Ném đá ao bèo nếu không dứt điểm

Mũ bảo hiểm rởm được bày bán công khai ở nhiều nơi

Theo dự thảo Thông tư liên Bộ mới nhất, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp khi tham gia giao thông đường bộ phải có trách nhiệm sử dụng đúng mũ bảo hiểm đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy CR theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, mũ bảo hiểm đúng hợp quy phải có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Người đội MBH cũng phải cài quai theo đúng quy cách... Mức xử phạt vi phạm từ 100.000 - 200.000 đồng.

Dự thảo lần này cũng quy định rõ ràng trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân sản xuất mũ bảo hiểm. Theo đó, MBH đúng tiêu chuẩn sẽ phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm do đơn vị mình sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, gắn dấu hợp quy CR và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Những người bán MBH rởm trên thị trường cũng sẽ bị xử phạt mạnh tay.

Mặc dù quy định về việc xử phạt MBH rởm chưa chính thức đi vào thực tế nhưng ngay khi thông điệp này được phát đi đã nhận được nhiều phản ứng từ phía người dân. Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, anh Kiều Cao Dũng, quản lý khách sạn Golden Sun Westlake (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Chừng nào chưa có lệnh cấm thì tôi vẫn sử dụng loại mũ thời trang này. Chỉ cần bỏ ra từ 25.000 - 40.000 đồng là có thể mua được, so với 180.000 đồng mua mũ chuẩn thì lời hơn nhiều. Mà nói thì nói thế chứ, cấm rồi chắc gì đã thực hiện được. Trước đây cũng quy định, cũng xử phạt nhưng cuối cùng có dẹp được đâu, mũ rởm vẫn bán tràn lan, mũ thật còn phải "lép vế". Cả triệu người đi xe máy, cả triệu cái mũ lấy ai mà kiểm soát cho được".

Khi được hỏi về quy định xử phạt MBH rởm sắp được ban hành, anh Nguyễn Linh, người bán MBH trên vỉa hè đường Lê Văn Lương, Hà Nội tỏ ra không mấy quan tâm. Anh Linh cho rằng: "Có cung ắt có cầu. Có người mua thì chúng tôi vẫn bán. Người đi xe máy nhiều thế, có cấm cũng chẳng thể phạt hết được. Phạt thì chúng tôi chạy, đi chúng tôi lại bán. Mới đây tôi nhập thêm hơn chục triệu tiền hàng chuẩn bị cho mùa hè. Đã xử phạt đâu mà sợ chứ".

Quy định không rõ khó quản lý, xử phạt

Đánh giá về dự thảo quy định xử phạt mới này, ông Nguyễn Hoàng Linh, phó vụ trưởng Vụ Hợp chuẩn hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, dự thảo thông tư quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy... hiện đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Đối tượng chính để xử phạt là nhà sản xuất và kinh doanh còn việc xử phạt người tiêu dùng chỉ là một khía cạnh nhỏ. Sở dĩ dự thảo khá khắt khe, đưa cả người tiêu dùng vào diện xử phạt để họ nâng cao ý thức về việc sử dụng các sản phẩm chất lượng, đặc biệt là MBH để bảo đảm an toàn cho mình khi tham gia giao thông.

Các chuyên gia đánh giá, dự thảo quy định mới này khá mạnh tay để "dằn mặt" những cơ sở kinh doanh, sản xuất MBH, thanh lọc lại thị trường mũ rởm đang "tác oai tác quái" hiện nay. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, nếu không làm quyết liệt, câu chuyện này sẽ chẳng khác nào việc "bắt cóc bỏ đĩa". Cách đây không lâu, chủ đề xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng từng khiến dư luận xôn xao. Các cơ quan chức năng tuyên bố hùng hồn sẽ xử thật nặng nếu ai vi phạm, nhưng thực tế đâu lại vào đó. Chuyện xử lý MBH rởm cũng rơi vào vòng luẩn quẩn như vậy. Gần 4 năm ra quân, đến nay kết quả vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Ông Lương Văn Phan, phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam lo ngại, với quy định mới thì MBH "xịn" được phân biệt với các loại mũ rởm bằng dấu hiệu rõ ràng nhất là dấu hợp quy CR được gắn phía sau mũ. Tuy nhiên, nếu đem ra vận dụng khi đi mua mũ thì rất bất lợi cho người tiêu dùng, nếu không muốn nói là hình thức "đánh đố" bởi với "đẳng cấp" của công nghệ in ấn giả như hiện nay, người tiêu dùng dù có sành sỏi đến mấy cũng dễ bị đánh lừa. Thực tế, công nghệ "hàng giả", "hàng nhái" ở nước ta hiện nay quá khó để kiểm soát.

Một phóng viên đang công tác tại kênh VOV giao thông cho rằng, quy định xử phạt MBH rởm là cần thiết. Theo thống kê, có tới hơn 80% người bị tai nạn chấn thương sọ não đều do nguyên nhân dùng MBH kém chất lượng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể, mũ nào bảo đảm, mũ nào không, mũ bảo đảm phải dùng tem gì... đơn vị nào sẽ đứng ra kiểm tra xử lý, mới có thể hạn chế được. Hỏi quản lý thị trường thì họ bảo thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, lực lượng CSGT thì không có quyền thu mũ nếu phát hiện... Nếu quy định không rạch ròi chắc chắn sẽ gây tranh cãi, phiền toái.

Anh Đức