Phạt tiền chơi game lậu, quá giờ, có khả thi?

Phạt tiền chơi game lậu, quá giờ, có khả thi?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Theo dự thảo mới về quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng của Bộ Thông tin và Truyền Thông thì tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi của doanh nghiệp đối với mỗi người chơi không vượt quá 180 phút/ngày. Đặc biệt, chơi game không phép, không đăng ký thông tin cá nhân sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Những quy định mới được đánh giá là cần thiết nhưng việc thực hiện liệu có khả thi?

Chủ quán nào từ chối người chơi?

Chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại khu vực gần trường Đại học Bách Khoa, khu vực Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), những nơi có nhiều đại lý Internet cung cấp các dịch vụ game. 22h10' ngày 13/9, trên phố Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), những cánh cửa cuốn đã kéo xuống 2/3 nhưng ánh sáng từ những chiếc đèn tuýp vẫn hắt ánh sáng qua khoảng trống, các gam thủ vẫn say sưa "chiến". Từ một chiếc máy khác phía trong cùng quán, những âm thanh từ các máy đá PS vẫn vang lên. Những hiệu ứng ấm thanh reo hò cổ vũ cầu thủ vang lên xen lẫn tiếng chửi tục của người chơi cay cú với cú dẫn bóng hỏng.

Công nghệ - Phạt tiền chơi game lậu, quá giờ, có khả thi?

Người chơi game lậu sẽ bị phạt tiền.

Một chủ quán tên Quý, phố Triều Khúc, Thanh Xuân (Hà Nội) thật thà cho biết: "Thực ra sau 22h, các quán đóng cửa cũng là điều đúng vì chủ quán cũng muốn người chơi và cả mình được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi khách chưa về thì không một chủ quán nào nỡ đuổi khách cả. Đặc biệt là có những nhóm họ thường rủ nhau lập hội, chia nhóm chơi đá PS. Khi thắng thua của hai nhóm chưa phân định thì chắc chắn họ chưa về. Chắc chắn không có chủ đại lý nào đuổi họ". Theo chủ quán này thì việc kiểm soát người chơi, chơi không quá 180 phút/ngày còn "khó hơn lên trời". "Quán mình không cho họ chơi, họ đi quán khác. Lúc đó chỉ có đại lý nào làm đúng chịu thiệt", anh Quý cho biết.

Một chuyên gia về phát triển game khẳng định, việc kiểm soát thời gian chiếm phần rất ít trong các game online, đặc biệt, các game trên online website hoặc mobile. Không cách ngày hay cách khác thì họ vẫn lách hoặc liều phá luật. Hơn nữa, việc kiểm soát không chặt khiến qui định này có vẻ không hiệu quả.

Nguyễn Văn Tuấn, một game thủ (26 tuổi, nhân viên một ngân hàng Agribank tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Thông thường hiện nay để mua một game bản quyền phải mất từ 1 triệu đến 1,5 triệu. Các chủ quán, người chơi hiện nay thường crack chương trình và "xài chùa" là chủ yếu. Tôi không hiểu cơ quan quản lý nào có thể xử phạt được cả triệu người chơi?".

Xử lý vi phạm có xuể?

Anh Tuấn cho biết: "Tôi không hiểu khái niệm trò chơi G1 được nhắc tới ở đây là trò chơi trên hệ điều hành Adroid hợp tác với google thế hệ 1 hay thế hệ video thứ nhất?. Tôi thấy việc đăng ký thông tin cá nhân này không khả thi. Rồi nó sẽ lại giống việc đăng ký thông tin cá nhân của thuê bao trả trước, có quy định và khung xử phạm nhưng vẫn không thực hiện được".

Anh Ngô Văn Sơn, một game thủ cư trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho rằng: "Mỗi người chơi game họ có thể lập nhiều tải khoản "ad phụ" để "cày thuê", những tài khoản này cũng hoàn toàn là ảo. Ai là người có thể kiểm soát được việc này. Đặc biệt với tất cả các trò chơi điện tử có bất cứ vật phẩm, vũ khí, đồ dùng gì thì người chơi cũng có thể trao đổi trực tiếp với nhau. Các nhà cung cấp game không trao đổi vật phẩm ảo mà chủ yếu là người chơi tự trao đổi với nhau. Thậm chí họ cũng không cần gặp nhau mà mọi giao dịch đều thông qua nick, trực tuyến...".

Trao đổi với PV về vấn đề quản lý thời gian của người chơi, anh Nguyễn Phước Bảo Sơn, trưởng phòng Jame Studio (Phòng phát triển game), Công ty cổ phần Công nghệ và truyền thông Biển Xanh (Bluesea) cho rằng: "Về mục đích của qui định này thì không phải bàn nhưng vô tình nó là con dao hai lưỡi. Nhưng tôi thấy quy định này không khả thi nếu kiểm soát từ ngọn tức là kiểm soát cả game nước ngoài và trong nước. Còn nếu áp giờ chơi chỉ game trong nước thì việc này chỉ có lợi cho game nước ngoài. Thị trường game trong nước không thể cạnh tranh với các game nước ngoài. Bởi thanh toán trực tuyến đã trở nên dễ dàng hơn, việc thất thoát lớn ngoại tệ là thấy được".

Anh Sơn cũng cho rằng: "Thông thường người chơi game ở Việc Nam không quan tâm đến game được phép hay không được phép. Chơi game là hoạt động giải trí, không cho phép thì họ vẫn chơi(nhu cầu giải trí là thích đáng) dù có chơi quán net hay ở nhà. Việc phân biệt game có phép hay không thì không phức tạp. Một game khi được cấp phép thì có mã số, nhà cung cấp game chỉ cần nêu ra khi người chơi mở game (ví dụ: giấy phép số XYZ). Dựa vào thông tin này tra cứu ở website của sở/bộ sẽ biết ai cấp, ngày hoạt động...".

Theo dự thảo quy định mới nhất trong lĩnh vực quản lý trò chơi điện tử, người chơi sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với các hành vi "Chơi các trò chơi điện tử chưa được cấp phép hoặc chưa đăng ký theo quy định; Không thực hiện đăng ký thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi G1". Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ với 30 người chơi game tại Hà Nội. Đa số những người này đều đã từng chơi game với thời gian từ 1 năm đến 7 năm. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi các game thủ về các trò chơi G1 thì cả 30 người đều không biết trò chơi G1 là gì.

Đỗ Thơm