Phạt vi phạm hành chính: Lấn cấn cũ, mới

Phạt vi phạm hành chính: Lấn cấn cũ, mới

Thứ 6, 28/06/2013 | 09:57
0
Chỉ còn hai ngày nữa Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành nhưng đến giờ Chính phủ vẫn chưa ban hành các nghị định hướng dẫn việc xử phạt theo luật này.

So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) thì Luật XLVPHC năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) có nhiều thay đổi về thẩm quyền, hình thức, cách thức, mức xử phạt… 

Từ tháng 10-2012, để chuẩn bị triển khai luật này, Thủ tướng đã giao 19 bộ ban hành 56 nghị định (NĐ) quy định việc xử phạt trong rất nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, Bộ Công an phải ban hành sáu NĐ, trong đó có NĐ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội. Bộ GTVT phải ban hành ba NĐ, trong đó có NĐ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt… Thế nhưng tại thời điểm này chỉ có tám dự thảo NĐ trình Chính phủ, trong 47 dự thảo NĐ đã đưa ra lấy ý kiến Hội đồng Tư vấn thẩm định, một số dự thảo phải quay về chỉnh lý để trình thẩm định lại lần hai.

Luật sư - Phạt vi phạm hành chính: Lấn cấn cũ, mới
Lập biên bản xử lý vi phạm về an toàn giao thông. Ảnh: HTD

Bối rối, chờ chỉ đạo

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Tư pháp quận 3, băn khoăn: “Các NĐ xử phạt vi phạm hành chính hiện hành đều căn cứ theo pháp lệnh. Do vậy, sắp tới ngày luật có hiệu lực mà chúng tôi vẫn chưa rõ sẽ áp dụng ra sao nên không biết tham mưu cho UBND quận triển khai như thế nào. Đơn cử như khi lập biên bản vi phạm, nếu ghi căn cứ khoản mấy, điều mấy của NĐ mà NĐ không căn cứ theo luật thì lại tréo ngoe. Chúng tôi đã hỏi Sở Tư pháp nhưng Sở bảo phải chờ Bộ Tư pháp trả lời mới biết được”.

Thông tin từ Sở Tư pháp TP.HCM cho biết: Ngày 26-6, Sở đã gửi công văn đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể những vướng mắc liên quan. Cụ thể, khi các NĐ chưa được ban hành hoặc ban hành nhưng chưa có hiệu lực từ ngày 1-7 thì việc xử lý các vi phạm sẽ thực hiện theo quy định nào? Nếu tiếp tục áp dụng các NĐ xử phạt hiện hành thì các quy định của Luật XLVPHC có đồng thời được áp dụng không? Nếu có thì giải quyết những điểm khác nhau giữa luật và pháp lệnh như thế nào? Ví dụ: Trình tự, thủ tục, căn cứ áp dụng miễn, giảm tiền phạt; các biểu mẫu áp dụng trong XLVPHC v.v…

Nhiều phường, quận, các cơ quan công an cũng chưa có cách hiểu thống nhất về việc xử phạt tới đây. Có đơn vị bối rối chưa biết tính sao, có nơi dè đặt “sẽ tiếp tục phạt theo các NĐ hiện hành cho đến khi có hướng dẫn mới”. Một lãnh đạo công an quận dự tính “sẽ xử phạt vi phạm giao thông theo hai NĐ 34/2010, 71/2012 nhưng phải đợi Công an TP.HCM chỉ đạo thêm”.

Thực hiện sao cho phù hợp?

Trước đó, tại cuộc họp liên ngành rà soát tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dự kiến: “Bộ sẽ trình Chính phủ đề xuất cho các địa phương áp dụng các NĐ hiện hành đến ngày 1-1-2014 để có thời gian ban hành đầy đủ các NĐ quy định chi tiết Luật XLVPHC”.

Hướng xử lý này được nhiều chuyên gia pháp luật đồng thuận. Viện dẫn Điều 81 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp (Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Một văn bản quy phạm pháp luật chỉ hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp: Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Do các NĐ xử phạt vi phạm hành chính như NĐ 73/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; NĐ 34, 71 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; NĐ 117/2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… chưa được Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới nên chúng chưa bị xem là hết hiệu lực. “Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện pháp luật thì các cơ quan có thẩm quyền xử phạt phải rà soát và đảm bảo nội dung áp dụng không trái với Luật XLVPHC” - PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp lưu ý.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Ngoài Điều 81 nêu trên thì pháp luật chưa quy định về hiệu lực thi hành của các văn bản hướng dẫn luật hoặc pháp lệnh khi luật hoặc pháp lệnh hết hiệu lực pháp luật. 

Do đó, chưa có cơ sở pháp lý để cho rằng khi Pháp lệnh XLVPHC hết hiệu lực thì các NĐ, thông tư hướng dẫn thi hành pháp lệnh cũng hết hiệu lực thi hành, nếu chưa thỏa mãn một trong ba điều kiện nêu trên. Vậy nên các địa phương vẫn có thể tiếp tục xử phạt theo các NĐ đang có để duy trì nguyên tắc việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai... “Thế nhưng do luật có rất nhiều khác biệt so với pháp lệnh nên việc đối chiếu, thẩm tra để nội dung xử phạt không trái luật là điều không đơn giản, dễ dàng. Chính phủ cần nhanh chóng ban hành NĐ mới để việc xử phạt không khập khiễng, thậm chí có thể sai sót khiến người vi phạm không tâm phục, khẩu phục”.

Theo Pháp luật TP HCM

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Mức xử phạt vi phạm hành chính có thể lên đến 2 tỷ đồng

Thứ 5, 20/06/2013 | 13:36
Ngày 1/7 tới Luật xử lý vi phạm hành chính sẽ bắt đầu có hiệu lực. Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa tăng lên đến 2 tỷ đồng. Tuy nhiên luật cũng quy định những trường hợp ngoại lệ không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Quy định về lập biên bản vi phạm giao thông

Thứ 2, 27/05/2013 | 00:00
Bà Lê Thị Trang Dung (letrangdung_92@...) hỏi: Việc lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định như thế nào? Có phải được thực hiện ngay sau khi có giấy tạm giữ giấy tờ lái xe?

'Chưa có trường hợp nào vi phạm bị xử lý hình sự'

Thứ 7, 06/04/2013 | 11:43
Thời gian qua, hiện tượng gian dối, lừa đảo, giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng trong hoạt động công chứng có chiều hướng gia tăng với mức độ tinh vi và ngày càng phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan chức năng.