Tiết lộ món khoái khẩu không thể thiếu của nhà văn Lê Lựu

Tiết lộ món khoái khẩu không thể thiếu của nhà văn Lê Lựu

Thứ 2, 27/05/2013 | 16:56
0
Anh khoái ăn đậu phụ đến mức khi nghi bị tiểu đường, bác sĩ khuyên ăn kiêng và nên ăn nhiều đậu phụ thì anh tủm tỉm: "Tưởng khuyên gì chứ khuyên ăn đậu phụ với tớ là thừa".

Dù đi ăn ở bất cứ đâu, quán cơm bụi vỉa hè, khách sạn 5 sao hay nhà bè bạn, anh em, Lê Lựu thường chăm chăm vào đĩa đậu phụ. Anh khoái ăn đậu phụ đến mức khi nghi bị tiểu đường, bác sĩ khuyên ăn kiêng và nên ăn nhiều đậu phụ thì anh tủm tỉm: "Tưởng khuyên gì chứ khuyên ăn đậu phụ với tớ là thừa". Có lần tôi về quê anh, nơi có món đậu phụ phủ Khoái Châu khá nổi tiếng, anh gắp cho tôi đầy bát khiến tôi nhìn các món khác mà tiếc ngẩn, tiếc ngơ.

Tuy là người dễ ăn nhưng Lê Lựu không thích những món thuộc hàng cao lương mỹ vị. Đặc biệt là bơ sữa và các kiểu ăn Tây. Một lần tháp tùng chủ tịch phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đi công tác, được bố trí ở khách sạn 5 sao, ăn ở mấy trăm USD/ngày, Lê Lựu rất chán và... tiếc: "Giá họ cứ cho mình ăn cơm canh cua, đậu phụ rồi... đưa cho ít tiền tiêu vặt thì có phải tốt không. Đằng này...".

Lần ấy về, anh gầy đi mấy ký. Và vừa về đến Hà Nội, anh đã gọi tôi đi ăn bún mắm tôm, đậu phụ. Anh ăn một cách miệt mài, cần mẫn và say mê. Ăn xong, buông bát, vớ tờ giấy lau xoẹt hai bên mép rồi ngửa mặt kêu lên: "Ngon, ngon thật. Sao bọn khách sạn nó không đưa món này vào thực đơn nhỉ?".

Sau này, khi đã là ông tổng giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân. Nghĩa là đã có ô tô riêng, trụ sở riêng và cả đoàn người giúp việc, Lê Lựu vẫn không bỏ được cái cách ăn đã ngấm vào máu thịt.

Một lần đến thăm anh, vẫn thấy trên mặt bàn vị tổng giám đốc bát thịt nấu lõm bõm, màu sền sệt vàng nổi lều bều bên trên vài miếng mỡ trắng nhởn. Và cạnh đó là một bát mắm tôm chấm dở vẫn còn vương vài sợi bún, mấy hạt chanh, dăm miếng ớt cùng với mấy chiếc lá kinh giới, tía tô.

Nhân vật - Tiết lộ món khoái khẩu không thể thiếu của nhà văn Lê Lựu

Nhà văn Lê Lựu (hàng đầu, ngồi giữa) năm 1984

Có một thời gian Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tổ chức nấu ăn cho anh em (không biết giờ còn không) để Lê Lựu đỡ buồn. Mỗi buổi sáng, cô cấp dưỡng thường lên cái "thực đơn" đi chợ trình lên tổng giám đốc.

Những lần đầu, do chưa biết tính ăn, nết uống nên cô cấp dưỡng không đưa món đậu phụ vào. Thế là Lê Lựu lầu bầu: Có cái món ngon nhất thì lại không đưa vào. Trình độ phục vụ con bé này rất kém. Miệng nói, tay Lê Lựu lấy chiếc bút viết ngay trên đầu "thực đơn" hai chữ: ĐẬU PHỤ! Không dừng ở đó, vị giám đốc còn ký một chữ rõ to rồi tiện tay vớ con dấu "của nhà trồng được" treo cộp trên đầu.

Có thời điểm Lê Lựu còn ăn trầu. Trên bàn làm việc của Tổng Giám đốc Văn hóa Doanh nhân Lê Lựu lúc nào cũng sẵn một khay trầu thuốc còn ông Tổng giám đốc Văn hoá doanh nhân thì luôn miệng vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa... a lô di động.

Quán bia cỏ và khay trầu thuốc Lê Lựu rất mê bia hơi. Không ít lần có người mời đi nhà hàng sang trọng nhưng Lê Lựu lại từ chối. Anh thích nhất là ngồi uống bia với người bạn tri kỉ cùng quê là PGS. TS Lê Xuân Thục và nơi anh hay ngồi nhất là cái quán bia thương binh dưới gầm cầu trên đường Phùng Hưng. Những cốc bia vàng õng ẹo, giá 1.500đ/cốc, bọt to như hạt ngô.

Không hiểu sao quán rất đông và đủ mọi hạng người. Từ bác xe ba gác, ông xe ôm nhưng cũng nhiều vị như nhà văn Lê Lựu và PGS.TS Lê Xuân Thục. Đặc biệt là trong số họ, rất nhiều người quen biết nhau.

Thì ra đây là nơi tụ tập của những người từng một thời là đồng đội của nhau. Họ nói đủ chuyện nhưng rồi cuối cùng bao giờ cũng quay về đề tài người lính quan tâm. Và họ quen nhau, thậm chí thân nhau cũng theo kiểu rất lính. Có khi chỉ cần vài câu hỏi như ngày đó ở chiến trường nào? Đơn vị nào? Có biết thằng ấy, thằng nọ không?... Thế là lát sau, họ trở thành bạn.  

Có lần tôi hỏi, sao anh không uống bia chỗ khác. Lê Lựu bảo: "Thôi, uống cho nó. Cậu ấy (chủ quán) thương binh, tức là đồng đội của mình". Giời ạ, thiên hạ tìm chỗ ăn, chỗ uống là cốt ngon, cốt rẻ nhưng Lê Lựu lại cốt cái tình. Cái tính Lê Lựu là thế.

 Lê Lựu rất thích nhậu nhoẹt, bù khú nhưng anh không phải là kẻ phàm ăn, tục uống. Hình như việc ăn uống với anh chỉ có hai mục đích. Một là nói như Trần Đăng Khoa: "Nạp thêm nhiên liệu cho máy móc vận hành". Và hai là để vui bè bạn.

Có lần Lê Lựu đã ngồi vào mâm, cơm đã xới, canh đã múc, cả đĩa thịt gà béo ngậy đã được bê lên và một chai bia đã mở. Thế nhưng, thấy tôi đến rủ đi ăn cơm bụi, anh liền buông bát đũa, xách cái túi - đi. Hình như anh thèm cái không khí hàng quán, cái hơi thở của đời sống xã hội hơn là cái sự thèm ăn uống. (Còn nữa)                     

Bùi Hoàng Tám 

Chuyện 'cờ bạc' và món khoái khẩu phở 'bốc mả' của Lê Lựu

Chủ nhật, 19/05/2013 | 05:47
Báo điện tử Người Đưa Tin đăng bài viết của nhà thơ Bùi Hoàng Tám kể về vài kỷ niệm vui, để chia sẻ với nhà văn Lê Lựu trong những ngày điều trị bệnh tật...

Cuộc đời khốn khổ của nhà văn Lê Lựu

Thứ 5, 02/05/2013 | 09:31
Tác giả ‘Thời xa vắng’, ‘Sóng ở đáy sông’ đang sống những tháng ngày mà bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm, chuyện buồn quá khứ nhiều hơn hy vọng.