Phí lưu hành phương tiện là phù hợp cho từng đối tượng?

Phí lưu hành phương tiện là phù hợp cho từng đối tượng?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
– Trong buổi đối thoại trực tuyến, liên quan đến phí lưu phương tiện, bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết , Bộ Giao thông đã có tính toán rất kỹ, không cào bằng, tính đến thực tế của giao thông, mức thu nhập của người dân, nhu cầu đi lại và kinh nghiệm các nước...

Chiều qua 12/1, trong cuộc đối thoại tại cổng thông tin chính phủ bộ trưởng Đinh La Thăng đã trả lời hàng loạt những thắc mắc liên quan đến những vấn đề nóng của ngành giao thông hiện nay.

Thu phí đường bộ: Không làm ngược quy trình

Liên quan đến công tác thu phí đường bộ, trả lời câu hỏi của độc giả tại sao Bộ Giao thông Vận tải làm quy trình ngược, trình Chính phủ rồi mới hỏi ý kiến người dân như ông chánh văn phòng Bộ mới thông báo, bộ trưởng cho biết: Để trình đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, Bộ Giao thông đã dựa trên một số căn cứ:

Thứ nhất, căn cứ vào báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vừa qua. Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có báo cáo về các giải pháp cấp bách giảm thiểu, kiềm chế tai nạn giao thông và xử lý ùn tắc tại các thành phố lớn.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và căn cứ vào kết quả trả lời chất vấn, Quốc hội đã ra Nghị quyết, trong đó có nội dung thông qua các giải pháp của Chính phủ. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có kết luận, giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng đề án trình Chính phủ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Pháp lệnh về phí và lệ phí.

Như vậy, tính pháp lý của đề án là đầy đủ. Đây không phải là sáng kiến mới mẻ của Bộ. Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Đây không phải là quy trình ngược”.

Giải trình về mức phí lưu hành phương tiện, bộ trưởng Thăng cho biết: “Bộ Giao thông đã có tính toán rất kỹ, không cào bằng, tính đến thực tế của giao thông, mức thu nhập của người dân, nhu cầu đi lại và kinh nghiệm các nước… Mức phí lưu hành xe máy chia làm 2 loại, loại dưới 175 phân khối mức 500.000 đồng một năm, như vậy mỗi tháng khoảng 46 nghìn đồng, tương đương khoảng 2 lít xăng. Theo Bộ Giao thông mức này là phù hợp. Với loại xe trên 175 phân khối, mức phí là 1 triệu đồng.

Với xe ô tô, mức thu là 20 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, như vậy một tháng chưa đến 2 triệu đồng và chúng tôi cho rằng phù hợp với người sử dụng loại phương tiện này. Với xe từ 2000 đến 3000 phân khối, mức thu là 30 triệu đồng và trên đó thì mức phí lại cao hơn. Chúng tôi dự kiến có phân chia thành các mức phí như vậy cho phù hợp với từng đối tượng.

Vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông cũng được chú ý khi bộ trưởng Thăng đã báo cáo Quốc hội và được Quốc hội thông qua mục tiêu năm 2012 sẽ giảm từ 5-10%.

Bộ trưởng Đinh La Thăng tái khẳng định đây là nghị quyết của Quốc hội trong năm 2012 tai nạn giao thông phải giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2011. Vì vậy, đã là Nghị quyết của Quốc hội thì toàn dân phải thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và với sự ủng hộ, đồng lòng của toàn dân thì sẽ thực hiện được.

Liên quan đến việc Bộ Giao thông nhận trách nhiệm về những vụ cháy nổ xe gần đây, có độc giả thắc mắc về lộ trình giải quyết vấn đề, bộ trưởng Thăng cũng cho biết thêm: Hiện nay Bộ Công an đã vào cuộc điều tra các vụ cháy, nổ xe này để xử lý. Nhưng như tôi nói, về mặt lâu dài, Bộ Giao thông vận tải với trách nhiệm được Chính phủ giao là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Khi kiểm tra và nhận thấy các quy định trong lĩnh vực này còn có khoảng trống, chúng tôi đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát lại toàn bộ, đề xuất sửa đổi, bổ sung để các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, bao quát được các giai đoạn từ sản xuất, lắp ráp, đưa vào lưu thông, vận hành, quy định bắt buộc về bảo dưỡng, sửa chữa, về các trạm bảo dưỡng, sửa chữa…

Sau khi có quy định và tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện, tôi nghĩ các hiện tượng có xảy ra cũng quy được trách nhiệm, và khi quy được trách nhiệm sẽ có tác động ngược trở lại, hạn chế các hiện tượng trên. Dĩ nhiên, có những trường hợp bất khả kháng không thể quy trách nhiệm như chuột cắn dây, dẫn dến rò xăng và gây cháy thì chúng ta phải chấp nhận”.

Nhịp sống - Phí lưu hành phương tiện là phù hợp cho từng đối tượng?

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Bộ trưởng Thăng đón Tết ở công trường

Ngoài trả lời những câu hỏi xuay quanh các vấn đề nóng về giao thông, bộ trưởng Đinh La Thăng còn trả lời rất nhiều những câu hỏi thú vị khác của độc giả. Độc giả ở địa chỉ oanh87... có hỏi, bộ trưởng có sợ mất chức không khi đưa ra những giải pháp quyết liệt như vậy?

Ông vui vẻ trả lời: “Sau 5 tháng làm bộ trưởng, tôi rất mừng là các giải pháp đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, của xã hội và đặc biệt là sự quyết liệt, đồng thuận cán bộ, công nhân viên chức ngành giao thông vận tải, dù cũng xin nói lại là các giải pháp này đã được đặt ra từ 10 năm nay, nhưng không ai làm và tôi chưa có sáng kiến gì cả.

Về việc sợ có mất chức không, tôi xin trả lời như sau: Vừa rồi, chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường có chuyển cho tôi bức thư ngỏ của một người nông dân gửi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Bức thư viết: Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi ủng hộ các biện pháp quyết liệt vừa rồi của ông, mong ông tiếp tục duy trì. Nếu vì lý do gì đó, Quốc hội có phế truất, không cho ông làm bộ trưởng nữa, thì ông hãy về với chúng tôi, chúng tôi sẽ bầu ông làm trưởng thôn”.

Cho nên, tôi hết sức thanh thản, làm được gì cho đất nước, cho ngành, tôi sẽ hết sức làm, theo như lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân cho nước thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân cho nước thì hết sức tránh".

“Rõ ràng bộ trưởng cũng đã có kế hoạch đi đón Tết ở các công trường. Giả sử ông thực hiện được kế hoạch đó thì những cán bộ cấp dưới của ông cũng phải đi theo, cũng phải làm việc. Ông có sợ họ buồn không?” – câu hỏi của độc giả gửi bộ trưởng Thăng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: “Thực ra, lãnh đạo đi ít nhất phải có 1,2 người đi cùng, không phải để cho vui, mà đi cùng là để làm việc. Không có lý do gì mà người lãnh đạo cao nhất còn làm việc mà cán bộ cấp dưới lại không, trừ những hoàn cảnh gia đình… thì ưu tiên cho họ.

Điểm được nhất của ngành Giao thông như tôi nói trong những tháng vừa qua là sự đồng lòng, nhất trí, hết lòng hết sức vì công việc, trách nhiệm được nâng cao, ngọn lửa nhiệt tình vì công việc đã được thắp lên từ những cán bộ công nhân lao động cho tới lãnh đạo ngành. Tôi nghĩ họ không có gì phải buồn, hơn nữa đi ăn Tết với bộ trưởng cũng là cái Tết có ý nghĩa, cũng vui chứ không có vấn đề gì. Nhất là được gặp những người trực tiếp đang làm việc, chẳng nhẽ mình nghỉ, người ta đi làm, mình vui còn người ta buồn? Không phải, trong lao động cũng có niềm vui?”.

H. Thanh