Phía sau tấm HC vàng của Việt Nam tại ASIAD 2010

Phía sau tấm HC vàng của Việt Nam tại ASIAD 2010

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Năm 2010 được coi là một năm không thành công của thể thao Việt Nam. Bóng đá để lại trong lòng người hâm mộ nhiều nuối tiếc, ASIAD 16 tại Trung Quốc chúng ta không đạt chỉ tiêu huy chương vàng.

Ngày thi đấu cuối cùng của đoàn Việt Nam, nỗ lực của thầy trò huấn luyện viên (HLV) Lê Công đã được bù đắp khi Lê Bích Phương đoạt huy chương vàng (HCV) duy nhất, trong niềm vui vỡ òa.

Lê Bích Phương trong màu áo đội tuyển quốc gia

Mang toán học vào võ thuật

Trước khi lên đường tới Quảng Châu, niềm hy vọng vàng của karate Việt Nam đặt vào Vũ Thị Nguyệt Ánh. HLV Lê Công khẳng định: "Tôi mang toán học vào trong võ thuật. Tôi không bao giờ chỉ đặt niềm tin vào một người mà tôi xây dựng 5 người”.

Để thực tế, lấy xác suất toán học từ rộng vào hẹp. Chính Phương trước khi sang Quảng Châu vẫn còn bị thua đồng đội tại nhà. Nhưng HLV Lê Công vẫn quyết định chọn Phương vì tin những điểm yếu của em có thể khắc phục được. Cái hay của người cầm quân là tiên liệu được trước vấn đề.

HLV Lê Công tâm sự: "Chỉ với ba phút đã đưa Lê Bích Phương thành anh hùng, nhưng trước đó là cả những lo lắng và trách nhiệm. “Chỉ tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam là giành 4-6 HCV tại ASIAD nhưng đến ngày thi đấu cuối cùng cả Đoàn vẫn lỗi hẹn, những giọt nước mắt đầy tiếc nuối rơi trên khuôn mặt HLV, VĐV. Chỉ riêng karate, lẽ ra Nguyệt Ánh đã giành HCV nhưng bị xử ép đành chịu nhận HCB. Nước mắt nghẹn ngào chảy trên khuôn mặt vốn rất cương nghị và ít bộc lộ cảm xúc như Lê Công. Sau tiếc nuối đó, niềm hy vọng đoạt HCV gần như "cháy".

Lê Bích Phương vào trận đấu nghẹt thở. Nắm được điểm yếu của võ sĩ người Nhật, HLV Lê Công chủ động cho học trò "vờn" đối phương, chờ cơ hội để phản công. Nhưng chưa qua phút đầu, võ sĩ người Nhật đã ghi điểm.

Kịch bản bị vỡ, HLV Lê Công hô học trò áp sát, ra đòn gỡ hòa 1-1. Tiếp tục quay lại chiến thuật cũ, sang đến phút thứ 3 thì võ sĩ người Nhật bắt đầu có dấu hiệu mất bình tĩnh. Bởi lẽ, cô ta mạnh hơn Phương nên tinh thần căng thẳng hơn khi không ghi điểm.

Lợi dụng tâm lý đó, Phương ra đòn chân ghi thêm 3 điểm. Tuy nhiên, chiến thắng đến cũng thật khó khăn khi võ sĩ Nhật gỡ 2 điểm. Chung cuộc Lê Bích Phương thắng 4-3. Lê Bích Phương đoạt HCV, cơn khát vàng được giải tỏa.

Tất cả Đoàn Thể thao Việt nam vỡ òa trong niềm vui sướng. HLV Lê Công nhớ lại giây phút đó: "Cả Đoàn òa lên nhưng cũng bởi một lẽ, thi đấu ở Quảng Châu (Trung Quốc) họ tổ chức quá quy mô. Nhiều VĐV mình đến đấy thấy choáng, có người còn nói nhỏ với tôi: “Thi đấu với người khổng lồ. Tôi nhìn họ mạnh, tôi biết nhưng không tôn vinh họ đến mức sợ sệt và tôi truyền tinh thần ấy cho học trò của mình".

Nói về thành công của mình và các học trò, ông khẳng định: "Tôi làm võ thuật bằng cảm xúc, bằng phiêu cộng với hành động. Với tôi võ thuật cũng được coi như nghệ thuật. Tôi truyền cảm hứng cho học trò của mình như vậy. Đêm trước, Ánh bị thua, tôi buồn đến chảy nước mắt. Tôi quay sang gây dựng cho Thành. Vào trận Thành cũng thua. Tôi chuyển sang xây dựng cho Phương. Tôi luôn phải điều chỉnh để làm sao đạt kết quả tốt nhất. Lê Bích Phương dưới sự chỉ đạo của HLV đã bóc tách từng trận thắng và đi đến trận chung kết".

"Tôi làm võ thuật bằng cảm xúc!"

Nhìn lại thành công của karate Việt Nam tại các kỳ ASIAD, HLV Lê Công khẳng định: "ASIAD 16- Quảng Châu không phải là sự lóe sáng của karate mà đó là sự khẳng định, sự tỏa sáng thực sự. Vì thực tế chứng minh, tôi đã cầm quân 4 lần tham dự ASIAD và lần nào karate cũng có vàng. Đặc biệt thành công đều với những nhân tố mới, đó là quá trình chúng tôi phải chuẩn bị". Tôi được biết, HLV Lê Công đã 17 lần cầm quân tham gia các trận đánh lớn trên đấu trường châu á và khu vực Đông Nam á nhưng chưa lần nào chịu trắng tay. Chuyến ra quân nào ông cũng đạt hoặc vượt chỉ tiêu về HCV.

Chia sẻ những suy nghĩ sâu kín nhất, HLV Lê Công cho rằng, trong thi đấu thể thao phải có phần may mắn. Nhưng quyết định phải là sự cố gắng của chính bản thân mình. May mắn cũng có thể là duyên, mà đến được với nhau cũng là nhờ hữu duyên.

Nhìn nhận về cô học trò nhỏ này, HLV Lê Công nói: "Sự cảm nhận ban đầu của tôi về Phương là sự có duyên. Nhiều người đã lầm tưởng Phương là con gái của tôi vì cả thầy -trò đều mang họ Lê. Phương không phải là VĐV đã hoàn thiện, nhưng Phương biết nghe và tuân thủ sự chỉ đạo”.

Nhớ lại khi Phương thắng, theo quy định làm test - doping lúc ấy HLV Lê Công vào họp báo quốc tế nên thi đấu xong mà không thấy ra khiến ai cũng lo lắng. Khi thầy trò Lê Công xuất hiện, tất cả phóng viên, cổ động viên (những du học sinh ở Quảng Châu) đổ cả ra chào đón.

Có người nói: Lê Công có tâm nên thành công. Khi phỏng vấn báo đài trong nước và quốc tế, cả VĐV, CĐV hô vang chiến thắng.

Thực tế, có nhiều VĐV không phải của đoàn Quân đội, khi thấy các em có tài, giành được giải thưởng nhưng điều kiện địa phương không phát triển được, các em định bỏ dở sự nghiệp thì ông thường tìm cách động viên, tạo điều kiện cho các em tập luyện. Trong số đó có không ít người đoạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế.

Mặc dù đã có thành tích, nhưng HLV Lê Công vẫn khẳng định, từ đầu năm 2011 đội tập trung thì sẽ đi vào sửa khuyết điểm và nâng cao khả năng sẵn có của Phương. Còn với Phương, giờ đã là một trung úy trong quân đội, tiếp bước những anh chị đi trước. Bằng lòng yêu thể thao, ngưỡng mộ với người thầy, Lê Bích Phương sẽ còn cố gắng nhiều để tiến xa hơn nữa.

Vương Hà