Phim Việt cần tránh lạm dụng cảnh nóng thái quá

Phim Việt cần tránh lạm dụng cảnh nóng thái quá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
– “Cảnh nóng rất hút khách khi trở thành chiêu bài PR, nhưng việc lạm dụng chúng trước khi bộ phim trình chiếu phần nào khiến công chúng có cái nhìn sai lệch về tác phẩm”, ông Trịnh Vân, GĐ TT Chiếu phim và Nghiên cứu thị hiếu khán giả điện ảnh cho biết.

Vừa qua, dư luận xôn xao khi bộ phim "Bẫy cấp 3" của đạo diễn Lê Văn Kiệt bị "tuýt còi" khi chưa kịp công chiếu. Phim trở nên nổi tiếng không phải vì nội dung tốt hay kĩ xảo hiện đại mà vì đây là bộ phim bị "hớ". Sau khi quảng cáo "rùm beng" và công bố lịch ra rạp vào ngày 18/5 thì ngày 7/5, Cục Điện ảnh ra quyết định cấm phổ biến. Đây là bộ phim thứ 4 bị "thiết quân luật" kể từ đầu năm đến nay. Xung quanh vấn đề này, PV Nguoiduatin.vn có cuộc trao đổi với ông Trịnh Vân, giám đốc trung tâm Chiếu phim và Nghiên cứu thị hiếu khán giả điện ảnh (Fafilm Việt Nam).

Sự kiện - Phim Việt cần tránh lạm dụng cảnh nóng thái quá

Một cảnh trong phim “Bẫy cấp 3”.

Lạm dụng cảnh nóng để câu khách

Thời gian vừa qua, dư luận "sốt xình xịch" khi một số bộ phim được quảng cáo "rùm beng" với những cảnh nóng bị cắt sạch sẽ so với phần trailer nóng bỏng mà nhà làm phim từng mời gọi khán giả. Thậm chí, lịch chiếu đã được dọn sẵn lại bị cấm phổ biến vì nội dung không phù hợp. ông có bình luận gì về thực tế này?

Theo tôi, việc sử dụng cảnh nóng để PR mạnh cho phim trước khi ra rạp đã trở thành một thông lệ tại Việt Nam. Các thủ tục kiểm duyệt chỉ được áp dụng khắt khe ở bản phim chính thức, còn với trailer, teaser thì gần như thả nổi. Điều đó dẫn đến chuyện hàng loạt hãng sản xuất có thể tùy nghi đưa luôn những cảnh nóng vào trước khi nguy cơ bị cắt bỏ xảy ra.

Theo quy định, những cảnh nào sẽ bị cắt trong quá trình kiểm duyệt, thưa ông?

Khâu duyệt phim của ngành điện ảnh Hội đồng duyệt phim Quốc Gia phụ trách. Trong quy định kiểm duyệt phim, những cảnh bạo lực, chém giết đẫm máu hay những cảnh quá gợi dục, gợi cảm sẽ chỉ được trình chiếu trong vòng vài giây, nếu quá thời lượng cho phép sẽ bị cắt. Những vấn đề dễ gây "phạm húy", gợi những yếu tố rùng rợn, gây phản cảm, trái ngược với "thuần phong mỹ tục" sẽ rất dễ bị "soi" và khó được chấp nhận. Chính vì thế có phim bị cắt nhiều, có phim bị cắt ít, thậm chí cắt hết không cho phát hành.

Điểm sơ qua danh sách những phim nội đã, đang và sẽ trình chiếu từ điện ảnh cho đến cả truyền hình sẽ thấy cơn sốt "mát mẻ" đang thịnh hành ở ta, gần như ở đâu cũng có. Việc quá lạm dụng những cảnh nóng này sẽ gây những hậu quả gì, thưa ông?

Rõ ràng, những cảnh đầu rơi máu chảy, chuyện phòng the càng ngày càng bị lạm dụng quá nhiều để câu kéo khách. Tuy nhiên, mọi thứ đều có mặt trái của nó, được cái này thì phải mất cái kia, cảnh nóng rất hút khách khi trở thành chiêu bài PR, nhưng việc lạm dụng chúng trước khi bộ phim trình chiếu phần nào khiến công chúng có cái nhìn sai lệch về tác phẩm. Một lượng khán giả nghiêm túc sẽ nghĩ ngay rằng đó là thể loại câu khách rẻ tiền, trong khi số khác thì hăm hở chờ ngày mua vé xem cảnh nude, nóng, sex, sốc.

Khâu kiểm duyệt lộ kẽ hở?

Những kiểu quảng cáo kiểu "treo đầu dê bán thịt lừa" này liệu có phải là đánh lừa khán giả không, thưa ông?

Nhiều hãng phim làm công tác quảng cáo trước khi bộ phim được duyệt nên xảy ra chuyện quảng cáo một đằng mà phim một nẻo. Quảng cáo chỉ có vài phút nên người ta chọn lấy cảnh được cho là hấp dẫn nhất. Họ trích đoạn để làm quảng cáo nhưng lúc kiểm duyệt lại bị hội đồng cắt mất. Việc tự "xếp lịch" và quảng bá trên các phương tiện như vậy là vừa vi phạm pháp lệnh quảng cáo vừa vi phạm Luật điện ảnh.

Một số bộ phim với những cảnh này vẫn "lọt lưới" đến với công chúng. Vậy theo ông, liệu khâu kiểm duyệt của chúng ta có kẽ hở không?

Hiện tại, các hãng quá dễ dãi trong việc nhập và làm phim. Điều này dẫn đến tình trạng trên thị trường xuất hiện nhiều loại phim "lung tung". Từ đài truyền hình đến các hãng tư nhân, tất cả đều thi nhau nhập và làm phim và ở mỗi nơi lại có cách kiểm duyệt khác nhau. Thực tế, có thể quá trình kiểm duyệt làm lọt một vài bộ phim nhưng đó chỉ là thiểu số. Thường thì phim đã qua được "cửa" của Hội đồng kiểm duyệt thì khá khắt khe, nếu những cảnh như thế vẫn được chiếu thì Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần vào cuộc.

Có những bộ phim bị "tuýt còi" không được công chiếu nhưng thực tế vẫn in thành đĩa DVD rồi bày bán ngoài thị trường. Điều này có phù hợp với quy định không thưa ông?

Rõ ràng, đây là hình thức phạm luật. Ở nước ta, việc phạm luật như thế vẫn đầy rẫy. Nhà nước hiện vẫn khó khăn trong việc quản lý. Tôi cho rằng đơn vị sản xuất hay đơn vị phát hành bộ phim này đủ tỉnh táo để không đi từ vi phạm này đến vi phạm khác.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Xuân