"Phở Bắc Hà còn! Phở Hà Nội còn! Tiếng Việt còn!"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
"Tôi nhìn quanh, thấy khách ăn là người Mỹ, người Âu, người Phi... họ ăn phở một cách hào hứng, sung sướng, toát cả mồ hôi ra, tôi thấy vui thích quá! Chao ôi là phở Việt Nam! Chao ôi là phở Hà Nội! Văn minh là đấy chứ còn gì nữa. Tự hào dân tộc là đấy chứ còn gì nữa! Phở Bắc Hà còn! Phở Hà Nội còn! Tiếng Việt còn!"

Khi xem Nguyễn Việt Hà "bàn thêm về quà phở của người Hà Nội" trên TPCN mấy người sành quà phở Hà Nội khen thầm: Cha này mới ăn một phần mười quà phở mà đã bàn vung cả lên, cũng là hăng! Quả là tuổi trẻ tài cao!. Tiếc là Nguyễn Việt Hà chưa nói gì đến Phở Vui ở phố Hàng Giầy, Phở Thắng ở Tạ Hiền, Phở Thìn ở Bờ Hồ, Phở Tư Lùn ở Hai Bà Trưng, Phở Chất ở Khâm Thiên, Phở Nguyên Hồng ở Láng Hạ, Phở (hay Photo?) Nguyễn Tuân ở cầu Hà Đông, Phở Xe Lửa ở San José v.v... Mỗi hàng phở đều có vị riêng, cái vị riêng ấy làm nên nét độc đáo của người Hà Nội. Từ phở bàn sang văn, sang đạo cũng là chuyện thường. Sang đến đạo không phải ai cũng làm được. (Trong văn chương Việt Nam, Nguyễn Tuân đã thử làm nhưng phở vẫn hoàn... phở).

Xã hội - 'Phở Bắc Hà còn! Phở Hà Nội còn! Tiếng Việt còn!'
Đạo cái thể của nó là không, huyền diệu vô cùng, mà cái dụng của nó là hữu, lớn lao vô cùng!

Ra ngoài thế giới, món ăn Việt Nam nhất, ăn được nhất, thậm chí có thể địch với vịt quay Bắc Kinh, bít-tết Pháp, bánh mì kẹp thịt Mắc Đô-nan, pi-da Italia, cơm ca-ri ấn Độ v.v... có lẽ chỉ có món phở mà thôi. Tôi đã ăn phở ở Mỹ, biển hiệu đề Phở Hà Nội Việt Nam có ba loại: tô nhỏ, tô thường, tô xe lửa; bánh phở trắng và mềm, thịt bò chín và thơm, nước dùng ninh xương trong văn vắt, bên cạnh có thêm một đĩa rau húng, rau thơm với giá đỗ, đường trắng, tương ớt, tương chưng, ớt xanh thái lát; mới trông mà đã thấy nước miếng ứa ra, bỗng thấy Việt Nam quá, thấy yêu nước vô cùng, tự hào dân tộc vô cùng! Lúc ấy tôi rất cảm động. Tôi nhìn quanh, thấy khách ăn là người Mỹ, người Âu, người Phi... họ ăn phở một cách hào hứng, sung sướng, toát cả mồ hôi ra, tôi thấy vui thích quá! Chao ôi là phở Việt Nam! Chao ôi là phở Hà Nội! Văn minh là đấy chứ còn gì nữa. Tự hào dân tộc là đấy chứ còn gì nữa! Phở Bắc Hà còn! Phở Hà Nội còn! Tiếng Việt còn! Chúng ta cứ ăn phở, cứ vui chơi, cứ đọc sách văn học, chúng ta chưa phải lo lắng gì đến như ông Lỗ Tấn: Hãy cứu lấy trẻ con!

Thực ra, nếu Nguyễn Việt Hà là ông Phở Vui ở phố Hàng Giầy thì không có gì phải bàn nhiều về phở. Ông Vui năm nay 76 tuổi, làm phở từ tuổi thiếu niên, sống qua ba chế độ, đi từ gánh phở mà lên. Hỏi về phở, ông Vui không nói gì nhiều, chỉ nói:

- Tôi chỉ quan tâm đến người ăn phở!

- Thế người làm phở?

Ông Vui nghĩ một lúc rồi nói:

- Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...

Giời ạ! Thế là bố này lại từ chuyện phở chuyển sang chuyện văn, chuyện đạo mất rồi!

Có lẽ phở nguyên thủy rất đơn sơ. Trải qua năm tháng thương hải tang điền (bãi bể nương dâu) phở trở nên đa dạng phong phú hơn, sinh động hơn nhưng cũng dung tục hơn. Đi qua các phố Hà Nội, chúng ta thấy đã từng có phở gà chặt miếng phố Tôn Đức Thắng, phở ngẩu pín Lò Đúc, phở đậu phụ Cầu Giấy, phở sốt vang Giảng Võ, phở mọc, phở trứng, phở tim lợn phố Lê Văn Hưu v.v... Rất nhiều chợ cóc mọc lên, nhiều hàng phở mọc lên. Họ nấu phở tựa như... lẩu phở, thậm chí tựa như... lẩu chó. Đáng ngạc nhiên là loanh quanh thế nào mà phở của họ vẫn cứ mở hàng được dù là chất phở của họ thật chẳng ra gì.

Vậy chúng ta nghĩ thế nào về câu nói của ông Vui:

- Tôi chỉ quan tâm đến người ăn phở...

Sau đây là hình ảnh của một người ăn phở có danh (nhà văn Lê Lựu). Cung cách ăn phở của nhà văn được nhà thơ Trần Đăng Khoa tả lại như sau: Lê Lựu hay viết về đêm. Trước khi ngồi vào bàn, anh thường đảo qua phố, làm bát phở nóng gọi là nạp thêm nhiên liệu cho máy móc vận hành... Lê Lựu đặc biệt thích những bát phở mà anh gọi là phở bốc mả. Đó là bát phở cuối cùng trong ngày, nước phở đậm, đặc ngẫn những... cấn nồi. Bà chủ quán xem ra đã quá quen khẩu vị Lê Lựu, có lẽ nghĩ anh là ông xế lô sau một ngày chở khách mệt nhọc, nên bốc cho anh một đống xương xẩu cổ cánh không tính tiền, rồi đổ ào thùng nước rửa bát ra mặt đường, chồng bốn chân ghế lên mặt bàn, phủ tấm vải nhựa xanh nồng đượm mùi nước mắm, dấm tỏi. Lê Lựu tỏ ra rất khoan khoái. Gương mặt nhom nhem những râu bừng bừng sung mãn như một người vừa trúng xổ số. Về nhà, tôi (tức Trần Đăng Khoa) lăn ra ngủ, còn anh thì vục mặt vào bàn uỳnh uỵch viết. Thỉnh thoảng tỉnh giấc, tôi vẫn thấy phòng bên có tiếng rít điếu cày òng ọc. Lê Lựu vẫn đang lặn ngụp bì bõm, xẻ xắn từng khối chữ vật lên trang giấy. Thấy anh có vẻ bắt được mạch truyện, tôi đã mừng. Sáng hôm sau tôi lần sang phòng anh, đòi nghe thử. Mắt Lê Lựu đỏ kè:

- Nghe cái quái gì. Tao làm hỏng bố nó rồi. Không ngửi được. Chữ bò lổm ngổm như kiến đen, nhưng chẳng có hồn vía gì. Đọc cứ bở ra. Tức thế chứ!

Rồi Lê Lựu càu nhàu, tiếc bát phở đêm qua đổ vào hang chuột, đổ vào cái lỗ giời ơi đất hỡi. (Trần Đăng Khoa Chân dung và đối thoại bình luận văn chương trang 81).

Hình ảnh nhà văn Lê Lựu ăn phở thật là... bi tráng! Công việc viết văn vất vả như đi cày. Nhà văn tựa như lực điền. Văn chương quả là một việc khó chơi, nhất là chơi sao cho nhã!

Đọc bài viết của Nguyễn Việt Hà về phở của người Hà Nội thật thú vị, thấy giống như một cái vung tay của bậc cao thủ, lại biết tác giả là người viết cuốn tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, mừng cho văn học Việt Nam có thêm một cây bút mới.

Mong sao cho nhà văn Việt Nam có thêm nhiều sách hay, Hà Nội có nhiều phở ngon, việc học hành của trẻ con đỡ vất vả để khỏi lo lắng như ông Lỗ Tấn.

Nước ta xưa nay vốn có truyền thống văn chương ham học. Để kết thúc bài viết này xin mượn lời của Nguyễn Khuyến khuyên răn về chuyện học hành, văn chương cho nó có cổ, có kim:

Đen thì gần mực, đỏ gần son

Học lấy cho hay, con hỡi con!

Cái bút, cái nghiên là của quý

Câu kinh, câu sử ấy mùi ngon!

Vàng mua chứa để, vàng hay hết

Chữ bán dư ăn, chữ hãy còn

Nhờ Phật (hoặc Chúa) một mai nên đấng cả

Bõ công cha mẹ mới là khôn.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp