'Phố hình nhân' nhộn nhịp cuối năm

'Phố hình nhân' nhộn nhịp cuối năm

Thứ 6, 01/02/2013 | 08:53
0
Bắt đầu từ ngày rằm tháng Chạp, "phố hình nhân" lại tấp nập kẻ mua người bán. Với tâm lý "trần sao, âm vậy", nhiều gia đình chi hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng để sắm đồ vàng mã đốt (hóa) cho người đã khuất…

Nhiều năm trở lại đây, phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn được mệnh danh là "phố hình nhân", bởi gần như quanh năm suốt tháng, ở đây đều bán vàng mã, hình nhân thế mạng cho người cõi âm. Mặc cho những tác động về kinh tế, những ngày này, đến "phố hình nhân", nhiều người đã phải đứng "chôn chân" cả tiếng đồng hồ mới ra được, vì sự nhộn nhịp mua bán "đồ dành cho người âm".

Từ Iphone 5 đến trai... Hàn Quốc

Bắt đầu từ tháng Chạp, người dân thủ đô đã tấp nập mua các loại quần áo, mũ, dép, hương, nến để làm đồ lễ cuối năm. Dọc tuyến phố Hàng Mã, người mua đứng tràn cả xuống lòng đường để xếp hàng. Có người còn cẩn thận đặt trước cả tuần để được hàng đẹp, hàng tốt. So với hàng rong, đồ bày bán ở các phố này có chất liệu và mẫu mã, màu sắc đẹp hơn. Giá cả vì thế cũng đắt hơn.

Chị Nguyễn Thu Hiền (chủ một cửa hàng vàng mã trên phố Hàng Mã) cho biết: "Mấy ngày nay, khách đến mua hàng rất nhiều, thị trường hàng âm phủ ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm hơn: Từ nhà lầu, xe hơi đến xe đạp, nồi cơm điện, quạt bàn, đầu máy ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động... thậm chí cả người hầu trong nhà. Nhiều gia đình mang cả ô tô đến để mua và mang hàng về, khiến cho không khí của "phố hình nhân" này nhộp nhịp từ 9h sáng đến tận khuya...".

Trong vai một khách hàng quen, chúng tôi được chị Hiền bật mí, dạo này, các lực lượng chức năng đi tuần tra cũng nhiều nên phố này chỉ treo những hàng bình thường như vàng mã, tiền, hương, cây lộc ở bên ngoài, nếu có khách hỏi "hình nhân" hay các các đồ "hàng hiệu" như quần áo, ô tô, chung cư... mới đem hàng từ trong kho ra bán. Tùy theo độ "chịu chơi" của khách hàng, ở Hàng Mã có nhiều loại giá để khách lựa chọn. Chị Minh (người bán hàng ở phố Hàng Mã) cho biết: "Do nhu cầu của khách hàng nên các "nhà sản xuất" cũng biết cách chiều khách với nhiều mức giá phù hợp với từng đối tượng”.

Năm nay, ngoài các loại hàng thông thường như ngựa giấy, voi giấy, thì các loại đồ điện tử cao cấp cũng rất đắt hàng, từ Iphone 4GS, Iphone 5 đến các loại điện thoại Galaxy Sam Sung cũng được khách hàng hỏi nhiều. Ngoài ra, các loại hình nhân thế mạng cũng được yêu cầu đặt với số lượng lớn. Cuối năm là thời điểm nhiều gia đình làm lễ tạ ơn, cầu duyên để sang năm gặp may mắn nên nhiều cửa hàng giao hàng đến tận 10h đêm vẫn chưa hết khách.

Anh Minh (phố Hàng Mã) chia sẻ: "Khách có xu hướng hỏi những loại hàng công nghệ cao để gửi người cõi âm nên cửa hàng cũng phải cố gắng làm những loại hàng đang "nóng" ngoài đời như tivi siêu mỏng 3D, Iphone 5, xe tay ga... nên cả gia đình tôi đều tham gia bán hàng, lấy hàng. Cả năm làm việc túc tắc, đến cuối năm là "mùa làm ăn" nên cả nhà bảo nhau cố gắng, có hôm vừa đưa bát cơm lên lại có khách gọi lấy hàng, gần đến Tết ông Táo nên càng bận".

Xã hội - 'Phố hình nhân' nhộn nhịp cuối năm

Người dân đến mua hàng mã trên "phố hình nhân"

Theo anh Minh, nhiều khách hàng đến đặt hàng mã hình nhân thế mạng từ đầu tháng. Có người đàn ông 40 tuổi vẫn chưa lấy được vợ, đến đặt "hình nhân" giống như hoa hậu với số đo 3 vòng chuẩn để làm lễ cầu duyên. Nhiều người còn đặt cả “hình nhân” nam đẹp như... người mẫu để đốt cho cô con gái không may thiệt mạng...

Tùy theo yêu cầu của khách, "hình nhân" như mỹ nam, mỹ nhân, siêu mẫu, hoa hậu... làm bằng giấy cứng và nhiều vật liệu khác rất tỉ mỉ, công phu. Anh Minh cho biết thêm, từ "hình nhân" thế mạng xinh đẹp, đến lễ mở phủ được coi là cầu kỳ bậc nhất, bởi cần dùng đến hàng trăm món hàng và đầu tư một khoản tiền lớn. Hàng mã cho một canh mở phủ hay lễ cầu duyên như thế là đắt nhất, có những lễ hết đến 60 - 70 triệu đồng, sau đó được đốt cho người âm trong... một buổi sáng.

Nhiều cửa hàng ở Hàng Mã cho biết, "hình nhân" thế mạng là loại hàng "đặt" cầu kỳ và tùy theo "đơn đặt hàng" của khách. Hàng này theo ý muốn của chủ nhân phải đặt trước mới có, giá thành khá cao. Có “hình nhân” người mẫu lên đến vài triệu đồng, vì đòi hỏi công thiết kế rất khó, phải giống y như người thật.

Vậy mà từ đầu tháng đến nay, khách đặt hàng đông đến nỗi nhiều cửa hàng vừa làm, vừa lấy hàng về không xuể. Và, yêu cầu của khách thì "muôn hình, vạn trạng", có ông khách đến đặt 15 triệu đồng làm ba "hình nhân" giống như ba ca sĩ Hàn Quốc cho người vợ quá cố của mình, vì khi còn sống, bà này rất thích nghe nhạc và phim Hàn Quốc...

Gửi hàng sang cả... nước ngoài

Chị Lê Vân Anh (dốc Thọ Lão, Lò Đúc, Hà Nội) cho biết: "Dịp Tết nào cũng vậy, ngoài việc mua sắm đồ Tết, tôi không quên mua sắm vàng mã để cúng cho người thân. Sống sao chết vậy, các cụ khi còn sống thích thứ gì thì nay tôi mua thứ đó, mong muốn các cụ có được một cái Tết đầy đủ.

Tôi thấy rằng, mấy năm trước đây, người mua chủ yếu tìm mặt hàng quần áo, giầy dép, song thời gian gần đây, nhiều gia đình đi mua cả “hình nhân” siêu mẫu, ô tô, máy bay, nhà chung cư... Nói chung là cứ cuối năm nên "sắm" cho người âm để con cháu trên trần thế được an tâm ăn tết. Tôi có người bạn còn gửi cả hàng mã, "hình nhân" thế mạng sang nước ngoài cho người thân nhân dịp rằm tháng 7 vừa qua...".

Chị Hiền cho biết, từ đầu tháng 10 âm lịch đến nay, lượng khách đến đặt mua giấy vàng mã và các loại hàng mã cao cấp để đốt cho người cõi âm có phần nhộn nhịp hơn mùa này năm trước. Nhiều công ty kinh doanh cũng cho người đặt hàng từ sớm để kịp làm lễ cuối năm.

Có ông giám đốc, nhờ trợ lý đi đặt hàng mã, còn đặt thêm bộ đồ cưới cho người cõi âm và "hình nhân" nam có giá ngót nghét 10 triệu đồng cho cô con gái cưng đã chết bốn năm trước. Ông này cho biết, thỉnh thoảng con gái về trong giấc mơ nói với ông rằng muốn đi lấy chồng mà không có đồ cưới và chưa tìm được đối tượng như ý, đi tham khảo một số người, ông này mới "nghĩ" ra cách gửi "hình nhân" thế mạng và đồ cưới xuống cho con, mong con hạnh phúc như trên trần.

Tuy nhiên, ông giám đốc này cũng khá khó tính, lúc trợ lý đến cửa hàng lấy đồ, ông cũng đi theo để kiểm tra chất lượng sản phẩm, cái nào không vừa ý, ông bắt đổi ngay...

Hàng mã ở "phố hình nhân" được bày bán theo hai hình thức: Tự làm hoặc lấy hàng về. Nhiều người bán hàng cho biết, vào mùa làm ăn cuối năm, họ phải thuê thêm người làm vàng mã, cắt dán hình nhân mới kịp thời gian giao hàng. Nếu không, họ phải đặt hàng ở những nơi chuyên sản xuất hàng mã như ở xã Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) hoặc ở Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đây là những địa phương có nghề làm hàng mã nổi tiếng và được các nơi tìm về đặt hàng...

Ngoài những cửa hàng cố định trên "phố hình nhân", các gánh hàng mã bán rong mấy ngày nay cũng có mặt để góp phần vào sự nhộn nhịp của phố Hàng Mã. Họ đến từ các vùng quê như Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh... Cuối năm, cũng là lúc họ kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mặc dù các loại đồ lễ thần bếp, thần linh, hình nhân không được đẹp, hầu hết làm bằng giấy màu xỉn nhưng giá rẻ nên cũng được khá nhiều người lựa chọn.

Chị Vân Anh cho biết, việc đốt vàng mã đã là phong tục của dân Việt Nam từ xưa nên thay đổi rất khó. Thờ cúng tổ tiên ông bà không chỉ đơn thuần là lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã khuất mà đó còn gửi gắm niềm hy vọng của người đang sống về một năm mới bình an và hạnh phúc. Chính vì thế, không ít người đã bỏ hàng triệu đồng ra để sắm lễ cầu may.

Tuy nhiên, chị  Lê An (phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội) cho rằng: "Những năm trước, mỗi dịp rằm, trên mâm ngũ quả để cúng, bao giờ tôi cũng mua thêm vài xấp tiền, vàng mã và có thêm “hình nhân”, ô tô, tiền đô-la để đốt. Sau này, đọc báo thấy các nhà sư có dạy đốt tiền, vàng mã vừa gây lãng phí, không đúng với giáo lý nhà Phật vừa có nguy cơ gây cháy nhà. B

ây giờ, trên mâm cúng gia đình chúng tôi không đốt vàng mã lẫn hàng mã nữa. Tất nhiên, công việc làm ăn của gia đình vẫn tốt. Tôi thấy rằng, người sống nhớ về người đã khuất thể hiện ở cái tâm, lúc còn sống đối xử không ra gì, lúc người thân khuất núi lại mua nhiều đồ, hàng mã về thờ cúng là chưa biết cách sống đẹp...".

Cấm đốt vàng mã nơi công cộng

Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi đốt vàng mã tại những nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng có hiệu lực từ ngày 1/9/2010. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đồ hàng mã trong dịp Tết Nguyên đán 2013 tại các phố trên địa bàn Hà Nội bị ế.

Ngược lại, năm nay giá các mặt hàng mã tăng hơn những năm trước từ 5% đến 10%. Một chủ sạp bán hàng mã ở "phố hình nhân" cho biết: "Lệnh cấm đốt vàng mã chỉ diễn ra ở những nơi công cộng, còn chúng tôi bán hàng ở đây cho người dân đốt ở nhà riêng nên sẽ không... vi phạm luật (!?)".

Lạc Thành

Cuối năm lên vùng biên 'xem' hàng lậu

Thứ 5, 03/01/2013 | 10:44
Đến Lạng Sơn những ngày cuối năm này, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy từng đoàn cửu vạn mang vác hàng đi lại trên sườn đồi, qua những lối mòn mà người ta quen gọi là đường tiểu ngạch. Đó là những con đường đưa hàng lậu vào Việt Nam. Hàng vào đến khu kinh tế mở Tân Thanh (Lạng Sơn) được gom trong những kho hàng ngay giáp chợ, và từ kho ra đến chợ rồi "tiến" sâu vào nội địa không còn là chuyện khó.

Cuối năm nhộn nhịp dịch vụ... thuê chồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Vì những lý do khác nhau mà nhiều phụ nữ trên 30 tuổi vẫn chưa chịu... lấy chồng. Muốn có người đi chơi Tết và giải quyết khâu hãnh diện với họ hàng, nhiều phụ nữ đã tìm đến dịch vụ thuê chồng.

Cảnh báo nạn trộm cắp bến xe cuối năm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Thời điểm cuối năm đang là lúc côn đồ, móc túi, trộm cắp bến tàu xe hoành hành. Lực lượng công an tại các khu vực đang tích cực triệt phá, tuần phòng nghiêm ngặt.

Cuối năm, pháo lậu len lỏi hoành hành

Thứ 2, 14/01/2013 | 10:19
Đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm, hoạt động vận chuyển, buôn bán pháo lậu bắt đầu hoành hành. Năm nay, mới bước sang tháng 12 dương lịch, các cơ quan chức năng đã liên tục bắt được nhiều vụ vận chuyển pháo các loại.