Phòng khám miễn phí của những lương y... U80

Phòng khám miễn phí của những lương y... U80

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Phòng khám miễn phí của các cụ U80 tại số 18, ngõ 4, phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai (trước thuộc quận Hai Bà Trưng), Hà Nội, cứ vào sáng thứ Hai và thứ Năm hàng tuần lại tấp nập người ra vào khám chữa bệnh.

"Phải làm điều có ích cho người nghèo"

Khi nhắc đến phòng khám miễn phí này, người dân khắp khu phố đã rất đỗi quen thuộc với bà Trương Thị Hội Tố (số 11, ngõ 20, Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân, Hà Nội), 79 tuổi, người bác sĩ già đã tham gia công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân nghèo trong khu phố suốt 20 năm qua không biết mệt mỏi. Bà cũng là người đầu tiên gây dựng và vận động các bác sĩ nghỉ hưu cùng thành lập phòng khám miễn phí này.

Năm 1951, cô nữ sinh trường trung cấp nữ hộ sinh Liên khu 3-4, Trương Thị Hội Tố yêu thương người lính trẻ Nguyễn Xuân. Sau khi bà tốt nghiệp, hai người đã quyết định gắn bó với nhau. Cưới nhau chưa được bao lâu, ông lại phải quay trở lại chiến trường làm nhiệm vụ. Họ chưa kịp có với nhau mụn con thì năm 1953, bà nhận được tin ông hi sinh trong một trận chiến ác liệt với quân Pháp. Bà đã suy sụp và để nguôi ngoai nỗi đau mất chồng, bà lao vào công việc và xung phong lên vùng cao Yên Bái suốt bốn năm ròng.

Rồi bà gặp và nên duyên với ông Vũ Quang Bình, đồng đội của ông Nguyễn Xuân. Họ có với nhau hai con trai và một con gái. Nhưng số phận cay nghiệt, một lần nữa bà nhận được tin "sét đánh" người chồng thứ hai hi sinh trên mặt trận phía Đông Trường Sơn năm 1973, bỏ lại bà cùng các con nhỏ dại.

Xã hội - Phòng khám miễn phí của những lương y... U80

Phòng khám của các bác sĩ U80 mỗi ngày tiếp đón khoảng 20 người

Trải qua nhiều đau thương, mất mát, bà Tố hiểu và đồng cảm với những người nghèo, những người kém may mắn trong cuộc sống. Sau khi nghỉ hưu, trong thâm tâm của bà luôn đau đáu một điều, phải làm gì đó có ích và ý nghĩa cho họ. "Giúp những người nghèo bằng tiền thì tôi không thể, tôi chỉ có thể giúp bằng chính khả năng chuyên môn của mình. Đúng lúc ấy, quận Hai Bà Trưng tổ chức đội khám, chữa bệnh lưu động cho người cao tuổi, người nghèo, cựu chiến binh, gia đình chính sách, tôi đã nhiệt tình tham gia ngay", bà Trương Thị Hội Tố cho biết.

Những người có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm như bà Tố, sau khi nghỉ hưu có rất nhiều các phòng khám, bệnh viện tư mời về làm với mức lương khá hậu hĩnh. Nhưng bằng cái "tâm" của người bác sĩ, bà Tố đã từ chối mọi lời mời để tình nguyện làm người "vác tù và hàng tổng" cho những bệnh nhân nghèo, người cao tuổi. Bà tham gia hội Chữ thập đỏ của quận Hai Bà Trưng và đi khám bệnh lưu động miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi ở các phường. Hàng ngày, dù mưa hay nắng trên chiếc xe đạp cũ kỹ bà đi khắp các khu phố để thăm khám cho các bệnh nhân nghèo.

Nói là làm, bà Tố cùng 5 người bạn đều là những cán bộ y tế đã nghỉ hưu và có tấm lòng từ thiện mở một phòng khám miễn phí ở phố Hòa Mã. Sau 7 lần chuyển địa điểm, cuối cùng, phòng khám cũng mượn được trụ sở cũ của UBND phường Giáp Bát. 5 người bạn cũ, người đã khuất, người đã quá già yếu không thể tham gia được nữa. Bà Tố lại tiếp tục vận động ông Lê Thanh Thước, một bác sĩ bệnh viện Việt Đức và bệnh viện K đã nghỉ hưu và bà Lê Thị Sóc, y tá bệnh viện Xanh-Pôn cũng nghỉ hưu cùng tham gia.

Bà Tố chia sẻ: "Những ngày đầu tìm mượn trụ sở phòng khám rất khó khăn, với hai bàn tay trắng, tôi phải đi kêu gọi mọi người giúp đỡ, có chỗ ở chưa được bao lâu lại phải chuyển. Bên cạnh đó, việc tôi và nhiều người có tâm đi vận động cơ quan, nhà dân để làm phòng khám nhiều khi còn bị một số người ghen ghét và khó chịu bởi phòng khám hoạt động sẽ thu hút khá nhiều bệnh nhân của họ. Từ đo huyết áp, đến xét nghiệm bệnh tiểu đường và khám chữa bệnh, phòng khám đều miễn phí không lấy một đồng nào. Trong khi đó, người cao tuổi rất cần khám chữa bệnh thường xuyên mà đến các bệnh viện lớn rất mất thời gian và tốn kém".

Bắt xe ôm đi khám bệnh miễn phí

Đôi chân đã không thể đạp xe đến phòng khám như những ngày còn khỏe, nhưng không buổi nào bác sĩ Tố và các bác sĩ tình nguyện không đến phòng khám đúng giờ. Hình ảnh bác sĩ Tố bắt chiếc xe ôm đến phòng khám rồi về đã quá quen thuộc với những người thường xuyên được bà thăm khám. Sau tai một tai nạn, người bác sĩ già đã 20 năm tình nguyện khám chữa bệnh cứu người đã không thể đạp xe được nữa, nhưng tình cảm và cái duyên giữa bác sĩ và bệnh nhân còn chưa dứt thì ngày đó bà còn đi. Kể từ đó mỗi lần đến phòng khám, bà đều bắt xe ôm, cả lượt đi lượt về cũng mất đứt 50.000 đồng. Bà Tố vui vẻ cho biết: "Tôi có tiền lương hưu và tiền trợ cấp của gia đình liệt sĩ, già rồi chi tiêu hàng tháng chẳng hết bao nhiêu, dùng không hết thì ủng hộ làm từ thiện".

Xã hội - Phòng khám miễn phí của những lương y... U80 (Hình 2).

BS. Trương Thị Hội Tố (bên trái), BS. Lê Thanh Thước (bên phải)

Một điều khiến bà Tố và các bác sĩ tình nguyện khác tại phòng khám miễn phí còn trăn trở bởi chưa vận động được đội ngũ bác sĩ tình nguyện kế cận thay thế. Bác sĩ Tố chia sẻ: "Bác sĩ và y tá của phòng khám đều đã hơn 80 tuổi nên việc vận động và tìm kiếm đội ngũ bác sĩ, y tá vừa mới nghỉ hưu thay thế rất quan trọng, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa tìm được, có lúc tìm được nhưng người ta lại không tham gia. Chúng tôi cũng chỉ biết còn sức khỏe thì còn khám cho mọi người".

Hiện tại, phòng khám miễn phí ngoài bà Tố và y tá Lê Thị Sóc còn có bác sĩ Lê Thanh Thước. Thời gian tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám miễn phí chưa lâu, nhưng với bác sĩ Thước thì ngày nào còn khỏe, còn giúp ích được cho những người nghèo thì ông sẽ cố gắng hết sức. Mái tóc đã bạc trắng, bác sĩ Thước đã từng làm ở hai bệnh viện tuyến Trung ương là bệnh viện Việt Đức và bệnh viện K nên ông hiểu phần nào tâm lý của những bệnh nhân cao tuổi khi đến các bệnh viện lớn. Hơn nữa, các bác sĩ trong bệnh viện cũng phải cho rất nhiều bệnh nên những thắc mắc của các cụ khó mà nhận được câu trả lời đầy đủ. Bởi vậy, bác sĩ Thước rất ân cần thăm khám cho mọi người, sẵn sàng trả lời và chia sẻ những thắc mắc, các vấn đề chuyên môn cũng như cuộc sống.

Những bệnh nhân cao tuổi đến phòng khám không chỉ được các bác sĩ ở đây tận tình khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí mà còn chia sẻ những câu chuyện vui buồn về cuộc sống. Đến phòng khám, người bệnh không còn cảm giác giữa bệnh nhân và bác sĩ nữa, bởi vậy mà không khí khám chữa bệnh ở phòng khám miễn phí này rất thân thiện.

Bác sĩ Lê Thanh Thước cho biết: "Tôi đã tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám miễn phí cho những người cao tuổi, người nghèo trong khu phố được hơn 6 năm. Tôi rất vui vì ở tuổi của mình vẫn giúp ích được cho người khác. Mỗi ngày, chúng tôi khám chữa cho khoảng 20 người, chủ yếu là người cao tuổi. Bất kể trời mưa gió bão, chúng tôi vẫn có mặt đúng giờ, bởi biết chắc ở phòng khám vẫn có bệnh nhân đang chờ".

Cũng theo bác sĩ Thước, ngày càng nhiều người biết đến phòng khám miễn phí của các bác sĩ già nên cũng thỉnh thoảng ủng hộ phòng khám tiền và thuốc men. Tất cả những khoản tiền thuốc men đó, các bác sĩ đều sử dụng để mua thêm thuốc và một số loại máy khám chữa bệnh thông thường để phục vụ mọi người. Các bác sĩ đến khám bệnh cho mọi người tuyệt nhiên không lấy một đồng tiền công, thậm chí để duy trì tủ thuốc nhiều khi các bác còn đóng góp một phần tiền lương hưu ít ỏi của mình.

Phòng khám mở cửa sáng thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, ngoài khám, chữa một số bệnh thông thường, mọi người đến đây còn tư vấn sức khỏe, đây là điều rất quan trọng với người cao tuổi. Bên cạnh việc khám bệnh, phòng khám còn có một tủ thuốc từ thiện để cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Trước đây, để duy trì tủ thuốc, các ông bà phải chật vật quyên góp, bà Tố còn dùng tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ của mình. Càng ngày tiếng lành đồn xa, nhiều người biết đến phòng khám hơn nên họ đã ủng hộ thuốc cho phòng khám.

Thiên Vũ