Chi trăm tỷ mong thoát khỏi ‘mê cung’ biển báo giao thông

Chi trăm tỷ mong thoát khỏi ‘mê cung’ biển báo giao thông

Thứ 5, 27/06/2013 | 11:44
0
Tổng cục đường bộ vừa kiến nghị bổ sung 100 tỷ đồng để thay thế biển báo giao thông chưa phù hợp. Nhiều người đồng tình với đề xuất này nhưng cũng có không ít người cho rằng hiện nay có nhiều biển báo hướng dẫn sai, đánh đố người dân, đặt không đúng vị trí, bị cây che lấp nên lo ngại số tiền 100 tỷ này sẽ bị sử dụng lãng phí và lặp lại những sai sót trước đó.

Biển báo như mê cung 

Mới đây, Tổng cục đường bộ vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung 100 tỷ đồng vào kế hoạch vốn năm 2013 để thay thế biển báo hiệu đường bộ chưa phù hợp. Theo đó số tiền 100 tỷ đồng này sẽ được dùng để bổ sung biển báo trên một số tuyến đường cho phù hợp với tiêu chuẩn và quy định quốc tế (yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam tham gia Hiệp định GMS - Vận tải qua biên giới giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông). Bên cạnh đó, Tổng cục đường bộ cũng dự định thay thế những biển báo quá cũ, điều chỉnh những biển báo gây cản trở tầm nhìn, hiệu lệnh đột ngột, chưa phù hợp thực tế. Đồng thời, khoản kinh phí này cũng được dùng để loại bỏ những biển báo không cần thiết, bổ sung biển báo mới tại vị trí đã gây bức xúc cho người dân...

Được biết, trong tháng 4 vừa qua,  Bộ GTVT kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, phân làn đường tại TP.HCM và Hà Nội, kết quả cho thấy hàng loạt biển báo có kích thước, chữ ghi trên biển không đúng quy định, bị hư hỏng hoặc bị cây xanh che lấp làm giảm khả năng nhận biết của người tham gia giao thông đã được phát hiện. Ví dụ tại Hà Nội, tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài và Phạm Văn Đồng có nhiều biển kích thước và chữ nhỏ, thiếu vạch sơn phân làn. Còn tại TP.HCM, các tuyến đường Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội, đại lộ Đông Tây, đường Võ Văn Kiệt, 3/2, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ - Khởi Nghĩa... đã được tổ công tác phát biện nhiều biển báo bị cây xanh che lấp, có vị trí không phù hợp.

Xã hội - Chi trăm tỷ mong thoát khỏi ‘mê cung’ biển báo giao thông

Biển báo bị cây che lấp.

Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc chi số tiền 100 tỷ đồng để điều chỉnh, chuẩn hóa biển báo giao thông là quá lớn, chưa phù hợp, thậm chí lãng phí. Nhiều biển hiện nay được đặt không đúng vị trí, bị cây xanh che lấp, hướng dẫn sai... không chỉ tốn kém tiền của mà còn khiến người tham gia giao thông bức xúc. Liệu số tiền lớn này khi sử dụng có khắc phục được những bất hợp lý trước đó hay vẫn tiếp tục giẫm vào những vết sai sót trước đó.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Ngọc Long, phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho biết: "Tổng cục đường bộ đã ấp ủ dự án này từ lâu và đây là thời điểm chín muồi để trình lên xin tiền thực hiện. Việc thay những biển cũ hỏng, thay những biển không đạt chuẩn, đặt lại biển ở những vị trí không phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên đề án lần này cần phải nghiên cứu xem xét sao cho không lặp lại sai sót như trước. Nhiều người đi đường nói rằng, biển báo, đặc biệt là biển báo trên các trục lộ giao thông mới được xây dựng, đường cao tốc... phục vụ cho công tác quản lý nhiều hơn người đi đường. Trong khi đó biển báo đương nhiên sinh ra là phải phục vụ cho nhu cầu giao thông của người dân". Theo ông Long, ngaỵ trên đường cao tốc đại lộ Láng - Hòa Lạc, có những vị trí được cắm biển không cần thiết.

"Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe, nhưng ở nhiều điểm vạch kẻ đường lại như đánh đố người đi đường. "Nhiều người kêu ca, có những con đường mà lòng đường rộng 12m vào những khúc quanh, đơn vị quản lý vẫn vẽ vạch liền, tức là vạch không được chèn xe sang. Khi đó mỗi bên mặt đường chỉ còn chừng 5m, nếu có phương tiện đỗ dọc đường, muốn đi thì đương nhiên phải vượt lên, chắc chắn là chạm vạch.  Phương tiện vừa vượt lên thì đã gặp ngay cảnh sát giao thông đang đứng ở đó. Bởi CSGT biết điểm đó là điểm thường xuyên có người hay chèn vạch nên đứng đó để... chờ sẵn. CSGT bảo, họ không phải là người cắm biển, họ chỉ là người thực hiện. Như vậy phải cắm biển làm sao để vừa đảm bảo an toàn giao thông mà người dân vẫn thực hiện được. Không nên tạo ra những điểm mà người đi đường cảm giác như cái bẫy", ông Long nói.

Nên có hòm thư góp ý

Bạn đọc Nguyễn Văn Thắng ở Bắc Ninh cho rằng: "Hiện nay có vô số  biển báo giao thông gây khó khăn cho lái xe. Ví dụ có biển cấm vượt mà không có biển hết cấm vượt, nên lái xe có khi đi cả chục km với tốc độ rùa bò vì không dám vượt xe khác, gây tổn thất về thời gian, nhiên liệu và căng thẳng cho lái xe... Có biển lại cắm bên trái làn đường dễ bị che khuất, khó quan sát, lẫn lộn với biển báo làn ngược chiều. Vì vậy, cần thiết phải cắm đủ và cắm đúng các biển báo giao thông, tránh để tình trạng lạm dụng để hạch sách lái xe".

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng: "Nhân dịp này chúng ta nên rà soát xem biển nào không hợp lý không phù hợp thì loại bỏ, điều chỉnh kích thước biển báo sao cho chuẩn, không quá rườm rà phức tạp. Tôi được biết có những biển báo quá nhiều chữ khiến người đi đường không kịp đọc".

Nhận định về đề án này, PGS.TS Bùi Xuân Cậy, trưởng khoa Công trình thuộc đại học Giao thông vận tải cho rằng: "Những biển báo để lâu ngày hỏng hóc thì cần phải thay để đảm bảo an toàn giao thông. Tôi không nắm được cụ thể bao nhiêu biển báo được đặt sai, không đạt được mục đích nên không biết là có lãng phí hay không nhưng tôi nghĩ số tiền 100 tỷ đồng là rất lớn, cần phải đảm bảo làm sao sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả". Cũng theo ông Cậy, việc cắm biển sai, biển khó hiểu, biển bị cây cối che phủ dẫn đến không thực hiện được tác dụng của biển báo phụ thuộc vào năng lực, trình độ của các cán bộ cơ quan quản lý. Họ  cần phải nâng cao trình độ và nhận thức để tự khắc phục điều này.

Về những biển báo không đạt được mục đích, ghi sai chỉ dẫn, đặt nhầm vị trí, đánh đố người dân, lãng phí tiền của, ông Long cho rằng: "Cái gì làm mà không dùng hoặc dùng không hiệu quả đều được gọi là lãng phí. Người thực hiện việc này cần phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, những cán bộ làm công tác này nên tiếp thu ý kiến của nhân dân, chỗ nào làm chưa đúng thì nhanh chóng khắc phục, tránh để những thiếu sót ảnh hưởng lâu dài đến nhân dân. Sau khi làm xong biển báo thì từng đoạn đường nên  ghi địa chỉ của đơn vị chức năng chịu trách nhiệm để công chúng có thể gửi thư góp ý. Đơn vị chịu trách nhiệm về biển báo cũng cần tiếp thu nhanh chóng và khắc phục kịp thời".        

Thành Huế

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng