Phòng thí nghiệm lên tiếng: Lỗ hổng xử lý chất thải

Phòng thí nghiệm lên tiếng: Lỗ hổng xử lý chất thải

Thứ 2, 08/04/2013 | 14:47
0
Mỗi năm, lượng hóa chất, chất thải hóa chất từ phòng thí nghiệm (TN) ở các trường ĐH thải ra ngoài môi trường là không nhỏ. Nhưng vấn đề xử lý, bảo quản chúng thì vẫn đang bị bỏ ngỏ, thậm chí là bài toán khó mà nhiều năm qua các trường loay hoay tìm lời giải.
“Giải quyết được là tốt rồi”
 
Giải pháp hữu hiệu duy nhất hiện đang được nhiều trường ĐH áp dụng là hợp đồng thuê công ty môi trường để tiêu thụ lượng chất thải phòng TN. Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng lại ở đó, còn hồi sau giải quyết thế nào lại là chuyện của phía công ty. Việc phòng TN né hóa chất có độc tố, nguy hiểm cao như thủy ngân, benzen, xyanua… là có. Nhưng không phải hoàn toàn. Đối với một số TN bắt buộc, một số trường vẫn phải sử dụng. Ở hầu hết các trường ĐH, loại hóa chất này được bảo quản trong tủ hút cùng với những hóa chất dễ bay hơi (chỉ hạn chế được phần nào). Đồng thời, các TN tạo khí cũng sẽ được thực hiện trong tủ hút. Khí sinh ra sau khi qua một lớp lọc sẽ được thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Tuy vậy, nhiều tủ hút bộ phận lọc khí, đặc biệt là lọc, hấp thụ khí độc lại rất yếu.
 
Do đặc thù môn học nên hóa hữu cơ là bộ môn sử dụng nhiều loại hóa chất, dung môi độc hại và  nguy cơ cháy nổ cao nhất. Việc bảo quản phần nhiều các trường vẫn chỉ mang tính thủ công. ThS. hóa học Châu Nguyễn Duy Khiêm (ĐHKHTN TP.HCM) cho biết: “Hiện tại, những loại hóa chất này vẫn chưa có quy trình bảo quản hợp lý. Chỉ yêu cầu sinh viên cẩn trọng trong khi làm TN, chú ý để tránh xa nguồn điện, lửa”. Còn với ĐHBK TP.HCM thì sinh viên nếu muốn thực hiện TN với những chất này cần phải trình trước để khoa kiểm tra độ an toàn và cấp vừa đủ lượng hóa chất cần dùng.
 
Việt Nam Xanh - Phòng thí nghiệm lên tiếng: Lỗ hổng xử lý chất thải
Các loại hóa hữu cơ này có nguy cơ cháy nổ rất cao
 
Với chất thải hóa chất bình thường thì việc xử lý tại các trường ĐH lại đang tạo ra một khoảng trống lớn trong việc đảm bảo môi trường. ThS. Duy Khiêm (ĐHKHTN) chia sẻ: “Những loại dung môi tan trong nước đều được xả trực tiếp xuống cống. Còn không tan và độc hại thì được chứa trong can, chất đống trong kho. Lâu lâu có người đến xin về, cũng chẳng biết họ làm gì nhưng giải quyết được là tốt rồi”.
 
ĐHBK TP.HCM mỗi năm cho ra môi trường lượng chất thải hóa học lên tới 10m3/khoa. Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng cho ra 2.000- 2.800kg/năm. Tuy nhiên, đó là chỉ tính riêng chất thải rắn, không tan trong nước và dung môi độc. Hai trường này đều hợp tác với công ty môi trường để xử lý. Nhưng quá trình xử lý thế nào, ra sao thì phụ thuộc vào phía công ty.
 
Các trường THPT thì hầu hết các phế thải phòng TN được đóng bịch, cẩn thận hơn thì ghi chú vào đó là “hóa chất” và xử lý chung cùng rác thải thông thường. Hơn một chút, Trường THPT Lê Quý Đôn xếp chất thải hóa chất vào mục rác thải y tế. Tủ hút tại Trường THPT Trưng Vương cũng chỉ được thực hiện với những TN mẫu tạo khí, tạo mùi. Còn Trường THPT Lê Hồng Phong thì bớt lượng khí, mùi trong TN bằng cách tiến hành song song hai TN tương tác, trung hòa với nhau. Số còn lại, các TN được thực hiện ngay ngoài môi trường.
 
 
“Dài cổ” chờ dự án
 
Đứng trước nguy cơ cấp bách về chất thải hóa học phòng TN, không phải các trường không nghĩ ra hướng đi riêng. Nhiều trường đã lên kế hoạch, xây dựng dự án xử lý chất thải hóa học ngay trong khuôn viên trường mình để tiện bề kiểm soát mức độ độc hại và chủ động hơn trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, thực tế thì chưa trường nào làm được điều đó.
 
Cách đây 2-3 năm, ĐH Y dược cũng đã trình lên Bộ Y tế dự án xây dựng khu xử lý hóa chất môi trường một cách rất bài bản. Nhưng hiện dự án này vẫn còn nằm... trên giấy.
 
Tương tự, ĐHBK TP.HCM cũng đưa lên Bộ Giáo dục dự án xử lý đồng bộ chất thải trong trường để đảm bảo môi trường và quy mô hơn. Nhưng tính đến nay đã ngót nghét 3 năm, dự án vẫn chưa khởi công. Nhật Văn -  sinh viên Khoa Môi trường - ĐHBK chia sẻ: “Sinh viên bọn mình ngay từ năm 1 đã có nghe phong thanh đến dự án đó, cũng háo hức lắm. Nhưng đến nay mình đã năm 3 rồi vẫn chưa thấy gì. Hy vọng sau khi mình ra trường, lớp sinh viên kế tiếp sẽ được thừa hưởng…”.
 
Vẫn biết, nước ta còn nghèo, điều kiện phòng TN ở các trường ĐH còn rất thiếu thốn. Nhưng điều đó không có nghĩa là sinh viên không phấn đấu, vươn lên trong tìm tòi và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, mong muốn được học tập, nghiên cứu trong một môi trường an toàn, đầy đủ là ước mong hoàn toàn chính đáng. PGS.TS Nguyễn Thiện Hải (ĐH Y dược TP.HCM) chia sẻ: “Chỉ mong sinh viên mình không phải chen chúc nhau giữa một mô hình TN, hệ thống xử lý chất thải an toàn để đảm bảo môi trường, sinh viên không phải đau đầu, hoa mắt với mùi hóa chất nồng nặc trong phòng TN. Và trên hết là, thay vì thực hiện TN trên hóa chất rất nguy hiểm lại độc hại thì chuyển sang thực hiện TN trên mô hình. Như thế sẽ cho phép sinh viên làm TN trên tất cả các loại hóa chất, kể cả cực độc, giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu, chứ không đơn thuần là nghiên cứu chỉ trên học thuật như hiện nay”.
 
Trước mắt, chỉ hy vọng các trường chú ý hơn nữa trong việc bảo quản và xử lý hóa chất trong các phòng TN để đảm bảo an toàn môi trường, an toàn cháy nổ. Vì cháy nổ do hóa chất không phải là chưa từng xảy ra.
 
Trong xu hướng phát triển phòng TN, các trường THPT cũng đang có những dự án đầu tư quy mô. Thầy Nguyễn Văn Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman cho biết nếu xin được kinh phí từ phía Sở GD-ĐT thì ngay hè này, nhà trường sẽ tiến hành sửa sang lại phòng TN. Còn thầy Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương - Nguyễn Huỳnh Long cũng hứa hẹn sẽ nâng cấp phòng TN rộng rãi và hiện đại hơn.

Theo Giaoduc.edu.vn

Mẹ tiếp xúc với ô nhiễm không khí, con dễ bị dị tật

Thứ 7, 06/04/2013 | 10:26
Một nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng phụ nữ tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong giai đoạn đầu thai kỳ tăng nguy cơ sinh con bị một số dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

Tăng 10 lần phí xả khí thải gây ô nhiễm môi trường

Thứ 6, 05/04/2013 | 08:53
Ngoài mức phí cố định 2,5 triệu đồng, các doanh nghiệp xả nước thải với khối lượng từ 30m3/ngày đêm trở lên thì nộp phí biến đổi đối với 2 chất gây ô nhiễm là nhu cầu ô xy hoá học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS) sẽ tăng mạnh so với trước đây.

Ô nhiễm không khí khiến trẻ con bệnh nhiều hơn

Thứ 3, 02/04/2013 | 14:50
Không khí ô nhiễm, tiếng ồn, tia cực tím, thức ăn không đảm bảo vệ sinh, là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các bé.

Loài người đang chết dần, chết mòn vì ô nhiễm không khí

Thứ 3, 26/03/2013 | 17:27
Mỗi năm có khoảng 2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí - đó là lời cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra mới đây.