Phòng tránh động đất, sóng thần như thế nào?

Phòng tránh động đất, sóng thần như thế nào?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Sau vụ động đất tại Hà Nội tối hôm qua, nhiều bạn đọc thắc mắc làm sao để phòng tránh động đất. "Liên hiệp quốc đã đưa những lời khuyên trong việc đối phó với động đất rất cụ thể và đơn giản", một chuyên gia về động đất chia sẻ.

Báo Thanh Niên vừa đăng ý kiến ông Nguyễn Văn Yêm - chuyên gia về động đất, nguyên cán bộ Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết:

- Hiện tại Việt Nam và các nước trên thế giới chưa thể dự báo ngắn hạn và báo chính xác các trận động đất xảy ra. Tuy nhiên, con người có thể dự báo dài hạn bằng cách xây dựng bản đồ phân vùng động đất. Qua bản đồ này, chúng ta biết vùng nào dễ xảy ra động đất và nếu động đất xảy ra sẽ có khả năng mạnh khoảng bao nhiêu độ Richter. Cũng từ bản đồ phân vùng động đất, ngành xây dựng sẽ có những phương án để xây dựng các công trình có thể đối phó với động đất ở cấp độ nhất định, giảm được thiệt hại.

Sóng thần được sinh ra sau các trận động đất mạnh từ 7 độ Richter trở lên ở ngoài biển. Khi máy móc ghi nhận được trận động đất mạnh trên 7 độ Richter trên biển, biết được tâm chấn, nếu nó gây ra sóng thần thì phải mất một khoảng thời gian nhất định những cột sóng lớn mới có thể đổ vào bờ. Vì vậy, chúng ta có thể cảnh báo về sóng thần để người dân biết và triển khai các biện pháp phòng tránh có hiệu quả.

Một cột sóng thần ở Sri Lanka

Đề xuất những biện pháp cốt yếu kiểm soát thiệt hại động đất

Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 100 năm xảy ra thảm họa động đất tại California (năm 1906), các chuyên gia động đất đã đề xuất những biện pháp như những hành động cốt yếu để kiếm soát thiệt hại động đất có kết quả:

- Mỗi hộ gia đình, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp cần biết về nguy cơ, sẵn sàng tự chuẩn bị đủ nhu cầu cho ít nhất 3 ngày sau động đất, lập kế hoạch chăm sóc cho những đối tượng dễ bị tổn thương và luyện tập kế hoạch đối phó.

- Đầu tư cho việc giảm thiểu thiệt hại. Các chủ hộ, chính phủ, các nhà khoa học, các kỹ sư cần hướng mục tiêu giảm thiểu địa chấn cho những tòa nhà có nguy cơ bị sụp đổ; đảm bảo các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong tình trạng khẩn cấp (bệnh viện, cứu hỏa, cảnh sát, thông tin trong tình huống khẩn cấp, nơi trú ẩn…) sẽ vẫn hoạt động được sau động đất và đặt ưu tiên thay thế hoặc nâng cấp các đường truyền trọng yếu.

- Đảm bảo khản năng phục hồi nhanh. Mỗi hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ cần đánh giá và lập dự toán chi phí cho công tác khôi phục và sửa chữa có thể xảy ra nhằm đưa kinh phí này vào hoạt động với sự gián đoạn tối thiểu.

Ngoài ý kiến của các chuyên gia động đất, những nhà hoạt động xã hội ở Mỹ cũng rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng sẵn sàng đối phó với thiên tai. Trung tâm động đất Nam California, thông qua chương trình “Truyền thông, giáo dục và hơn thế” đã cung cấp cho cộng đồng những kiến thức hữu ích nhằm giảm thiểu rủi ro do động đất thông qua các website, sự kiện đường phố, và sách báo…

Dự báo sóng thần có mối liên hệ chặt chẽ với với việc nghiên cứu các vùng biển có thể xảy ra động đất mạnh trên 7 độ Richter. Trên cơ sở bản đồ phân vùng động đất, các nhà khoa học sẽ tính toán và đưa ra các kịch bản về sự ảnh hưởng của sóng thần khi nó xảy ra. Từ đó, quan sát có trận động đất xảy ra đúng như kịch bản sóng thần nào đã được xây dựng trước đó rồi đưa ra cảnh báo. Cảnh báo sóng thần mang tính chất báo động, để các cấp chính quyền và người dân có phương án phòng tránh.

Nguy cơ xảy ra động đất và sóng thần ở Việt Nam là có thật. Ông có lời khuyên gì với người dân khi các hiện tượng này xảy ra?

- Nếu nghe thấy cảnh báo sóng thần thì người dân trong vùng phải sơ tán xa bờ biển ít nhất 300m hoặc tìm đến những nơi có độ cao hơn độ cao mà sóng thần có thể vươn tới. Những vùng có khả năng xảy ra sóng thần, khi tiến hành xây dựng các công trình nhà ở, khu công nghiệp... mọi người cần phải tính toán đến độ cao của sóng nếu sóng thần xảy ra.

Liên Hiệp Quốc đã đưa những lời khuyên trong việc đối phó với động đất rất cụ thể và đơn giản: nếu đang ngồi làm việc trong nhà thì chui xuống gầm bàn để tránh những đổ vỡ; ở dưới tầng 1 thì phải tránh xa các khu nhà cao tầng, cây cổ thụ...

Thụy Nguyên