“Phù phép” trái cây ngoại, móc hầu bao người tiêu dùng

“Phù phép” trái cây ngoại, móc hầu bao người tiêu dùng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
– Nhìn vào sự chênh lệch giá của trái cây ngoại nhập tại lúc xuất xưởng so với khi đến tay người tiêu dùng, có thể thấy kinh doanh trái cây nhập khẩu mang lại lợi nhuận không nhỏ.

Loạn vì lợi nhuận khủng

Chẳng hạn, 1 kg cherry tại Mỹ có giá chỉ 3 USD (hơn 60.000 đồng), nhưng khi về tới Việt Nam, giá bán có thể đội lên tới 10 lần, dao động từ 18-30 USD (khoảng 600.000 đồng).

Lý giải về sự chênh lệch giá này, ông Nguyễn Quang Huy, giám đốc công ty Trái cây FSF, cho biết, nếu không qua quy trình xử lý, bảo quản, cherry sau khi hái không thể giữ quá 3 ngày. Chi phí xử lý đối với cherry lại rất cao, khoảng 200% giá trị của loại quả này. Cộng với cước phí vận chuyển và thuế nhập khẩu nên khi cherry đến tay người tiêu dùng, ít nhất họ phải trả tiền cho 1,5 kg trái cây cho số lượng mua thực tế là 1 kg.

Xã hội - “Phù phép” trái cây ngoại, móc hầu bao người tiêu dùng

Nhiều loại trái cây dán mắc ngoại nhưng thực chất là trồng trong nước

Chị Hồng, bán trái cây tại góc chợ Tân Định tâm sự: “Với những người buôn trái cây trong nước thì lợi nhuận chỉ tính bằng một bữa cơm bình thường. Nhưng với những ai có khả năng buôn trái cây nhập từ nước ngoài về, họ sẽ kiếm được một bữa tiệc vì hàng ngoại bao giờ cũng có thương hiệu và dễ “làm giá” hơn. Vì thế, tâm lí người buôn cũng muốn thay đổi “cách thức bán hàng” để làm thế nào bán được hàng với lợi nhuận cao nhất”.

Tiếp lửa cho tình trạng này là các cửa hàng, cửa hiệu, quầy bán hoa quả tươi mọc lên như nấm với giá bán “cắt cổ”, các loại trái cây được quảng cáo là nhập khẩu trực tiếp từ Úc, Mỹ, New Zealand… hoặc được dán mác, nhãn phương Tây: Nho Mỹ, táo Mỹ, lê Australia, dây tây Pháp… hoặc được nhập về từ rất nhiều nước trong khu vực với cam kết 100% hàng nhập khẩu, đảm bảo chất lượng như: Táo Đài Loan, ổi Đài Loan, mận, xoài, quýt Thái Lan… Nhưng người tiêu dùng trong nước lại quên rằng mình có thể bị qua mặt bởi chiêu trò dùng nhãn, mác giả.

Ông Phan Huy Thông, phó cục trưởng cục Trồng trọt (bộ NN&PTNT) cho biết, thực tế vẫn có một lượng trái cây được nhập khẩu từ phương Tây, nhưng không đáng kể. Tình trạng trái cây gắn nhãn mác giả nhập ngoại hiện nay bán nhan nhản trên thị trường càng làm cho người tiêu dùng lo ngại vì không thể phân biệt được thật, giả.

Nhìn vào bảng giá của hầu hết các cửa hàng buôn bán hoa quả ngoại thì giá trái cây ngoại nhập có giá đắt hơn nhiều lần so với trái cây nội. Một kg nho đen không hạt của Úc bán đến 200.000 - 250.000 đồng, lê 250.000 – 270.000 đồng/kg, cam vàng Mỹ bán 100.000 – 120.000 đồng/kg, táo Mỹ 120.000 – 140.000 đồng/kg. Riêng Cherry Mỹ có giá từ 600.000 - 700.000 đồng/kg. Hiện tại, lượng trái cây ngoại về chợ Đầu Mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức trung bình khoảng 1.000 tấn/ngày (trong tổng số 2.000-2.500 tấn trái cây về chợ/ngày), giá tất cả đều đứng trong khi hầu hết các loại trái cây nội giá lại giảm từ 200đ đến 6.000đ/kg.

Người tiêu dùng đổ xô đi mua trái cây ngoại vì họ tin tưởng rằng các loại trái cây được nhập khẩu từ phương Tây luôn mang đến cảm giác yên tâm về chất lượng do có nguồn gốc từ những nước có nền nông nghiệp phát triển, có kỹ thuật canh tác cao và quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, không sử dụng hóa chất bảo quản độc hại…đảm báo an toàn cho sức khỏe.

Theo các chủ cửa hàng trái cây gần chợ Bến Thành, Tân Định (Q.1), chợ An Đông (Q. 5), Chợ Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình)… trái cây ngoại không chỉ có hình thức đẹp mà còn để lâu được; khách mua giỏ trái cây đi đám giỗ thích chọn trái cây ngoại hơn. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do vì sao dù năm nay sản lượng trái cây trong nước chỉ bằng 70% đến 80% so vụ mùa năm ngoái nhưng giá vẫn liên tục rớt, đa phần người tiêu dùng chọ mua trái cây nhập ngoại.

“Phù phép” trái cây ngoại

Thị trường trái cây trong nước đang tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc được nhập khẩu chủ yếu qua các cửa khẩu tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Tuy nhiên, nhiều tư thương đã thừa cơ lợi dụng dán mác "ngoại xịn" lên các loại trái cây Trung Quốc để đánh lừa người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi ngày vẫn đang có hàng chục tấn trái cây Trung Quốc được nhập khẩu vào nước ta. Còn ở cửa khẩu Lào Cai, trung bình mỗi ngày có hàng trăm tấn rau củ quả các loại nhập khẩu, trong đó chiếm đến 50% là trái cây tươi. Thông tin từ bộ NN&PTNT cho hay, hiện nay chúng ta đang nhập tới 27 loại trái cây của Trung Quốc.

Hiện tại, Việt Nam đã áp dụng luật An toàn thực phẩm, trong đó quy định đối với mặt hàng trái cây nhập khẩu được hy vọng sẽ hạn chế được sự lập lờ nguồn gốc, chất lượng trái cây nhập như hiện nay. Trong đó, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc gắn với kiểm tra dư lượng chất độc hại và giao về một đầu mối là bộ NN&PTNT xử lí.

Theo cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản nhận định, người tiêu dùng nước ta còn lo ngại rất nhiều về chất lượng và nguồn gốc các loại trái cây nhập ngoại. Để thực hiện lộ trình kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu, đồng thời triển khai cơ chế mở cửa tự do buôn bán thương mại, vào tháng 7/2008, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện chương trình kiểm soát lẫn nhau về nguồn gốc trái cây nhập khẩu. Theo đó, toàn bộ các loại trái cây Trung Quốc khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có bao bì ghi nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác, địa chỉ nơi trồng, nơi bao gói… để tiện truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Nói về khả năng chiêu trò để nâng mức lợi nhuận, một số nhà nhập khẩu trái cây tiết lộ, hiện nay rất ít nhà nhập khẩu chọn các đơn vị cung cấp uy tín. Thay vào đó, có đến 70% các nhà nhập khẩu chọn cách gom hàng tại các chợ đầu mối của nước xuất khẩu nên chất lượng trái cây trước khi thông quan khó được đảm bảo. Điều này mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà nhập khẩu.

Như vậy, người tiêu dùng rất khó biết trái cây mình đang trả giá cao có thực sự cao cấp hay không. Còn những nhà nhập khẩu, muốn chứng minh trái cây của mình là sạch và an toàn thì phải tự tìm cách lấy được lòng tin của khách hàng. Trong khi chờ đợi, trái cây ngoại nhập vẫn ngày ngày xuất hiện khắp nơi với giá bán cao ngất ngưởi mà vẫn đắt hàng.

Chị Thương, một người buôn bán trái cây lâu năm trong chợ Bến Thành cho biết: “Nếu là trái cây nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam thì đều phải có giấy chứng nhận xuất xứ, do nước xuất khẩu cấp, tờ khai của Cục Hải quan Việt Nam và giấy kiểm dịch thực vật do Việt Nam cấp khi nhập hàng hóa. Người mua được phép yêu cầu người bán trình giấy tờ đó ra để xá minh.

Mặt khác, cả người mua và người bán cần phải chú ý đến thời gian thu hoạch và giống loại của từng loại trái cây để ước định được thời gian và hạn sử dụng, từ đó sẽ phân biệt được thật, giả.”.

Theo thông tin từ trạm Kiểm dịch thực vật cho biết, ở các cửa khẩu, tư thương Trung Quốc đều thực hiện nghiêm túc về bao bì, tem mác khi xuất khẩu trái cây sang nước ta vẫn còn nguyên tem, nhãn mác Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV các loại bao bì, nhãn mác bị một số tiểu thương trong nước cắt bỏ, tìm cách dán tem nhãn ngoại, nhằm trà trộn, thay đổi xuất xứ “biến” trái cây Trung Quốc thành táo Mỹ, nho Mỹ, táo New Zealand, cam Thái Lan…

Đăng Văn


Tag: Gia Lai