“Phù thủy” chữa “bách bệnh” bằng châm hương đốt ngải

“Phù thủy” chữa “bách bệnh” bằng châm hương đốt ngải

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Trăm bệnh, trăm triệu chứng nhưng chỉ được chữa trị bằng một “bí kíp”. Câu chuyện về thầy "phù thủy" chữa được "bách bệnh" khiến nhiều người quan tâm.

Ở miền đất hẻo lánh “vùng sơn cước” huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) có một phương pháp chữa bệnh vô cùng kỳ dị. Chỉ với một que hương và những viên lá ngải cứu được vo nhỏ, người thầy thuốc đốt châm thông huyệt đạo và khẳng định chữa được “bách bệnh”. Nghe lời đồn đoán thứ “bùa ngải” này còn chữa được một số bệnh nan y mà khoa học bó tay, PV Người đưa tin đã về địa phương này để tìm hiểu thông tin.

Xã hội - “Phù thủy” chữa “bách bệnh” bằng châm hương đốt ngải

Thầy Phương đang chữa bệnh bằng việc đốt ngải

Những “phù thủy” vùng cao

Đường vào huyện Ba Chẽ cheo leo, heo hút như con thú dữ há hốc miệng đợi những tay lái không vững. Những khúc cua gấp tay áo và tấm biển báo đổ ập vào mắt người đi đường như: “Đường hẹp, cua gấp, dốc cao, vực thẳm” khiến chúng tôi lạnh gáy. Đây là huyện có chín dân tộc miền núi nhưng lại thưa và ít nhất tỉnh Quảng Ninh. Trong số các dân tộc trên, người Dao chiếm gần một nửa.

Do khí hậu luôn luôn thay đổi và khắc nghiệt nên để sinh tồn, những người dân tộc biết cách thích ứng với thiên nhiên. Ở vùng đất này có rất nhiều cách chữa bệnh bằng thuốc Nam. Chính vì thế, người dân bị ốm cũng rất ít khi họ đến bệnh viện. Nhiều người dân nơi đây cho biết, huyện Ba Chẽ nằm trong khu vực “vựa thuốc nam” vùng Đông Bắc, địa danh nổi tiếng với các phương pháp chữa bệnh độc đáo của người dân tộc thiểu số. Có lẽ, chỉ cần nhắc đến huyện Ba Chẽ, người ta nhớ ngay đến vùng đất “đốt ngải” chữa bệnh.

Trước mặt chúng tôi là thầy đốt ngải Vũ Văn Phương ở thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh), người được coi là thầy “phù thủy” trong việc chữa bệnh bằng ngải cứu. Nói chuyện với PV Người đưa tin, ông Phương kể về cái nguồn gốc của cái cách chữa bệnh dị biệt này: Trước khi người Hoa về khu vực này sinh sống (khoảng 100 năm trước đây) đã mang theo cách chữa bệnh bằng bấm huyệt, cạo gió, đốt nóng rồi úp chén lên các huyệt trên đầu để hút gió trong thể người bệnh. Có lẽ, những phương pháp tẩm quất, cạo hơi, thông gió của người xuôi cũng xuất phát từ những phương pháp chữa bệnh “thông huyệt đạo” này. Được biết, bản thân thầy Phương cũng được học hỏi kiến thức về huyệt đạo qua người thầy thuốc người Hoa tên Trương Văn Lộc. Người đàn ông này trước kia sống lưu vong ở Ba Chẽ. Sau khi “xuống núi”, ông Phương tự nghiên cứu về các huyệt và học cách chữa bệnh của các thầy nổi tiếng trong vùng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài ông Phương, ở Bã Chẽ còn có rất nhiều thầy thuốc khác cũng biết cách sử dụng phương pháp chữa bệnh độc đáo này.

Khoảng 100 năm về trước ở vùng đất Ba Chẽ này đã nổi tiếng về chữa “bách bệnh” bằng “đốt ngải”. Thời đấy nổi tiếng nhất là thầy Đỉ Lý chữa được rất nhiều “quái bệnh” với loại lá ngải bình thường. Do không lý giải được cách chữa bệnh này nên người ta đồn nhau ông có phép thuật và sử dụng “bùa ngải”. Ông Phương cho biết, từ những bệnh nhân đã liệt giường hay co giật, “mở khóa đầu” (Viêm não Nhật Bản), bệnh méo mồm, cảm cúm…ông Lý đều chữa lành lặn. Hiện nay, phương pháp “đốt ngải” đã được truyền tụng sang các xã, huyện khác của tỉnh Quảng Ninh. Theo lời kể của ông Phương, ở xã Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) có đích xác khoảng năm người chữa bệnh bằng phương pháp đốt ngải.

Xã hội - “Phù thủy” chữa “bách bệnh” bằng châm hương đốt ngải (Hình 2).

Đốt ngải chữa bách bệnh?

Chúng tôi thực sự sửng sốt khi các thầy đốt ngải ở Ba Chẽ còn tự “khoe” về việc chữa được một số bệnh nan y mà khoa học phải bó tay. Thầy Phương cho biết, mỗi một loại bệnh có một cách chữa khác nhau nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm là “đốt ngải thông huyệt đạo”. Các “thầy phù thủy” sẽ dùng que hương đốt những viên ngải rồi châm vào các huyệt liên quan để thải các khí độc ra và điều hòa cơ thể. Mỗi một viên ngải đốt cháy châm vào cơ thể khoảng ba giây. Sau đó, họ tiếp tục đốt và châm vào các huyệt đạo khác. Thời gian để đốt xong trong một lần điều trị chưa hết nửa nén hương.

Nhấp một ngụm trà đặc, thầy Vũ Văn Phương nói với chúng tôi, người vừa được ông chữa khỏi bệnh là cháu ông Ban Văn Vòng, thôn Đồng Láng (xã Thanh Lâm, Ba Chẽ - Quảng Ninh). Cậu bé này nhập viện trong tình trạng khó thở, nguy kịch đến nỗi phải thở bằng bình ô xi. Mọi người trong gia đình đã xác định tư tưởng rằng không thể cứu chữa được nữa. May mắn thay, sau khi đốt ngải thông huyệt đạo, mấy phút sau, cháu đã thở được bình thường.

Lật cuốn sổ nhàu nát, thầy đốt ngải Vũ Văn Phương chỉ tay vào trường hợp ông Hoàng Văn Ngô ở khu 3, thị trấn Ba Chẽ và ông Hoàng Văn Quang (thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc). Đây là các bệnh nhân đã từng bị “ngã ngựa” (bệnh phạm phòng) được chữa khỏi. Ông Phương bảo, để cứu chữa được những người này, ông phải châm vào huyệt đạo ở gần các khớp chân, ngón tay, huyệt nhân trung. Điều khó khăn là sao cho một viên ngải đốt đúng được vào hai huyệt trong trạng thái hai cở thể xếp sát lên nhau. Cái kỳ diệu của cái lá “trời ban” mà không ai lý giải được.

Theo lời giới thiệu của thầy “ngải” Vũ Văn Phương, chúng tôi tìm đến một thầy mà người dân cũng coi là “thần y” khác. Đó là ông Ngô Văn Phương ở số nhà 165, khu 4 thị trấn Ba Ché, tỉnh Quảng Ninh. Nói chuyện với PV, người đàn ông này khẳng định: Con người có rất nhiều huyệt đạo, đấy là các vùng lưu thông các khí. Xét theo thuật châm cứu, bấm huyệt chữa bệnh thì cũng cần đến những cách chữa ở các huyệt này. Nhưng đốt ngải thì dùng phương pháp của hơi nóng để đẩy khí độc hay những chất gây ảnh hưởng đến cơ thể thoát ra ngoài.

Trao đổi với PV về những công hiệu “thần kỳ” của các thầy đốt ngải mà người dân bàn tán, bác sĩ Nguyễn Văn Vương, trưởng khoa nội Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Chẽ cho biết: Việc một số thầy thuốc ở Ba Chẽ có thể chữa được một số bệnh bằng phương pháp này là có thật. Tuy nhiên, việc họ nói có thể chữa được bách bệnh, bệnh nan y thì cần phải xem xét lại. Rõ ràng phương pháp này cũng như xông hơi, nó đẩy luồng khí độc ra bên ngoài qua các huyệt bằng hơi nóng. Đồng thời với châm các huyệt đạo để phong tỏa việc xâm nhập của nguồn bệnh đến các vùng khác của cơ thể.

Kỳ công “luyện bùa ngải”

Thầy đốt ngải Vũ Văn Phương cho biết, muốn việc chữa bệnh hiệu nghiệm, các thầy thuốc phải phải hái vào đúng vào 5/5 hàng năm. Bởi theo thuyết ngũ hành, đây là thời gian mà không khí ấm, đều nhất. Chính vì thế, sinh khí hội tụ những vị thuốc hội tụ ở cây ngải là nhiều nhất. Trước khi hái lá ngải một hôm, họ phải đi đạp lên tất cả bãi cây này cho đổ xuống. Đến đúng 1h trưa ngày 5/5, các thầy thuốc xem cây nào bị đổ mà đứng dậy được thì đó là cây khỏe, sức sống tốt, phù hợp với việc chữa bệnh. Để chế tác, họ dùng cành tre đập vào cuống cây hứng lấy lá. Sau đó, lá ngải được rửa sạch, phơi qua một tuần nắng. Một thầy đốt ngải giỏi phải biết khi nào thu dọn thuốc. Họ không được để lá quá khô vì sẽ làm các gân bị giòn. Ngược lại, nếu để tươi quá lại không lấy được tơ ngải.

Cũng theo thầy Phương, việc tách lấy tơ ngải rất tỉ mẩn. Họ dùng tay vò lá trên nia sao cho những vỏ lá rụng xuống mắt của vật dụng này. Sau đó, thầy thuốc chỉ lấy tơ lá ngải là phần sợi vò không bị rơi xuống để làm thuốc. Mỗi viên được vò tròn bằng đầu đũa và dài 3 cm. Công việc này rất tỉ mẩn, 80 cân lá ngải tươi chỉ lấy được 3 lạng ngải để làm thuốc đốt.

Hoàng Thế Tào