Phương thức phát hiện tham nhũng: Kiềng thiếu chân

Phương thức phát hiện tham nhũng: Kiềng thiếu chân

Thứ 6, 12/07/2013 | 10:37
0
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định việc phát hiện tham nhũng thông qua ba phương thức chủ yếu, đứng đầu là qua công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước; tiếp đó là hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát và cuối cùng là tố cáo của công dân (bao gồm cả phát hiện của báo chí).

Điều này được coi như thế trận kiềng ba chân vững chắc để nhận ra dấu hiệu của hành vi tham nhũng hoặc vụ việc tham nhũng. Thế nhưng, tại hội thảo Vai trò của các cơ quan nhà nước trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, hôm 9.7, Tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận: việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế.

Thực ra không phải bây giờ, mà chuyện này đã từng khiến các ĐBQH “nóng mặt” tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2012) khi xem xét sửa đổi luật Phòng, chống tham nhũng. Số liệu báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) khi đó cho thấy chưa có một cơ quan quản lý nhà nước nào thông qua công tác kiểm tra mà phát hiện ra tội phạm tham nhũng chuyển cơ quan điều tra. Như vậy kiềng đang thiếu hẳn đi một chân, trách gì mà phòng và chống tham nhũng vẫn được xem là “chưa tương xứng với tình hình thực tế”.

Luật sư - Phương thức phát hiện tham nhũng: Kiềng thiếu chân

Ảnh minh họa

Toàn hệ thống thanh tra có hơn 18.000 người, trong đó Thanh tra Chính phủ khoảng 700, còn lại khoảng 17.300 người là ở các bộ, ngành địa phương. Bộ nào cũng có thanh tra, sở nào cũng có thanh tra nhưng không vụ việc tham nhũng nào do công tác tự kiểm tra mà phát hiện thì quả là khó hiểu. Điều này có thể lý giải rằng, chế độ công vụ của ta còn hạn chế, vấn đề trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân chưa được xác định rõ ràng; nên một số sai phạm không chỉ liên quan đến cá nhân cụ thể mà còn liên quan đến trách nhiệm của tập thể. Ngoài ra, tâm lý “không vạch áo cho người xem lưng” là rào cản khác, làm hạn chế công tác tự kiểm tra của thủ trưởng các cơ quan. Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng cũng là một giới hạn nhạy cảm, khiến người đứng đầu từ chối tự phát hiện và xử lý tham nhũng tại đơn vị mình, do lo sợ ảnh hưởng đến sự thăng tiến.

Tuy nhiên, do đặc tính của tội phạm tham nhũng, trách nhiệm người đứng đầu luôn quyết định đến sự thành công hay thất bại của công tác phòng, chống tham nhũng, nên việc quy trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở đơn vị mình vẫn là việc phải làm và làm quyết liệt. Ngoài ra, cũng cần phân định rõ ràng về trách nhiệm người đứng đầu, để mỗi hành vi, sự việc xảy ra đều có người chịu trách nhiệm cá nhân. “Cuộc chiến” chống tham nhũng cũng cần tạo ra động lực mới từ nhận thức của cán bộ, quần chúng về đấu tranh phê bình trong Đảng và đoàn thể. Hơn bao giờ hết, công khai, minh bạch luôn là từ khóa cho mọi hoạt động phòng và chống tham nhũng.

Theo An Nguyên (Thanh Niên Online)

Xử tham nhũng: Sao 'treo' nhiều thế?

Thứ 7, 06/07/2013 | 09:16
Luật cho phép tòa có thể coi các “tình tiết khác” là tình tiết giảm nhẹ nên dễ dẫn đến lạm dụng.

Phát hiện 3 vụ tham nhũng tại EVN

Thứ 5, 04/07/2013 | 14:40
Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm của Bộ Công thương cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 3 vụ tham nhũng xảy ra trong đó 2 vụ đang được Cơ quan công an điều tra.