Phút trải lòng của người... “trả nợ” cho rừng

Phút trải lòng của người... “trả nợ” cho rừng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Từng vào tù vì tội mua bán trái phép lâm sản, từng tận hưởng hương vị của kẻ có bộn tiền nhưng rồi Hòa "gỗ" cũng phải nếm cả vị đắng tay trắng cũng vì gỗ.

Nguyễn Văn Hòa (xã Yến Mao, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), một "lâm tặc" từng tung hoành khắp các nẻo đường cũng có ngày đổ mồ hôi, nước mắt vì... rừng. Giờ đây, anh muốn "trả nợ rừng" bằng một cách rất riêng của “lâm tặc”.

Hòa "gỗ" và một thời xuôi ngược

Dọc tỉnh lộ 316, chạy qua huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, những bến gỗ được lập nên khá nhiều. Nó là nơi vận chuyển tiêu thụ các loại gỗ được các hộ trồng rừng khai thác.

Cách đây gần 20 năm, núi Trạc Nai (xã Yến Mao, Thanh Thủy) cùng những cánh rừng quanh khu vực này từng bị những kẻ buôn gỗ như Hòa "gỗ" phá trụi mà không một cây non nào được trồng lại.

Dù đã có hẹn trước với anh, nhưng chúng tôi cũng phải đến lần thứ hai mới gặp được. Bởi chỉ khi có cỗ bàn hoặc có việc gia đình anh mới ở nhà, còn lại chủ yếu thời gian anh đều dành cho những đồi chè và những việc ở trên cánh rừng trồng gỗ.

Xã hội - Phút trải lòng của người... “trả nợ” cho rừng

Nguyễn Văn Hòa giữa đồi chè của gia đình mình.

Hòa "gỗ” là biệt danh mà giới buôn gỗ lậu đặt cho Nguyễn Văn Hòa thời lùng sục khắp các rừng Tây Bắc để lấy gỗ đánh chuyến về xuôi. Nhưng ít ai biết rằng, trước thời gian tung hoành với biệt danh Hòa "gỗ" thì Nguyễn Văn Hòa cũng có một thời vàng son với biệt danh Hòa "bóng".

Trong ký ức những bạn bè cùng trang lứa thời phổ thông, Nguyễn Văn Hòa nổi tiếng là nam sinh nghịch ngợm và chơi thể thao giỏi nhất xã. Nhờ tài năng này mà ngay khi tốt nghiệp cấp III, Hòa được gọi vào đội tuyển bóng chuyền của lâm trường Tam Thắng. Hòa đã từng tham gia giải bóng chuyền toàn quốc ở những năm cuối 1980.

Sau những mùa thi đấu, Hòa cùng nhiều anh em lại đi đánh vài chuyến gỗ để thêm thu nhập.

"Thời ấy Phú Thọ bạt ngàn rừng, những cánh rừng lúc đó là những loại gỗ lim, nghiến. Việc mang gỗ ra khỏi rừng khá dễ dàng. Kiểm lâm nhiều vùng còn lỏng lẻo, họ cũng tìm mọi cách để xoay sở kiếm sống. Vì thế nếu biết "làm luật" các chuyến xe chở gỗ vẫn trót lọt qua các chốt kiểm lâm về xuôi", Hòa "gỗ" kể lại.

Mỗi xe gỗ về xuôi bán như chơi, Hòa cũng kiếm được gần 1 lượng vàng. Có tiền, có vàng, Hòa và chúng bạn lao vào nhậu nhẹt ăn chơi đến khi hết tiền lại lên ô tô bẻ vô lăng vào rừng thuê người cắt gỗ. Từ một cầu thủ bóng chuyền của lâm trường, Hòa đã thành... lâm tặc tự lúc nào. "Tôi bỏ việc, bỏ luôn cả đánh bóng vì thấy làm ăn dễ quá!" - Hòa thành thật cho biết.

Những năm của thập kỷ 90, trong khi nhiều hộ dân trong xã chưa biết đến thế nào là ánh điện. Còn riêng gia đình Hòa "gỗ" đã có hẳn 3 ôtô, toàn xe có trọng tải lớn dùng để chuyên chở gỗ khai thác về xuôi.

"Ngày ấy, những chiếc xe của nhà đều được "trưng dụng" vào việc buôn gỗ về xuôi. Tôi thuê hai lái xe trả lương tháng để chuyên chở gỗ lậu. Bản thân tôi cũng tự lái một chiếc Zin 57 tung hoành khắp vùng Tây Bắc buôn gỗ. 10 năm, từ 1985-1995, vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái... các tay lái gỗ không ai không biết tiếng tôi.

Cứ nghe khu vực nào có khai thác gỗ là tôi lại cho xe đến đón sẵn cửa rừng. Thậm chí để mua được từ đầu đến ngọn gỗ lậu, tôi còn mua hẳn trâu để các hộ gia đình kéo ra cửa rừng để tránh phải cạnh tranh với các tay buôn gỗ khác. Sau những lần khai thác hết rừng, tôi tặng luôn trâu cho họ.

Kiểm lâm các vùng tôi quen hầu hết, do vậy xe gỗ của tôi, bè mảng của tôi xuôi sông Đà, sông Hồng cứ băng băng mà không gặp một chướng ngại vật nào. Những tay cướp gỗ lậu khét tiếng như T. đen, Q. gió trên sông Hồng đoạn qua Vĩnh Phúc thấy bè gỗ của tôi trôi qua chỉ có giơ tay vẫy chào", Hòa "gỗ" kể lại.

Đến năm 1995, nhà nước đóng cửa rừng, việc buôn bán gỗ bị siết chặt. Thời "cực thịnh" của "lâm tặc" Nguyễn Văn Hòa đã đến lúc hết hanh thông.

Sau khi nhận tiền thuê của Tư liều, một trùm gỗ lậu vùng Tây Bắc, Hòa cho đàn em chở hai xe gỗ lậu về Hà Nội bán; trên đường vận chuyển bị công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ. Cuối năm ấy, "lâm tặc - tỉ phú" xã Yến Mao đã phải nhận mức án 12 tháng án tù treo về tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

Nguyễn Văn Hòa tâm sự: "Đến lúc ra tòa, tôi vẫn chưa nhận thức được rằng việc mình làm là sai trái. Khi đó tôi còn nói với hội đồng xét xử là các ông phải xử những kiểm lâm đã để cho xe chở gỗ lậu của tôi qua bao nhiêu chốt, trạm kiểm tra như vậy".

Trả nợ đời

Nhưng có lẽ thời điểm Hòa "gỗ" bừng tỉnh là khi ông bị bắt vì tội đánh bạc. Lúc ông bị tạm giam để điều tra, nhiều kẻ xấu đã tiếp cận vợ con ông "nhỏ to" về việc chạy tội. Bao nhiêu tiền bạc gom góp được, những kẻ xấu ẵm trọn rồi việc chạy chọt cũng chẳng thấy đâu. Ra tù, chứng kiến cuộc sống khốn khổ của người thân, cộng với việc các hộ dân sống trong khu vực không có nước dùng vì những cánh rừng đã bị phá sạch, các khe suối đều cạn nước. Nguyễn Văn Hòa đã thấm được nỗi đau “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

"Nhiều đêm tôi nằm suy nghĩ, rừng cũng đã hết. Giờ chỉ còn làm giàu bằng chính đôi tay của mình. ở vùng đất này nếu muốn làm giàu không có cách nào khác là phải bám rừng, bám núi. Bởi ở đây ngoài núi, đồi ra người dân đâu có gì khác.

Hơn nữa, trồng rừng cũng là cách để tôi trả nợ quá khứ lầm lạc" - Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Với sức khỏe của một cầu thủ bóng chuyền, Hòa làm ngày làm đêm, quần quật với rừng, sống bằng gạo và thức ăn khô vợ đem lên, cả tháng không về nhà, lầm lũi một mình trên núi. Hòa “trâu” là biệt danh mới mà người dân Yến Mao đặt cho gã lâm tặc sau sự kiện một mình Hòa đánh bay hai tảng đá lớn trong lúc mở đường lên núi, khi chưa thuê được xe ủi.

Anh Nguyễn Văn Tiến, một người dân trong xã chia sẻ: "Chúng tôi quý anh Hòa, vì anh Hòa dám nghĩ, dám làm. Quan trọng nhất là đất rừng quê tôi giờ không còn trơ trọc như những năm 90. Nó cũng đang từng ngày góp phần vào việc nuôi sống nhiều hộ gia đình ở đây".

Một tay buôn gỗ nổi danh vùng Tây Bắc những năm 90, những người quanh vùng này bảo rằng, Hòa “gỗ” là biệt danh ngày xưa thời lầm lạc của Hòa. Bây giờ họ gọi Hòa là Hòa “Tư” hoặc Hòa “Hằng”. Đó là tên hai người phụ nữ gắn liền với cuộc đời chìm nổi của Nguyễn Văn Hòa.

Những người đàn ông biết Hòa còn thường kể câu chuyện như cổ tích thời hiện đại khi mà người vợ cả của ông tự lái ôtô đi đón vợ hai về cho Nguyễn Văn Hòa. Rồi họ về cùng sống chung một nhà, bảo ban nhau trồng rừng, buôn bán. Đến khi chị Nguyễn Thị Hằng (người vợ hai) sinh con trai, hai người mới quyết định ra sống riêng.

Đỗ Thơm