Quá lãng phí khi đào tạo mà không gắn với thị trường lao động

Quá lãng phí khi đào tạo mà không gắn với thị trường lao động

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Chất lượng giáo dục đại học yếu kém đã được nhiều nhà giáo, nhà khoa học đưa ra “mổ xẻ” và cảnh báo từ nhiều năm nay, tuy nhiên dường như đâu vẫn hoàn đấy.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu ngành giáo dục không chịu rời bỏ tính tập quyền, quan liêu, quản lý theo kiểu cơ chế “xin – cho”, “chạy” theo số lượng mà bỏ quên chất lượng thì sẽ khó có thuốc “đặc trị” cho giáo dục đại học.

Theo quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, để xảy ra những bất cập nêu trên là hậu quả của việc mở trường ĐH tùy tiện, không có tính toán, không có quy hoạch.

Xã hội - Quá lãng phí khi đào tạo mà không gắn với thị trường lao động

GS. Nguyễn Minh Thuyết

Đây cũng là một loại bệnh thành tích đang “tác oai tác quái” trong ngành giáo dục hiện nay. Không phải ngẫu nhiên, khi trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn ở mức trung bình, cách Singapore đến hơn 50 bậc, Thái Lan gần 30 bậc, cách Malaysia cũng đến 50 bậc.

GS. Thuyết phân tích: “Người ta chỉ nhìn thấy mỗi vấn đề có thể “chạy” nhanh được đó là số lượng: Mở thêm trường, tăng người đi học, bất kể chất lượng. Chiến lược phát triển nhân lực đến năm 2020 thì cũng vẫn chạy theo số lượng. Tức là đến năm 2020 sẽ có 573 trường ĐH, CĐ và bình quân số sinh viên/ vạn dân là 400-450. Nhiều ĐH mở ra chỉ đào tạo không có nghiên cứu (nhất là trường tư). Thầy không nghiên cứu thì làm sao dạy được. Đào tạo mà không gắn với thị trường lao động thì là sự lãng phí”.

Cũng theo nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cần nhìn nhận thẳng thắn là Việt Nam hiện đã có thị trường giáo dục rồi - không thể nói là không có. Nên thừa nhận thực tế này để có thể phân biệt trường vì “mục đích lợi nhuận” và “không có mục đích lợi nhuận”, từ đó có chế độ khác nhau giữa các trường”.

Cả đời đau đáu vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà, GS Hoàng Tụy cũng đã thẳng thắn nhận xét: “GD đại học đã đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới và đó chính là nguồn gốc của mọi thứ khó khăn vấp váp đã khiến chúng ta ngày càng chìm sâu trong lạc hậu từ nội dung, phương pháp giảng dạy, cho đến việc đào tạo tiến sĩ, tuyển chọn giáo sư, đánh giá công trình khoa học”.

GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho hay: “Tuy nước ta đã 25 năm xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, song quản lý giáo dục vẫn rơi rớt nặng nề “chưa chịu” rời bỏ tính tập quyền, quan liêu, bao cấp. Quản lý Nhà nước về giáo dục vẫn đang nặng nề trong quản lý theo kiểu kiểm soát phân tán, manh mún mà chưa chuyển sang thực hiện được quản lý Nhà nước bằng giám sát mọi hoạt động giáo dục”.