“Quái” chiêu lừa tiền qua tin nhắn

“Quái” chiêu lừa tiền qua tin nhắn

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Lợi dụng người nhẹ dạ, những kẻ lừa đảo thường "ăn theo" vào một số chương trình nhắn tin ủng hộ những quỹ nhân ái, quỹ vì người nghèo,hoặc nhờ vả nạp tiền, bắn tiền. Ai không tinh ý là ngay lập tức vô tư ủng hộ cho... "quỹ nhắn tin lừa đảo".

Nhẹ dạ, dễ lừa

Vừa mới sáng ra còn chưa ngủ dậy, anh Lê Văn Bảo (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội). Bỗng dưng thấy điện thoại báo tin nhắn, đang còn mắt nhắm mắt mở, nhưng anh vẫn đọc được dòng tin: "Quý khách đã nhận được 30.000 đồng do thuê bao 016827419... gửi tặng, cảm ơn quý khách đã sử dụng dịch vụ I-Share của Viettel telecom".

Một tin nhắn lừa đảo

Nghĩ chắc là do ai đó bắn nhầm, lúc nữa dậy sẽ bắn trả lại, anh Bảo ngủ tiếp. Thế nhưng vừa nhắm mắt được 3 phút máy anh lại nhận được tin nhắn: "Anh oi em ban nham tien vào so dien thoai của anh roi, anh ban tra lai tien cho em di anh. Em xin anh day!".

Vừa nghĩ người ta đang nóng lòng, anh Bảo không nghi ngờ gì bắn trả lại 30.000đ cho số thuê bao trên thậm chí còn nhắn thêm một tin nhắn dặn dò: "Lần sau cẩn thận nhé, gặp người khác là họ không trả lại đâu".

Nghĩ mình vừa làm một việc tốt anh Bảo an tâm ngủ tiếp, thế nhưng vô tình đảo mắt qua máy lần nữa anh bỗng giật mình nhìn lại số điện thoại vừa gửi tin nhắn bắn tiền cho mình lúc nãy thì hỡi ôi, không phải số tổng đài mà chính là số máy vừa nhờ anh bắn tiền trả lại. Kẻ lạ đã mạo danh tổng đài để “xin” 30.000đ từ tài khoản của anh.

Cũng với chiêu thức "thủ công" như vừa rồi, anh Lê Hải Quân (Giảng Võ, Hà Nội) cũng bị dính quả lừa mất toi 50.000đ. Anh Quân ấm ức kể lại: “Đúng lúc vừa mới ngủ dậy mình cũng chẳng kịp nghi ngờ gì thế là "dính bẫy", đúng là muốn làm người tốt cũng phải... cẩn thận”.

Trước đây cũng vì làm người tốt mà anh Quân cũng đã bị “ăn quả đắng”. Chả là thấy trên đài truyền hình người ta vận động nhắn tin ủng hộ Quỹ vì người nghèo qua tổng đài 8733, anh Quân cũng vận động mấy người cùng phòng nhắn tin.

Hôm trước nhắn tin ủng hộ, ngay hôm sau anh Quân bỗng dưng nhận được tin nhắn với nội dung: "Cảm ơn Quý vị đã tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Quý vị đã trúng thưởng 200.000 đồng. Để xác minh tài khoản, hãy soạn tin nhắn (...), gửi đến tổng đài 8730, 8799...".

Cứ tưởng mình được báo đáp vì làm việc tốt, anh hồi âm lại ngay, thế là mất toi 15.000 đồng ủng hộ... bọn lừa đảo. Sau này đọc báo mới biết thủ đoạn của bọn chúng là theo dõi những số điện thoại đã nhắn tin ủng hộ Quỹ trên truyền hình.Sau đó chúng gửi đến số máy của họ những tin nhắn lừa đảo với nội dung hướng dẫn soạn tin theo cú pháp. Gặp người nhẹ dạ nhắn tin làm theo là ngay lập tức "ôm hận" nạp tiền cho số điện thoại lừa đảo.

Mạo danh "người quen"

Ngoài những chiêu thức kể trên, có một chiêu thức thủ công, tồn tại đã khá lâu nhưng vẫn còn khá nhiều người mắc bẫy đó chính là các tin nhắn mạo danh là bạn bè người quen, để nhờ mua gấp cho một chiếc thẻ nạp tiền do đang cần gấp.

Với chiêu thức này, tin nhắn đầu tiên thường bao giờ cũng có nội dung như: "E. Thuy ne! dang lam gi vay? giup t ti viec duoc khong?". Do tin nhắn không có dấu nên nhiều người sẽ nghĩ là một trong số những người bạn của mình tên là Thúy hay Thủy, Thùy số điện thoại lừa đảo sau đó sẽ biện bạch cho việc mình dùng số lạ bằng một số lý do kiểu như, vừa mới thay số hoặc mất máy.

Sau đôi câu hỏi thăm số điện thoại lạ sẽ nhắn lại một "đòn kết liễu": "Uh. Mua gium T cai the card dt duoc ko? T gio dang can co ti viec ma chua di mua duoc? Neu duoc thi co the giup T ti nhe? T gui lai sau?". Sau tin nhắn này, rất nhiều người đã lụi hụi chạy ra quán mua ngay một chiếc thẻ để giúp đỡ "kẻ khó khăn", còn kẻ lừa đảo thì chỉ việc rung đùi chờ... lòng tốt.

Tổng kết lại có thể thấy, bọn lừa đảo hay dựa vào tâm lý những người muốn làm việc tốt thường nhẹ dạ. Thế nên chúng thường ăn theo vào một số chương trình nhắn tin ủng hộ những quỹ nhân ái, quỹ vì người nghèo... hay nhờ vả nạp tiền, bắn tiền... Ai không tinh ý là có thể “dính bẫy” như chơi. Việc làm đó vừa gây tâm lý bức xúc cho nhiều người vừa làm sứt mẻ uy tín của các chương trình vận động làm việc tốt vì cộng đồng.

Cẩn thận vẫn hơn

Kẻ gian thường đánh vào sự cả tin của nạn nhân để lừa đảo qua tin nhắn. Ảnh minh họa

Hiện nay một số mạng di động đã lập một số bộ phận chuyên môn để có thể kiểm tra, kiểm soát các giao dịch trên tài khoản của khách hàng. Chỉ cần nhận thấy có các giao dịch bất thường họ sẽ chủ động vào cuộc để xác minh thông tin từ đó ngăn chặn những kẻ lừa đảo lợi dụng lấy cắp tài khoản của khách hàng.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện nay do việc quản lý các đầu số dịch vụ vẫn còn chưa "kín kẽ". Các chiêu thức lừa đảo cũng biến tướng ngày càng tinh vi nên dù một số mạng tuy đã chủ động thông báo rộng rãi tới khách hàng cũng khó tránh khỏi tình trạng hàng ngày có rất nhiều khách hàng mất tiền một cách oan uổng vì các tin nhắn lừa đảo.

Mới đây Viettel tuyên bố đã lọc ra một số công ty chuyên doanh để cho vào "danh sách đen", chặn tất cả những tin nhắn đến số dịch vụ của những công ty đó để bảo vệ khách hàng.

Đó là một hành động cần phải được nhân rộng, tuy nhiên trong khi chờ đợi những biện pháp đó được triển khai một cách rộng rãi thì có một kinh nghiệm được rất nhiều bạn đọc chia sẻ trên các diễn đàn: Trong mọi tình huống khách hàng cần phải thận trọng với bất kỳ tin nhắn nào từ số lạ với các nội dung như: Trúng thưởng, cài game, nhờ giúp đỡ, ủng hộ...

Thậm chí nhiều người bảo nhau: "Bỏ qua mọi tin nhắn của người lạ và tránh nhắn tin theo các cú pháp đã được kẻ lừa đảo viết trước", mà tốt hơn hết là xóa ngay các tin nhắn có nội dung "mời chào" để tránh hậu họa”.

Còn nếu tin nhắn nào mình quan tâm thì nên gọi điện vào số tổng đài để kiểm tra, bởi vì theo các luật sư: Rất khó để có thể đòi lại những số tiền đã mất cho các tin nhắn lừa đảo, vì thường kẻ lừa đảo đã cài cắm rất tinh vi những "điều khoản đi kèm", khi khách hàng dính bẫy thì cũng đồng nghĩa với việc chấp thuận những điều khoản đó. Còn các nhà mạng cũng khó có thể làm gì hơn, vì họ chỉ là nơi cho thuê số máy tổng đài.

Phạm Khoa