Bí mật vụ quan chức lộ tài sản 'kếch xù' sau kê khai

Bí mật vụ quan chức lộ tài sản 'kếch xù' sau kê khai

Thứ 7, 13/04/2013 | 10:24
0
Sự kiện vị quan chức thuộc một sở ở TP. Hà Nội bất ngờ kê khai khối tài sản tăng lên nhiều tỷ đồng, khiến không ít người "choáng" về mức thu nhập "khủng" của những người vẫn thường được gọi: "Công chức Nhà nước"...

Kê xong... để đấy?

Giới truyền thông trong nước bắt đầu được hâm nóng khi có được trong tay bản danh sách kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên sở TT-TT Hà Nội. Trong đó, nổi bật nhất là "hiện tượng" của bà P.M.H (GĐ một trung tâm thuộc sở) bất ngờ công bố khối tài sản có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Bản danh sách kê khai thu nhập, tài sản năm 2012 được sở này niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan từ ngày 22/1 đến hết 28/2/2013, với 73 cán bộ, nhân viên phải kê khai tài sản. Bà H. được biết đến là người dẫn đầu danh sách về tài sản tăng thêm: "Tăng 3 nhà ở với tổng diện tích 900m2, tăng 1 khu nghỉ dưỡng diện tích 150m2, tăng 3 khu đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích 20.765m2, tăng 2 ô tô trị giá 2 tỉ đồng".

Hiện sở TT-TT Hà Nội cũng như cá nhân bà H. chưa chính thức có thông tin phản hồi về việc này. Nhưng trao đổi qua điện thoại với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Xuân Quang, PGĐ Sở TT-TT Hà Nội cho biết, sở đang chờ sự chỉ đạo của trên, nên chưa thể phát ngôn gì.             

Theo luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư Hà Nội, Nghị định 68/2011/NĐ-CP của Chính phủ đã thể hiện rất rõ tính minh bạch trong việc kê biên tài sản. Trong đó, một trong những quy định bổ sung là về các nguyên tắc kê khai tài sản, thu nhập, nhấn mạnh người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai. Bên cạnh đó, việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên hoặc khi có biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định.

Trở lại với trường hợp bà H., luật sư Quang cho rằng, việc kê khai trung thực là đáng khen. "Tuy nhiên, khối tài sản lớn đó đến từ đâu, có minh bạch hay không là điều rất cần xem xét", vị luật sư có gần 20 năm trong nghề tranh tụng nói.

Xã hội - Bí mật vụ quan chức lộ tài sản 'kếch xù' sau kê khai

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Công chức có nguồn thu khác?

Hồi cuối năm ngoái, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới lập ra một nhóm nghiên cứu, khảo sát gần 2.000 cán bộ, công chức (CBCC) ở 10 địa phương và 5 bộ, ngành. Kết quả cho thấy, 79% CBCC trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, 20% không có và 1% không trả lời. Trong số người có thu nhập ngoài lương, hơn 50% trả lời đó là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp; hơn 60% có nguồn thu do tiết kiệm được các khoản chi theo định mức khoán; hơn 5% được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị; gần 5% có nguồn thu ngoài lương từ khoản biếu, tặng; 40% có nguồn thu khác.

Về mức thu nhập ngoài lương, kết quả khảo sát cho thấy, 82,7% số người có khoản thu nhập ngoài thấp hơn 50% lương; 11,1% số người có thu nhập ngoài bằng khoảng 50% đến 100% tiền lương; 2,1% người có thu nhập ngoài cao hơn lương nhưng tối đa không quá 5 lần tiền lương; 0,2% số người thu nhập ngoài bằng 5 - 10 lần tiền lương. Số người có thu nhập ngoài cao hơn 10 lần tiền lương chiếm 0,2%. Có 3,6% số người không trả lời khi được hỏi về mức thu nhập ngoài lương.

"Từ kết quả khảo sát nêu trên, mặc dù chưa đại diện cho tổng thể người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam, nhưng phần nào cho thấy thực trạng thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Số CBCC có thu nhập ngoài lương chiếm tỷ lệ cao. Mức thu nhập ngoài lương so với lương và nguồn thu nhập cũng khá đa dạng, có cả những khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan tham nhũng như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng", nhóm nghiên cứu nhận định.

Phải giải trình!

Trao đổi về vấn đề kê khai tài sản trong giới chức trách hiện nay, một lãnh đạo công tác tại Thanh tra Chính phủ (xin không tiết lộ danh tính) nói: "Việc kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn khác với kiểm soát thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội ở chỗ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tăng thu nhập, nhất là thu nhập bất hợp pháp. Không cần biết thu nhập từ đâu, lương bao nhiêu, nhưng đã mua nhà, mua xe giá trị lớn, có con du học nước ngoài bằng tiền gia đình, tất yếu phải giải trình".

Nhìn vào thực tế đang xảy ra, vị này thừa nhận: "Vướng nhất là vấn đề xử lý như thế nào với tài sản dư thừa so với bản kê khai. Nếu ở một số nước công dân phải tự chứng minh tài sản của mình là hợp pháp, khi không chứng minh được thì bị pháp luật coi đấy là tài sản bất minh và bị tịch thu. Còn với chúng ta, việc chứng minh tài sản bất hợp pháp thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng, mà chứng minh việc này không đơn giản. Do đó, vấn đề tài sản tăng bất thường chúng ta vẫn đang nghiên cứu, chưa có hướng xử lý".

Trong khi đó, người được biết đến trên cương vị ĐBQH Khóa XII, ông Lê Văn Cuông cho rằng: "Nếu như trước đây muốn xác minh các bản kê khai tài sản của ai đó thì đó phải là người được cơ quan chức năng kết luận là có hành vi tham nhũng. Nhưng nay rất cần đẩy mạnh vấn đề kiểm soát bằng việc đưa điều kiện đặt ra để xác minh rộng hơn. Chẳng hạn nếu nhận thấy ai đó có liên quan đến hành vi tham nhũng là có thể ra quyết định xác minh".

Hầu hết các chuyên gia khi được hỏi về khối tài sản "kếch xù" được vị lãnh đạo một sở ở Hà Nội kê khai, đều cho nhận định: Rất cần được làm rõ, càng minh bạch càng nhận được ủng hộ của dư luận.           

Cũng theo luật sư Quang, Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung và quy định rõ về việc công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Đó là, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thường xuyên làm việc. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31/12 đến ngày 31/3 của năm sau, nhưng phải đảm bảo thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày.

Vương Trần

Dựa vào đại gia, quan chức có thể thành 'tù binh'

Thứ 5, 11/04/2013 | 11:27
Dư luận râm ran về những cuộc chạy chức, chạy quyền mà "cầm cờ" là các doanh nghiệp lo tài chính giúp ứng viên trong cuộc đua ấy.

Quan chức ngại kê khai tài sản thực

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
– Việc kê khai tài sản của các cán bộ công viên chức là một bước tiến nhằm tạo sự minh bạch thông tin trong phòng chống tham nhũng. Nhưng cũng cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp kê khai gian dối và tránh chuyện kê khai, công khai chỉ là hình thức.

Một số quan chức Quảng Bình ngồi bàn ghế gỗ sưa tiền tỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Các quan chức tại Quảng Bình đều lý giải, do trước đây thiếu kinh phí nên nhiều cơ quan, đơn vị ở đây đã đóng bàn ghế gỗ sưa cho rẻ tiền.

Quan chức quản lý đô thị có 21 ngôi nhà

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Theo Tân Hoa xã, khối bất động sản khổng lồ của ông Cai Bin được phát giác sau khi cư dân mạng đăng ảnh nhà cửa của ông này lên trang Sina Weibo.