"Quan họ chưa bao giờ "bùng nổ" như các thể loại khác"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Quan họ không kén người nghe cũng chẳng kén người hát nhưng để hát quan họ hay, để người nghe nhớ mãi thì không phải liền anh liền chị nào cũng làm được.

Trong suốt những năm qua, Thúy Hường đã dành toàn bộ thời gian để để hát, để say mê với những làn điệu của quê hương Kinh Bắc. Giờ, khi đã ở tuổi sắp về hưu, điều mà Nghệ sỹ nhân dân (NSND) Thúy Hường trăn trở nhất, chính là tìm người kế nhiệm mình. Trước tình trạng quan họ ngày càng thiếu vắng những giọng ca vàng do giới trẻ ngày càng thơ ơ với làn điệu dân ca này, PV Người đưa tin đã có cuộc trò chuyện với NSND Thúy Hường.

Xã hội - 'Quan họ chưa bao giờ 'bùng nổ' như các thể loại khác'

NSND Thúy Hường luôn trăn trở với việc tìm “hạt giống” quan họ

Trên hết, vẫn là quan họ

Chào chị, với kinh nghiệm mấy chục năm đứng trên sân khấu quan họ, chị thấy "sức sống" của thể loại nhạc này như thế nào?

Quan họ chưa bao giờ "bùng nổ" như các thể loại khác nhưng bao nhiêu năm qua nó vẫn có một sức sống bền bỉ không thể dập tắt. Có thể quan họ ít người nghe, người hát quan họ ít nổi tiếng nhưng nó là một dòng nhạc dân tộc thể hiện nét văn hóa vùng miền độc đáo. Chính vì vậy tôi tin rằng quan họ nằm ngoài sự cạnh tranh thị trường, nếu được bảo tồn và gìn giữ, nó sẽ sống mãi với thời gian.

Dành nhiều thời gian và tâm huyết cho quan họ Bắc Ninh như vậy, chắc hẳn tình yêu quan họ trong chị đã được vun đắp từ rất lâu?

Đúng vậy! Dường như cái chất quan họ đã "thấm" ngay vào tôi ngay từ thuở lọt lòng trong những câu hát ru của mẹ, nên quan họ trở thành cái duyên và cái nghiệp trọn đời của mình lúc nào không hay. Tuy nhiên, hát quan họ nếu chỉ cần có chất giọng thì ai cũng có thể hát được. Người hát quan họ hay cần phải "thấm" - nghĩa là cần phải có thời gian và tâm huyết để những câu hát ngấm sâu vào mọi ngóc ngách tâm hồn, để có thể tiếp thu được tất cả nội dung, âm điệu cũng như từng câu chữ...

Bao nhiêu năm qua, chị có bao giờ suy nghĩ mình sẽ từ bỏ quan họ để theo đuổi một con đường danh vọng hơn?

Đối với tôi, quan họ luôn là ưu tiên trên hết. Chưa bao giờ trong suy nghĩ của tôi có ý nghĩ bỏ nghề. Những năm 90 có rất nhiều các đơn vị ca múa nhạc ngỏ ý mời tôi về công tác nhưng tôi đều từ chối vì muốn tập trung hoàn toàn cho quan họ. Những năm đó, quan họ sống riêng lẻ rất chật vật, những đoàn quan họ hầu hết đều đi lưu diễn phục vụ, lại chẳng có thu nhập gì thêm nên đời sống anh em nghệ sĩ vô cùng khó khăn. Nếu lựa chọn theo các đoàn ca múa nhạc, tôi sẽ có nhiều cơ hội đến với công chúng hơn. Nhưng chắc chắn nếu đi theo con đường đó, tôi sẽ không thể toàn tâm toàn ý với quan họ và không thể có chị hai Thúy Hường như ngày hôm nay được...

Chị đã từng được giới điện ảnh biết đến với một số vai diễn ấn tượng trong các bộ phim Thương nhớ đồng quê, Đầm hoang, Ngã ba Đồng Lộc. Tại sao chị lại không tiếp tục đi theo con đường lấp lánh ánh hào quang này?

Lần đầu tiên bén duyên với điện ảnh trong bộ phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh, tôi đã rất háo hức. Bộ phim được Đài truyền hình NHK (Nhật) tài trợ và được công chiếu rộng rãi trên khắp Nhật Bản.

Vai cô Ngữ - một cô gái nông thôn nghèo xa chồng với nhiều diễn biến tâm lý phức tạp trong phim khiến công chúng biết đến Thúy Hường nhiều hơn. Sau đó, nhiều đạo diễn đề nghị tôi hợp tác nhưng tôi chỉ tham gia thêm hai bộ phim Ngã ba đồng lộc và Đầm hoang rồi quyết định chấm dứt hẳn lối rẽ này. Nhiều người sau này vẫn tiếc nuối cho tôi rằng nếu tiếp tục sự nghiệp diễn xuất, Thúy Hường sẽ là một cái tên vô cùng thành công trong làng điện ảnh Việt. Tuy nhiên, với tôi không có gì có thể thay thế được quan họ.

Quá nhiều điều phải nghĩ

Những người sành nghe thường quan niệm quan họ cần phải hội tụ 4 yếu tố: "Vang, rền, nền, nẩy". Có phải vì quá khó như vậy nên quan họ rất hiếm giọng ca vàng không?

Tôi cho rằng ngoài 4 yếu tố "vang, rền, nền, nẩy" thì cần phải có thêm cái tình trong câu hát nữa, cái tình trong quan họ rất quan trọng. Lời của những bài quan họ thường mang đậm chất thơ, vì thế mà để truyền tải được một cách nhuần nhuyễn ý tứ sâu xa của những lời ca đó không phải là chuyện dễ. Có lẽ vì vậy mà để tìm được người thể hiện được đúng cái "chất quan họ" vô cùng khó. Đây cũng là điều mà những người yêu quan họ như tôi luôn trăn trở.

Sau thế hệ của chị, có vẻ như quan họ đang dần chìm xuống vì hầu như chưa có một "giọng ca vàng" mới nào. Chị suy nghĩ sao về vấn đề này?

Bây giờ các em có quá nhiều điều phải suy nghĩ, âm nhạc thị trường đôi khi làm các em phân tâm khó có thể dành hết tình yêu cho quan họ. Tôi đã làm giám khảo nhiều cuộc thi hát quan họ, đã tham gia công tác giảng dạy một thời gian nhưng thực sự vẫn chưa tìm được "hạt giống" quan họ nào. Có những em có tố chất: Ngoại hình, giọng hát... nhưng lại thiếu cái tình, cái đam mê. Nói như vậy không có nghĩa là không còn một ai tâm huyết với quan họ nữa, cần có người truyền thêm cho các em nhiệt huyết và tôi sẽ là một trong những người đó.

Từ khi tham gia công tác giảng dạy bộ môn quan họ tại trường Trung cấp Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, chị đã mang những gì đến cho các em học sinh?

Tôi đã và sẽ mang tất cả những gì tôi đã mang lên sân khấu 25 năm qua để trao lại cho các em. Tôi luôn dạy các em rằng, hát quan họ không đơn giản là học lời, là luyện giọng; việc thường xuyên học hỏi, tìm tòi những làn điệu, những cách hát truyền thống để tạo nên "nét riêng" mới là điều quan trọng. Mỗi người hát quan họ đều có cái hay riêng, chính vì vậy, một người ca sĩ quan họ khôn ngoan là người học cái hay ở tất cả mọi người. Người nghệ sĩ ở bất kì lĩnh vực nào cũng đều phải luôn luôn học hỏi và sáng tạo.

Vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, chị nhận thấy phần thưởng này có ý nghĩa và áp lực như thế nào với chị trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca quan họ?

Đối với một người làm nghệ thuật chân chính, những phần thưởng công nhận sự đóng góp của mình quả thật là vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, dù là NSƯT hay NSND thì Thúy Hường vẫn chỉ là một liền chị quan họ mà thôi. Tôi sẽ vẫn tiếp tục lao động, tiếp tục cố gắng và góp phần nhỏ bé trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị dân ca quan họ. Tất nhiên là từ khi được phong tặng NSND, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm hơn.

Nghệ sỹ nhân dân trẻ nhất của đợt phong tặng

Tháng 5/2012 NSƯT Thúy Hường được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân (NSND) - một phần thưởng cao quý sau những năm tháng hoạt động không mệt mỏi của chị cho dân ca quan họ. Chị cũng là NSND trẻ nhất trong 74 NSND của cả nước được phong tặng đợt này (45 tuổi). Sau 25 năm đứng trên sân khấu, Thúy Hường đã ra mắt khán giả 9 album riêng: Người ở đừng về, Lúng liếng, Nhớ mãi khôn nguôi, Cắp nón đón đò, Bạn tình ơi, Lý giao duyên, Cây trúc xinh... Chị cho biết, sắp tới sẽ làm một album kỷ niệm nhân dịp chị được phong tặng danh hiệu NSND và tri ân những người đã luôn theo sát, ủng hộ giọng ca của chị trong những năm qua.

Đinh Nhung