Quản lý thiếu chủ động dễ khiến giá cả lại “bùng nổ”

Quản lý thiếu chủ động dễ khiến giá cả lại “bùng nổ”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Người tiêu dùng cả nước chưa kịp "hoàn hồn" về việc giá cả leo thang sau dịp Tết Nguyên đán thì mới đây, từ 1/3, hàng loạt mặt hàng thiết yếu lại vào một cuộc “đua” tăng giá mới.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá vào thời điểm hiện nay không những phá vỡ kế hoạch kiềm chế lạm phát của Nhà nước mà còn là sự bất thường, tín hiệu xấu của nền kinh tế.

Xã hội - Quản lý thiếu chủ động dễ khiến giá cả lại “bùng nổ”

Gas tăng giá liên tục khiến người ta hoài nghi về sự minh bạch giá của mặt hàng này

Tăng giá đồng nghĩa với tăng lạm phát

Theo thống kê của phòng thu mua các siêu thị Maximark, CitiMart, Co.op Mart..., mới đây họ đã nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp ngành hàng hóa mỹ phẩm và sữa bột, mức tăng 5-10%. Trong đó, đáng chú ý có các mặt hàng như nước xả vải Downy, sữa tắm Dove, Lux, sữa rửa mặt, các sản phẩm chăm sóc cơ thể... của các công ty đa quốc gia sản xuất tại VN. Theo đó, từ ngày 1/3, nhà phân phối Danone VN điều chỉnh tăng 5%-10% các mặt hàng sữa Dumex.

Được biết, cũng từ 1/3, một số đại lý cung ứng nước tinh khiết trên toàn quốc sẽ áp dụng giá mới tăng hơn 8% so với giá cũ với lý do chi phí đầu vào tăng. Đại diện phòng kinh doanh một số siêu thị cho biết, từ sau Tết đến nay, sức mua khá trầm lắng, người tiêu dùng chủ yếu tập trung chọn các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ gia dụng... Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam "sốc" thực sự khi đón nhận thông tin từ tháng 3, sẽ phải "móc túi" gần nửa triệu đồng cho mỗi bình gas 12kg (tăng 52.000 đồng/bình so với tháng 2).

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các hãng gas đang lấy lý do giá gas thế giới tăng 180 USD/tấn so với tháng trước, lên mức 1.205 USD/tấn để giải thích cho "cơn điên" của giá mặt hàng này trong nước. Theo ông Đỗ Trung Thành, phó trưởng Phòng Kinh doanh của Saigon Petro, giá gas bán lẻ của đơn vị này tăng thêm 52.000 đồng/bình 12 kg so với đầu tháng 2, lên mức 477.000 đồng/bình 12 kg.

Như vậy, từ 1/3, giá bán lẻ một bình gas 12kg đến tay người tiêu dùng xấp xỉ 500.000 đồng tùy thương hiệu. Mặc dù ngay sau đó, Bộ Tài chính đã công bố giảm thuế nhập khẩu và giá gas đã hạ nhiệt đôi chút nhưng tác động tâm lý của nó lên mặt bằng giá chung đã hình thành.

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, TS. Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội cho rằng: "Theo tôi, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc tăng giá các mặt hàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kiềm chế lạm phát, thậm chí, nó sẽ làm cho lạm phát tăng cao. Hơn nữa, giá cả các mặt hàng đang tăng trong giai đoạn mà lẽ ra là nó phải đi xuống, hoặc chí ít giá cả cũng phải chững lại. Vì theo thông lệ hàng năm, tháng 1-2 là thời điểm tăng giá cao nhất, còn sang đến tháng 3 thường là chững lại. Tăng giá trong giai đoạn hiện tại là một sự bất thường, và đây là một tín hiệu xấu cho nền kinh tế".

Cùng quan điểm, ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Việc tăng giá vào thời điểm này sẽ gây áp lực cho việc kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu đối với đời sống như gas, điện, sữa... sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Chính vì thế, lạm phát cũng từ việc tăng giá này mà gia tăng. Điều này cho thấy dù đặt ra mục tiêu giảm lạm phát xuống một con số, nhưng với thực trạng này thì các biện pháp kiềm chế lạm phát của Nhà nước khó mà thực hiện".

Lý giải về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu thời điểm đầu tháng 3, TS Minh Phong nhận định: "Việc tăng giá này theo tôi có hai nguyên nhân. Thứ nhất, là các nguyên liệu đầu vào đã tăng khiến các doanh nghiệp buộc phải tăng giá theo. Thứ hai, trong siêu thị có nhiều mặt hàng khác nhau, do đó khi tăng mặt hàng này thì chủ siêu thị phải "nhìn" sang các mặt hàng khác, để tránh việc "tị nạnh" giữa các nhà cung cấp. Điều đó đã làm cho việc tăng giá không dừng lại ở một vài mặt hàng và sẽ làm tăng đồng loạt, trào lưu".

Cần cải thiện khâu phân phối và kiểm soát chặt

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: "Để đối phó với việc tăng giá vô tội vạ của các mặt hàng thiết yếu nói chung, mặt hàng gas nói riêng, Nhà nước phải quản lý, kiểm soát đầu vào chặt chẽ. Nếu phát hiện ra doanh nghiệp nào tăng giá mà không có nguyên nhân hợp lý thì phải phạt thật nặng. Hơn nữa, chúng ta cũng cần tổ chức lại hệ thống phân phối. Tôi vừa nghe một câu chuyện rất buồn cười, đó là cá ở sông Đà bán chỉ có 10.000 đồng/kg, trong khi đó về Hà Nội, các tiểu thương "thổi" lên tới 100.000 - 120.000/kg. Điều đó thể hiện sự yếu kém ở khâu phân phối, dự trữ hàng hóa. Một điều đáng nói nữa, đó là hiện nay, thị trường trong nước đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới. Giá cả thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng theo, còn thế giới giảm chưa chắc mình đã giảm được. Đây là một việc khiến cho nhiều người cảm thấy bất bình".

Cũng theo ông Phú, phải nhìn nhận là cũng có những mặt hàng tăng giá là hợp lý, nhưng với điều kiện trên thị trường thế giới mặt hàng đó cũng đang tăng cao. Tuy nhiên, việc tăng giá các mặt hàng này ở trong nước như thế nào cho phù hợp thì trách nhiệm là của cơ quan quản lý giá. Cơ quan này phải "cầm trịch" được giá cả của từng mặt hàng chứ không thể thả nổi cho doanh nghiệp tự quyết định. Từ trước đến nay, chưa thấy cơ quan này xử lý được vụ nào về việc doanh nghiệp tăng giá vượt quy định cả.

Khi nói về "cơn điên" của giá gas, TS Phong cho rằng, giá gas tăng là do biến động của thế giới cũng như do sự độc quyền trong nước và sự bất cập của hệ thống phân phối có quá nhiều khâu trung gian. Mặc khác, người dân cũng đang quá lệ thuộc vào nhà phân phối mặt hàng này. Khi thấy giá gas tăng nhưng không phản đối, hoặc phản đối một cách yếu ớt. Nếu người dân quyết liệt tẩy chay gas để chuyển qua sử dụng sản phẩm khác như bếp từ, bếp điện, than thì bắt buộc nhà phân phối phải điều chỉnh và giảm giá. Trong chuyện này có lỗi một phần từ việc Nhà nước quản lý độc quyền, một phần do người tiêu dùng chưa biết bảo vệ mình. Hơn nữa, cũng cần nói là trách nhiệm của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng chưa được tốt. Họ chưa làm trọn trách nhiệm mà người dân giao phó.

Theo ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị: "Lý do mà các nhà sản xuất gas đưa ra đầu tiên là do giá gas thế giới tăng, nhưng thực hư thế nào thì cần có sự kiểm toán và kiểm soát của cơ quan quản lý. Mặt khác chúng ta cũng thấy sự tăng giá vô tội vạ của các đại lý gas trong thời gian qua là bất hợp lý. Một hệ thống kinh doanh của các công ty gas không được kiểm soát, thả nổi và tha hồ "chặt chém" người tiêu dùng, chưa kể trong đó tiềm ẩn sự không kiểm soát về độ an toàn, chất lượng và khối lượng từng bình gas. Chính sách kinh doanh và hệ thống kinh doanh của các công ty gas thời gian qua chỉ vì lợi nhuận trước mắt của họ mà không để ý đến thái độ của người tiêu dùng. Các công ty như vậy không đáng tin cậy".

Sâu sát quản lý sẽ cải thiện tình hình

Trước tình hình bất ổn của giá gas, Sở Công thương TP.HCM đang tìm giải pháp bình ổn cho mặt hàng này. Theo dự thảo kế hoạch bình ổn giá gas của Sở Công thương TP.HCM mới đây, việc bình ổn mặt hàng gas sẽ kéo dài trong một năm (từ đầu tháng 4/2012 đến hết tháng 3/2013). Giá bán được các DN tham gia chương trình xây dựng và đăng ký với Sở Tài chính TP.HCM theo nguyên tắc xác định đầy đủ cơ cấu giá thành theo các yếu tố hình thành giá, đảm bảo tính hợp lý, ổn định (từ 3 - 6 tháng) và dẫn dắt thị trường; Nếu giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng từ 5 - 10% so với đăng ký ban đầu, các đơn vị chủ động thực hiện lại việc đăng ký giá bán và được điều chỉnh giá sau khi Sở Tài chính TP.HCM thẩm định và chấp thuận.

Vương Chân - Quốc Triều