Quảng cáo kangaroo sẽ tái xuất?

Quảng cáo kangaroo sẽ tái xuất?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Một clip được cho là “bom tấn” của kangaroo lại sắp tung ra vào trận chung kết Champions League rạng sáng ngày mai.

Trong trận chung kết Champions League (C1) năm ngoái, khán giả hâm mộ bóng đá đã “phát điên” với những tiếng chát chúa của quảng cáo Kangaroo thì năm nay dân cư mạng lại truyền tay nhau một clip khác được gọi là “bom tấn”. Clip này ghi ngờ sẽ lại được “dội” vào trận chung kết C1 rạng sáng ngày mai (20/5)

Sự kiện - Quảng cáo kangaroo sẽ tái xuất?

Quảng cáo kangaroo lại tiếp tục làm “đau tai” khán giả.

Đoạn trailer clip quảng cáo của Kangaroo dài 16 giây có âm thanh mạnh, tiết tấu nhanh, người mẫu xuất hiện “vội vã” khiến người xem có cảm giác “chớp nhoáng” mà chưa kịp hiểu là quảng cáo cái gì. Sau khi đoạn clip bị “rò rỉ” trên youtube, ngay lập tức trên các trang diễn đàn đăng tải lại. Cộng đồng mạng thi nhau bình phẩm và gần như là tẩy chay Kangaroo. Nếu như năm ngoái VTV phải xin lỗi khán giả về sự phiền toái từ quảng cáo Kangaroo đưa lại thì năm nay dường như cái ám ảnh đó vẫn còn khá sâu nên cư dân mạng không ngần ngại đưa các ý kiến gay gắt phản đối sự tái xuất hiện của quảng cáo này.

Trên facebook, email conechxanh@... thẳng thừng tuyên bố “Nếu có sự xuất hiện quảng cáo Kangaroo một lần nữa thì chỉ có thể là tắt ti vi mà thôi”. Không kém bức xúc với tin đồn về sự tái xuất hiện của quảng cáo Kangaroo, “Hội những người biết tự cao” đưa ra khẩu hiệu “Không thể có sự xuất hiện của tên khủng bố Kangaroo”.

Xét về góc độ truyền thông, quảng cáo của Kangaroo gây bức xúc đến khán giả điều đó cũng đồng nghĩa nó sẽ là “tâm điểm” thu hút sự chú ý của dư luận. Từ đó nghiễm nhiên Kangaroo trở thành một thương hiệu khó quên trong lòng khán giả. Đây được coi là “độc chiêu” gây sốc đến khán giả của Kangaroo để quảng bá thương hiệu cho mình.

Tương tự với kiểu quảng cáo gây sốc đó, quảng cáo gần đây về mỳ gấu đỏ là một điển hình. Clip quảng cáo đã lấy hình ảnh của một em bé mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình không có điều kiện chạy chữa và kêu gọi tình thương của mọi người bằng việc mua mỳ gấu đỏ để ủng hộ gia đình em bé. Khi quảng cáo đó được phát sóng trên truyền hình một tuần sau mỳ gấu đỏ được bán rộng rãi tại các đại lí, siêu thị. Và đến nay mỳ gấu đỏ đã chiếm lĩnh được thị trường với số lượng lớn. Đó là hiệu ứng từ những quảng cáo “sốc” đưa lại.

Thông qua việc bàn về chiến lược kinh doanh của Kangaroo để nói đến việc sử dụng quảng cáo trên truyền hình. Một sản phẩm được đưa lên truyền hình đều nhằm mục đích phục vụ khán giả và khán giả phải là người được tôn trọng. Từ trước tới nay, đã có không ít các quảng cáo bị dư luận tẩy chay vì nhiều lí do khác nhau như gây phản cảm, ức chế, thiếu văn hóa... đến người xem. Quảng cáo của Kangaroo bị dư luận lên tiếng gay gắt như vậy, nhiều người đặt câu hỏi rằng có nên quảng cáo Kangaroo nữa hay không?.

Quảng cáo gây sốc khó tồn tại được lâu

Trước vấn đề này, PV Người đưa tin đã có cuộc phỏng vấn Th.S Bùi Việt Hà (giảng viên bộ môn quảng cáo của khoa Báo chí và truyền thông ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội). Th.s cho rằng: “Nếu gặp những quảng cáo gây sốc, không mấy dễ chịu thì đứng trên tư cách là một khán giả ai cũng có quyền tắt ti vi nếu họ muốn. Vì khán giả họ muốn được thưởng thức những món ăn ngon hơn là món ăn lạ mà khó nuốt. Nhưng với tư cách là một người làm trong lĩnh vực quảng cáo thì tôi nghĩ rằng các quảng cáo đó được nhà sản xuất tạo ra nhằm mục đích thu hút được khán giả, người tiêu dùng. Tuy nhiên, với mục đích cuối cùng là bán được hàng thì về lâu về dài những quảng cáo này cũng khó có thể tồn tại được lâu vì khán giả cũng là người rất kén chọn và là người thẩm định rất thông minh.”

Bình Minh