Quảng Ninh: Dự án 12 năm đắp chiếu, Quan Lạn nguy cơ thành đảo hoang

Quảng Ninh: Dự án 12 năm đắp chiếu, Quan Lạn nguy cơ thành đảo hoang

Thứ 7, 27/05/2017 | 15:52
0
Xã đảo Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước nguy cơ thành đảo hoang, khi không thu hút được khách du lịch bởi 1 dự án đã đắp chiếu suốt 12 năm qua.

Dự án của Công ty VIT Hạ Long nhằm phát triển du lịch, bảo vệ môi trường tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh nhưng suốt 12 năm vẫn “đắp chiếu”. Thậm chí, chủ dự án còn ngang nhiên phá rừng phòng hộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, dân sinh, khiến người dân bức xúc, kêu cứu khắp nơi… Rất nhiều người dân trên đảo đã phải vào đất liền làm kinh tế thay vì gắn bó với đảo làm du lịch.   

“Chuyến tàu không khách”

Sáu giờ sáng, nhóm phóng viên chúng tôi có mặt tại bến Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) để kịp chuyến tàu ra xã đảo Quan Lạn. Vì là nơi duy nhất để người dân địa phương và khách du lịch đi ra các đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bản Sen, Thắng Lợi, Cô Tô… nên ngay từ sáng sớm, bến Cái Rồng đã rất đông người. Thấy cảnh như vậy, một đồng nghiệp của tôi tỏ vẻ hoài nghi: “Chẳng lẽ người dân nói sai, cả nghìn người ở bến như thế này thì làm gì có chuyện rừng phòng hộ bị phá không có khách du lịch?”. Tuy nhiên, nhóm PV vẫn tiếp tục hành trình đi tìm sự thật nội dung đơn kêu cứu dày hơn 10 trang của gần 100 người dân Quan Lạn gửi tới báo Người Đưa Tin.

Xã hội - Quảng Ninh: Dự án 12 năm đắp chiếu, Quan Lạn nguy cơ thành đảo hoang

Dự án treo của công ty VIT Hạ Long tại xã đảo Quan Lạn. Ảnh Công Luân

Sau một hồi chen chúc ở quầy bán vé, cuối cùng chúng tôi cũng mua được vé chuyến sớm nhất ra Quan Lạn. Tàu ra Quan Lạn chạy vào 7h30. Bác lái tàu tầm 50 tuổi, dáng khỏe khoắn, làn da xám lại vì nắng của dân vùng biển, giọng nói đặc trưng của người dân bản xứ.

Thấy chúng tôi lên tàu sớm, bác hỏi: “Mấy cậu ra đây thăm người thân hay sao mà đi sớm thế?”. Tôi liền đáp: “Chúng cháu đi du lịch ạ”. Nghe chúng tôi nói vậy, bác lái tàu im lặng, sau bác nói giọng buồn rầu: “Bao lâu nay dân chúng tôi có ai đến du lịch đâu. Cái bến này đông là thế, nhưng khách du lịch chủ yếu đi Cô Tô (Xã đảo du lịch), chứ vào Quan Lạn chỉ có người dân thôi”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, bác lái tàu nói tiếp: “Tôi thường gọi đây là chuyến tàu không khách. Bởi lên tàu ra Quan Lạn chỉ có những người quen trong xã, thi thoảng có một vài người đi học hay đi làm xa mang theo bạn về chứ chả có khách du lịch nào chủ động đến đây. Đến mùa du lịch thì lác đác có khách, nhưng chẳng đáng là bao”.

Bảy rưỡi, tàu bắt đầu rời bến. Trên tàu có tất cả 15 hành khách nhưng chỉ có 4 chúng tôi là người lạ. Còn lại đều là những người dân đi bán bán hải sản từ sớm và trở về với gạo, thịt cùng vài thứ đồ thiết yếu. Tôi ngồi cạnh một người phụ nữ gần 40 tuổi. Chị tên Lan, quê Thái Bình nhưng lấy chồng và lập nghiệp ở đây đã 20 năm. Chị kể, 19 tuổi chị rời vùng quê nghèo lên Cẩm Phả (Quảng Ninh) làm ở mỏ than, sau đó bén duyên với một anh chàng kỹ sư địa chất.

Hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, yêu thương nhau, cùng vun vén hạnh phúc. Nhưng rồi tai hoa ập xuống. Sau một vụ tai nạn chồng chị mất 1 chân, không thể tiếp tục công tác. Vì hoàn cảnh gia đình, hai vợ chồng chuyển về quê anh tại Quan Lạn để sinh sống. Chị làm nghề đánh bắt hải sản còn anh ở nhà đan lát. “Chị đi tàu ra biển đánh cá?”, tôi hỏi. “Không, phụ nữ chúng tôi thì sao mà đi được. Tôi chỉ quanh quanh ở các đầm lầy để bắt ngao, ốc rồi đem ra ngoài này bán”. “Cuộc sống của chị ổn chứ?”, “Ngày trước thì cũng ổn, có ngày tôi bắt được cả tạ ốc, ngao. Nhưng bây giờ, ngày nào may lắm thì được 30 kg. Phần vì bắt mãi thì cũng hết, phần thì tại cánh rừng phòng hộ bị phá, mỗi khi gió về lại đưa cát từ bãi cát gần đó ra đầm nên công việc của chúng tôi ngày càng khó. Cứ đà này chẳng mấy mà những người như tôi hết việc”, người phụ nữ trầm tư.

Thấy chị nhắc tới rừng phòng hộ bị phá, tôi nói rằng, chúng tôi là nhà báo về để tìm hiểu dự án của công ty VIT Hạ Long, chị Lan nhanh nhảu: “Hơn 12 năm trước khi có dự án chúng tôi tưởng rằng sẽ giúp phát triển xã đảo nghèo này. Nhưng ai ngờ, họ phá rừng phòng hộ, dự án thì thành dự án treo, đời sống chúng tôi ngày càng khổ”.

“Vái tứ phương” nhưng chưa có hồi âm

Sau gần 1 tiếng trên tàu, chúng tôi chia tay chị Lan để đến gặp những người dân tại thôn Thái Hòa, cách nơi tàu dừng tầm 500m. Đón chúng tôi là anh Tuấn, một người dân sống tại đây. Anh Tuấn nói: “Biết nhà báo đến Quan Lạn, chúng tôi hy vọng được chia sẻ nhiều điều về dự án treo khiến người dân lao đao. Trước, chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng chẳng thay đổi được gì”.

Đại diện người dân, bác Phạm Quốc Duyệt - Bí thư chi bộ thôn Thái Hòa phản ánh: “Vào những năm 70 – 80, Đảng bộ và nhân dân xã Quan Lạn đã cùng nhau trồng cây phủ xanh đất. Với mục đích chắn sóng, gió lúc trời có bão to, gió lớn. Người dân địa phương đã trồng một rừng phi lao, như một con đê lớn che chắn cho 4 nghìn dân trên đảo. Sau, khu này được Nhà nước công nhận là rừng phòng hộ của xã Quan Lạn”.

Xã hội - Quảng Ninh: Dự án 12 năm đắp chiếu, Quan Lạn nguy cơ thành đảo hoang (Hình 2).

Bác Phạm Quốc Duyệt - Bí thư chi bộ thôn Thái Hòa. Ảnh Công Luân.

“Đến năm 2005, công ty VIT Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn cấp, giao mặt bằng với diện tích khoảng 9 héc ta để làm du lịch, dự án phải hoàn thành trong 3 năm; phải tôn trọng những gì vốn có từ thiên nhiên và người dân Quan Lạn xây dựng từ lâu, như đường đi lại trong khu vực rừng phòng hộ mà các cụ đã bố trí sắp xếp hợp lý trong nhiều đời, thuận tiện cho sinh hoạt cộng đồng dân cư trên đảo”, bác Duyệt cho biết.

Theo lời bác Duyệt, điều khiến người dân bức xúc, năm 2011, công ty VIT Hạ Long chưa thực hiện xong dự án tỉnh cấp vào năm 2005 nhưng lại mở rộng chiếm đoạt toàn bộ khu rừng phi lao do dân trồng từ trước, ngang nhiên san gạt xây dựng 1 công trình trái phép trên diện tích rừng. Cụ thể, tháng 03/2010, công ty này lại được UBND tỉnh Quảng Ninh giao trồng, bảo vệ 34,2 héc ta rừng phòng hộ. Công ty cam kết có trách nhiệm trông coi bảo vệ rừng phi lao cũ (phòng hộ), không được tác động san gạt tạo mặt bằng. Tuy nhiên, ngay sau khi được giao quản lý rừng phòng hộ, công ty này tự ý san gạt một số khu vực để lấy cát sử dụng vào việc tôn tạo và xây dựng trái phép.

 Được biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần can ngăn, lập biên bản yêu cầu công ty dừng ngay việc làm trái phép, sai mục đích, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Về việc này, lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn cũng đã có ý kiến chỉ đạo nhưng sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.

“Cho đến năm 2012, công ty VIT Hạ Long vẫn cố ý san gạt xây dựng, đào chắn hầm hố bằng dây thép gai, không cho người dân qua lại để kiếm sống, đặc biệt Quan Lạn cũng nằm trong khi kinh tế  Vân Đồn – du lịch sinh thái chất lượng cao, nên người dân bức xúc, gửi đơn đến nhiều cấp, ngành để kêu cứu”, bác Duyệt cho biết thêm.

Xã hội - Quảng Ninh: Dự án 12 năm đắp chiếu, Quan Lạn nguy cơ thành đảo hoang (Hình 3).

Các công trình xây dựng rồi bỏ hoang. 

Bác Nguyễn Quang Hiệp, thôn Đông Nam, xã Thái Hòa cho biết: “Chúng tôi đã kêu cứu khắp nơi, nhưng đến nay tình hình vẫn không chuyển biến. Việc sinh sống, làm ăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sau khi rừng phòng hộ bị phá, cát từ bãi cát lớn nằm sau cánh rừng mỗi khi gió về lại đưa vào nhà dân và các đầm nuôi trồng thủy hải sản”.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo xã Quan Lạn nêu ý kiến: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quan Lạn tha thiết mong lãnh đạo cấp trên xem xét xử lý nghiêm những việc làm sai trái của công ty VIT Hạ Long. Đặc biệt, xem xét năng lực của công ty VIT. Nếu không đủ năng lực thì yêu cầu trả lại rừng cho địa phương hoặc bàn giao cho đơn vị khác có đủ khả năng tiếp quản, đủ năng lực, giúp người dân trong xã xây dựng và phát triển đời sống ấm no, giàu mạnh”.

Công ty “cấm vận” người dân?

“Từ 2012 đến nay, công ty VIT Hạ Long vẫn cố ý san gạt xây dựng, đào chắn hầm hố bằng dây thép gai, không cho người dân qua lại để kiếm sống. Đặc biệt Quan Lạn cũng nằm trong khi kinh tế  Vân Đồn – du lịch sinh thái chất lượng cao, nên người dân bức xúc, gửi đơn đến nhiều cấp, ngành để kêu cứu”, bác Duyệt cho biết thêm.

Công Luân

Cùng tác giả

Sợ viễn cảnh độc quyền sách giáo khoa

Thứ 4, 20/07/2022 | 14:26
Độc quyền là nguyên nhân chính dẫn đến giá thành cao và chất lượng thấp của bất kỳ loại hàng hoá, dịch vụ nào, trong đó có sách giáo khoa.

Tướng Tô Ân Xô nói về việc "vây thầu" trong vụ bắt Chủ tịch Vimedimex

Thứ 5, 02/12/2021 | 20:19
Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vimedimex, bị khởi tố do sai phạm liên quan tới đấu thầu đất đai.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tăng thời hạn vắc-xin không ảnh hưởng chất lượng

Thứ 5, 02/12/2021 | 20:05
Ông Trần Văn Thuấn cho biết, việc tăng thời hạn vắc-xin thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng.

Chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an toàn, vui vẻ

Thứ 5, 02/12/2021 | 18:35
Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, tính toán, cân đối để bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

“Một số địa phương lựa chọn SGK không quan tâm đến ý kiến của cơ sở”

Thứ 3, 09/11/2021 | 18:51
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý (Đoàn Đà Nẵng) đã có trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề xã hội hoá SGK.