Quang Thắng dành hết vướng bận cho... vợ

Quang Thắng dành hết vướng bận cho... vợ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
"Mình chẳng bao giờ giấu tuổi, chẳng sợ già. Nghĩ về tiền ít thôi, càng nghĩ mặt mũi càng nhăn nheo, càng già, càng xấu. Đó cũng là bí quyết trẻ lâu của Quang Thắng".

Trước khi đến với kịch, Quang Thắng đã đóng phim rất nhiều. Thế nhưng ở địa hạt này không những mãi lẹt đẹt, ít người biết đến mà ngay cả mơ ước một lần được đóng vai đẹp trai để hẹn hò, yêu đương các người đẹp cũng chưa bao giờ thực hiện được. Phải đến khi chuyển sang sân khấu kịch, anh mới vụt sáng trở thành một “ông sao” luôn khiến khán giả phải cười nghiêng ngả.

Sự kiện - Quang Thắng dành hết vướng bận cho... vợ

Nghệ sĩ Quang Thắng

Sống vui như “anh Hai Sài Gòn”

Đã xem anh diễn và tiếp xúc với anh ngoài đời, hẳn nhiều người ngạc nhiên về anh lắm?

Thắng đơn giản lắm, dù ở đâu đi nữa thì quan trọng nhất mình phải là mình đã. Quang Thắng là Quang Thắng. Khi đã lên sân khấu thì mình phải gác lại những chuyện của cá nhân - nằm ngoài sân khấu, để tập trung hết mình vào vở diễn. Ngược lại, khi ra đường, bụi bặm, ồn ào, mình lại phải giấu cái diễn của sân khấu đi.

Anh dung hòa Quang Thắng- trên sâu khấu và Quang Thắng- ngoài đời như thế nào?

Dễ lắm. Sống vô tư, cười nhiều vào! Mình chẳng bao giờ giấu tuổi, chẳng sợ già. Nghĩ về tiền ít thôi, càng nghĩ mặt mũi càng nhăn nheo, càng già, càng xấu. Đó cũng là bí quyết trẻ lâu của Quang Thắng. Diễn viên hài luôn mong muốn đem lại cho khán giả những nụ cười sáng khoải, dí dỏm, nên ở ngoài đời cũng vậy. Lúc nào mình cũng quan niệm, mình cười với mọi người để nhận lại những nụ cười từ mọi người.

Với vốn liếng khôi hài như thế, chắc anh phải khéo ăn khéo nói lắm và chẳng bao giờ làm người khác phật lòng?

Mình là dân Hải Phòng mà, chém to kho mặn quen rồi (cười). Đùa chút thôi, chứ Quang Thắng lúc nào cũng là Quang Thắng cả. Chỉ khác nhau ở chỗ, lúc nào cần mềm mỏng thì mềm mỏng, lúc nào cần cứng rắn thì mình cứng rắn. Tùy vào tình huống, tùy vào cơn giận dữ. Đã có lần mình đã túm cổ oánh nhau rồi thôi nhưng cũng mau nguội. Tóm lại mình là người sống nhiệt tình, thẳng thắn, vô tư, sống vui như "anh Hai Sài Gòn" vậy.

Anh phát hiện ra mình có năng khiếu hài hước từ lúc nào?

Ngày nhỏ Quang Thắng đã nhí nha nhí nhố, thích làm trò, diễn tuồng rồi. Nhớ ngày trước Quang Thắng thích làm diễn viên điện ảnh lắm, cứ mong được đóng các vai yêu đương, hẹn hò cùng các người đẹp kiểu như Lý Hùng (với Diễm Hương, Việt Trinh), Lê Công Tuấn Anh (với Thu Hà, Thủy Tiên) thời đó. Nhưng khổ nỗi, chẳng bao giờ được đóng vai đẹp trai, vì có đẹp trai gì đâu, huống chi là đóng cặp với người đẹp. Cứ bước lên sân khấu là khán giả không nhịn được cười. Chắc vì mũi to, bây giờ mũi to cũng thành “thương hiệu” rồi. Thế là mình nghĩ, chắc mình có duyên với hài hơn. "Mèo lại hoàn mèo"- Quang Thắng đóng hài đến tận bây giờ.

Không dám nghĩ đưa các em lên “tầm cao mới”

Ngoài những biên kịch, đạo diễn, diễn viên đã xác lập được tên tuổi, anh có kỳ vọng ở thế hệ trẻ nhiều không?

Quả thật thế hệ trẻ chưa làm được điều này. Lâu lắm khán giả mới thấy một Thành Trung và Xuân Bắc, như một bước đột phá vậy. Cuộc thi đi tìm Vua hài đất Việt vẫn cứ ráo riết và khẩn trương nhưng vẫn chưa tìm những người có tài như mong muốn của khán giả. Vì nhiều bạn trẻ lao vào nghệ thuật theo kiểu muối xổi. Mà muối xổi thì chán lắm, chưa đủ chua - cay - mặn- ngọt.

Sự kiện - Quang Thắng dành hết vướng bận cho... vợ (Hình 2).

Với kinh nghiệm của mình, theo anh, một diễn viên hài, đặc biệt là diễn viên trẻ cần những điều gì?

Diễn viên hài cần trau dồi nhiều lắm, không những là năng khiếu, kiến thức, mà còn phải có ý thức nghề nghiệp thật cao nữa. Nhất là đam mê, chịu khó, chịu cực. Mỗi ngày, anh ta phải trau dồi cho mình vốn sống, đam mê, trải nghiệm, phải đọc thật nhiều và vốn sống thật nhiều. Hơn nữa, diễn viên hài trước hết là người có duyên. Duyên với cuộc sống, duyên với nghề, duyên với từng vai diễn.

Theo quan sát và đánh giá hiện nay, hài kịch dành cho thiếu nhi, (thậm chí những sân chơi thiếu nhi khác) đã và chưa làm được điều gì?

Gần đây, Quang Thắng và Vân Dung đang tập trung cho kế hoạch kịch thiếu nhi. Sắp tới, đoàn sẽ lôi kéo thêm Tự Long và Xuân Bắc nữa. Nhưng làm kịch thiếu nhi khó lắm, còn khó hơn làm kịch cho người lớn nhiều. Vì mình phải là thiếu nhi, phải làm thiếu nhi, phải hết sức trẻ con, hồn nhiên, các em mới hiểu và thích. Làm sao mà áp đặt những tư tưởng, suy nghĩ giáo điều của người lớn vào các em chứ!

Anh có thể nói cụ thể hơn?

Tuổi thơ của các em như trang giấy trắng vậy. Các vở kịch mà Quang Thắng và đồng nghiệp tham gia, kết thúc cũng chỉ biết khuyên các em chăm học, ngoan ngoãn, lễ phép, vâng lời thầy cô, bố mẹ, mà thôi. Quang Thắng nghĩ, mang đến tiếng cười thoải mái, sảng khoái đã là thành công rồi, chứ mình không dám nghĩ tới việc sẽ đưa các em lên "tầm cao mới" hay "uốn nắn" các em gì cả.

Anh rất nặng lòng với mảng đề tài này?

Tất nhiên rồi. Mình có con mình biết, nhìn con mình mang sách vở đã thấy thương lắm rồi. Có khi phải tính đến nước cho nó mượn cái va - ly của mấy cô... tiếp viên hàng không, để mà kéo sách vở đi, sức đâu mà vác trên vai được. Chương trình Gặp nhau cuối tuần nói rồi đấy, chúng phải mang 12 kg sách vở (là nói theo cách của Gặp nhau cuối tuần). Không hiểu sao, việc học của các em bây giờ căng thẳng quá. Giáo dục "càng cải cách càng bế tắc"(?!). Ngày trước, học như chơi vậy, nhẹ nhàng như không. Còn bây giờ, lớp 2, lớp 3 đã học thêm, sách vở chất cả núi.

“Đọc” kịch bản bằng tâm thế của khán giả

Có vẻ nền hài kịch hiện nay ở hai miền Nam- Bắc vẫn chưa có được sự phối hợp nhịp nhàng và còn nhiều điều khác biệt?

Mình không thích sự so sánh lắm. Vì đây là văn hóa vùng miền, và tùy thuộc vào gu thẩm mỹ của từng miền thôi. Có thể, người Bắc khó tính hơn. Không những là cười, mà họ còn đòi hỏi những cái khó hơn, thâm thúy hơn, chua cay hơn. Còn người miền Nam dễ tính hơn. Chẳng hạn, họ chỉ cần vui vẻ, thoải mái, những nụ cười sảng khoái sau mỗi ngày lao động cực nhọc.

Sự kiện - Quang Thắng dành hết vướng bận cho... vợ (Hình 3).

Quang Thắng cùng vợ và con gái

Tuy nhiên, có nhiều điều hài kịch phía Bắc không làm được nhưng nhiều điều hài kịch miền Nam đã làm được. Sân khấu miền Nam vẫn sáng đèn hằng đêm và chật cứng khán giả đến xem. Trong khi đó, sân khấu ngoài Bắc ngay cả khi tắt đèn để biểu diễn, ghế vẫn còn trống.

Bỏ lại hết vướng bận đời thường cho... vợ

"Nghệ sỹ nghèo lắm, không ai sống được bằng nghề của mình cả. Nếu vợ mình không hy sinh nhiều như thế, cứ đi diễn là điện thoại bảo về đi, về đi thì làm sao có được Quang Thắng như ngày hôm nay. Cô ấy thiệt thòi nhiều, mọi sự dạy dỗ, chăm sóc con cái, công việc gia đình, cô ấy đều gánh hết. Cô ấy chu toàn hết, Quang Thắng bước lên sân khấu bỏ lại hết những vướng bận đời thường cho vợ...".

(Nghệ sỹ hài Quang Thắng)

Có những vở kịch, người ta lôi kéo cả các chân dài vào để lấy tiếng, trong khi vai diễn của “chân dài” chưa đạt đến độ chín cần thiết, nhiều khi còn làm lỗi nhịp. Anh nghĩ sao về chuyện này?

Điều này Quang Thắng cũng không phê phán hay bình luận. Vì bản thân họ, tất nhiên làm gì cũng có mục đích, có thể họ muốn thu hút khán giả hơn. Họ biết được khán giả đang yêu mến, quan tâm đến chân dài đó, anh chàng đó và có thể bán được vé. Đây cũng là một cách làm thông minh. Nhưng khán giả công bằng và quan trọng lắm. Quang Thắng thấy nhiều lúc khán giả, người ta phê bình, chê mình, mình buồn lắm. Nhưng vì thế mình xem lại kỹ càng, để biết mình đúng hay sai, và càng phải làm cho hay hơn.

Những vở hài kịch mượn yếu tố văn học dân gian đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, đồng thời nó đã tạo nên những hình tượng diễn viên hài độc đáo. Tuy nhiên, những nhân vật: Cả Ngố, Râu quặp, Siêu nịnh, Tửu sắc, Lý toét xử kiện vẫn còn khá ít. Có phải vì những nhà làm kịch chưa chú trọng thích đáng?

Khi làm kịch, biên kịch, đạo diễn luôn ưu tiên và nhìn được những mặt ưu việt của văn hóa, văn học dân gian. Nhưng số lượng kịch bản hay chưa có nhiều. Trong khi, nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày một lớn và một cao. Nếu có kịch bản hay thì chắc chắn những người làm kịch sẽ không làm phụ lòng mong mỏi của khán giả bao giờ cả. Những vở kịch mang màu sắc hiện đại thì dồi dào hơn. Hầu hết, những tệ nạn xã hội, những thói xấu, quan tham, hối lộ, đút lót, chạy chọt, nịnh nọt đều được vận dụng và khai thác rất thành công.

Để đọc và hiểu kịch bản văn học, chẳng có bí kíp nào cả. Mình cứ mang tâm thế của khán giả, đọc nó một cách thoải mái nhất, dễ hiểu nhất. Chứ chẳng bao giờ Quang Thắng đọc với cảm nhận bằng đôi mắt của một nhà phê - bình lý luận sân khấu hòng tìm ra những cái khiếm khuyết. Lại càng không đọc theo cách của một nhà viết kịch, của một đạo diễn, thậm chí là của một diễn viên.

Xin cảm ơn anh!

Khiêm Nhu