Quảng Trị ngập sâu trong nước

Quảng Trị ngập sâu trong nước

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
– Tính đến 6 giờ sáng ngày 17/10/2011, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị đã ngập sâu trong nước. Hai ngày trước đó từ 14 đến 16/10, mưa to kéo dài đã gây ra ngập úng, làm hơn 3.500 nhà dân bị chìm trong biển nước.

Diện tích lúa và hoa màu bị hư hỏng nặng, một số công trình như đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi bị xói, sạt lở ở nhiều điểm…

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to. Sáng 16/10, lũ trên các sông vượt báo động 1, có nơi xấp xỉ báo động 2 như Hải Tân (huyện Hải Lăng) là 365 mm, TP Đông Hà là 368 mm, Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng) có lượng mưa lớn nhất với 407 mm.

Hiện mực nước các sông đang lên nhanh, đến chiều 16/10, mực nước sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 5,22m, dưới BĐ3: 0,28m. Một số hồ chứa ở Quảng Trị như Bảo Đài, La Ngà... mực nước đã vượt ngưỡng qua tràn và đang xả lũ để điều tiết.

Mưa lớn đã gây chia cắt nhiều tuyến đường ở TP Đông Hà như đường Lê Thế Hiếu, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, mực nước cao tới 0,5m, tràn vào cả nhà dân tới 20cm. Sáng 16/10, một chiếc taxi của hãng taxi Lê Nguyên chở 4 người trong lúc vượt qua đoạn nước chảy xiết trên đường Nguyễn Du đã bị nước cuốn trôi xuống khe suối hơn 200m.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, người dân trong khu vực đã nỗ lực tham gia cứu hộ, nhờ vậy cả 4 người, trong đó có 2 em nhỏ đã được cứu kịp thời. Nguyên nhân được xác định là do tài xế chủ quan, cố tình băng qua dòng nước xiết.

Trưa ngày 16/10, lực lượng cứu hộ tỉnh Quảng Trị và huyện Vĩnh Linh đã triển khai, huy động nhiều phương tiện cứu thành công 8 người (6 nam, 2 nữ), quê ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vào lao động ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh bị mắc kẹt trên một ngọn đồi trong rừng đưa về trụ sở UBND xã an toàn. Cũng trong sáng 16/10, 3 người dân ở xã Vĩnh Chấp trên đường đi làm về bị mưa lũ cuốn trôi nhưng rất may đã được lực lượng cứu hộ cứu nạn tại chỗ kịp thời đưa lên bờ.

Tại Huyện Hướng Hóa, nước sông Sê Pôn dâng rất cao, tràn qua hầu hết tuyến đường Lìa, buộc các lực lượng phải di dân đến chỗ cao tránh lụt. Lực lượng CSGT Công an Hải Lăng đã có mặt tại đường 8B đoạn qua các xã Hải Thiện, Hải Thành, Hải Quế để khắc phục ách tắc giao thông do đường bị ngập lụt.

Khoảng 9 giờ sáng 16/10, thi thể một nam thanh niên đã được phát hiện khi đang trong giai đoạn phân hủy nặng tại bến nước trên sông Sê Pôn (thuộc địa phận thôn Long Phụng, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa). Vụ việc lập tức được báo với chính quyền địa phương. Nạn nhân nhanh chóng được xác định là Hồ Văn Thưng, SN 1985 (trú tại Bản Vây, xã Tân Lập, Hướng Hóa). Người nhà nạn nhân cho biết, ngày 13/10 anh Thưng đi làm về lội qua suối Khe 49 (một nhánh của suối La La, chảy ra sông Sê Pôn), do nước dâng cao và chảy xiết nên anh đã bị cuốn trôi mất tích.

Ngoài ra, còn có trường hợp của Chị Nguyễn Thị Hương, quê ở tỉnh Quảng Bình vào hái cà phê ở huyện Hướng Hóa, do bất cẩn đã bị nước lũ cuốn trôi. Cuối ngày 16/10, chính quyền bản địa đã cấm các phương tiện lưu thông qua một số điểm nguy hiểm do bị ngập nước sâu.

Trước tình hình mưa lụt, UBND huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tổ chức di dời hơn 300 hộ dân với gần 700 nhân khẩu ở xã Hải Chánh đến nơi an toàn. Một số xã vùng trũng như Hải Hòa, Hải Tân, Hải Dương và Hải Quế nước đã bắt đầu dâng cao. Tại đây, mưa lớn đã chia cắt tuyến đường đi các xã Hải Thành, Hải Thiện, Hải Thọ, trong khi đó tại xã Hải Lâm rất nhiều người dân đã tổ chức sơ tán.

Ông Lý Văn Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thành cho PV biết: “Hiện địa phương đã tổ chức sơ tán cho các hộ dân thuộc các xóm Càng, xóm Cồn (thôn Trung Đơn) và thôn Phước Điền ra khỏi khu vực nguy hiểm”.

Chiều 16/10, tại huyện Đakrông, giao thông vào vùng Ba Lòng và Hải Phúc bị ách tắc do nước lũ ngập cầu tràn. Toàn bộ 3 xã thuộc vùng chiến khu xưa Ba Lòng bị cô lập trong lũ. Hàng trăm hộ dân ở vùng này đã được di dời lên nhà ủy ban, trạm y tế, ở những điểm cao tránh lũ.

Tình trạng sạt lở đất do mưa lớn ở thượng nguồn đổ về đã làm hư hỏng nhiều đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ cầu treo Đakrông (Quảng Trị) vào huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế). Tại huyện Triệu Phong, một số xã vùng thấp trũng đã bị ngập lũ, nước tràn vào vườn tược.

Ông Lê Chí Công, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, đến chiều ngày 16/10, nhiều địa phương của tỉnh đã ngập sâu trong nước. Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì Thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà là hai địa phương ngập nặng nhất do nằm gần sông Thạch Hãn và sông Hiếu.

Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị chức năng chủ động giúp nhân dân chống ngập lụt. Các hồ chứa nước trên địa bàn được duy trì lực lượng ứng trực cao nhất. Ngày hôm nay, hai hồ thủy lợi là Hồ Ái Tử mở tràn 25cm và hồ Bàu Nhung mở tràn 120cm. Hiện mưa vẫn chưa ngớt, theo dự báo mực nước các sông vẫn tiếp tục lên nhanh.

Sau đây là một số hình ảnh do nhóm phóng viên Nguoiduatin.vn ghi nhận tại miền Trung.

Nhịp sống - Quảng Trị ngập sâu trong nước
Đến 17h ngày 16/10, mực nước sông Thạch Hãn đã xấp xỉ BĐ3
Nhịp sống - Quảng Trị ngập sâu trong nước (Hình 2).

Nhiều xóm làng tại Quảng Trị bị cô lập

Nhịp sống - Quảng Trị ngập sâu trong nước (Hình 3).

Mực nước sông Ô Lâu đoạn qua Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng) dâng cao đe dọa các hộ dân sinh sống hai bên bờ sông.

Nhịp sống - Quảng Trị ngập sâu trong nước (Hình 4).

Nhiều đoạn đường chính của tỉnh Quảng Trị bị chia cắt do nước dâng cao.

Nhịp sống - Quảng Trị ngập sâu trong nước (Hình 5).

Nhiều nhà dân bị ngập nước sấp sỉ 1m.

Nhóm PV miền Trung