Quy định cưới hỏi, ma chay có giảm được biến tướng?

Quy định cưới hỏi, ma chay có giảm được biến tướng?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Theo các chuyên gia, Hà Nội đang có một quyết sách đúng đắn của để nắn dòng chảy văn hóa đang lệch hướng trong thời mở cửa.

Lâu nay, dư luận cũng như báo chí đã tốn không ít giấy mực để phê phán chuyện lãng phí trong hoạt động ma chay, hiếu hỉ, lễ hội. Những lễ nghi đã ăn sâu vào nếp nghĩ và trở thành phong tục truyền thống của người Việt đang dần bị biến tướng, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Nhịp sống - Quy định cưới hỏi, ma chay có giảm được biến tướng?

Mới đây, để góp phần thực hiện nếp sống văn minh đô thị, UBND Hà Nội đã ra ban hành quy định về tổ chức và quản lý lễ hội, việc cưới, việc tang… áp dụng cho các tập thể, cá nhân người Việt Nam trên địa bàn thành phố. Quy định nêu rõ, không được đốt vàng mã trong lễ hội, không sử dụng công quỹ làm quà mừng đám cưới, không sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan để dự đám cưới, lễ hội; không mở nhạc đám cưới trước 6h sáng và sau 22h đêm; trong vòng 12 giờ sau khi có người qua đời phải tiến hành khâm liệm và nhập quan; không tổ chức làm cỗ, mời khách ăn uống trong việc tang…

Cũng theo quy chế này, việc cưới, việc tang phải được thực hiện theo nguyên tắc trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh phù hợp với thuần phong mĩ tục của dân tộc. Cấm các hoạt động mê tín dị đoan như xem số, xem bói, gọi hồn, yểm bùa, trừ tà; cấm tổ chức chơi cờ bạc dưới mọi hình thức. Ngoài ra, văn bản mới do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc ký còn quy định chi tiết việc khen thưởng những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt và xử lý nghiêm những người vi phạm. Tùy mức độ vi phạm sẽ xử lý hành chính, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật. Thành phố sẽ bắt đầu triển khai những quy định trên từ tháng 6 này.

Quy định trên ngay sau khi ban hành đã nhận được ý kiến đồng tình của rất nhiều nhà văn hóa. Theo họ, quyết sách của Hà Nội được coi như một định hướng đúng đắn để nắn dòng chảy văn hóa đang lệch hướng trong thời mở cửa. Không ít tiệc cưới, đám tang được tổ chức rình rang kéo dài nhiều ngày, nhằm thu hút sự quan tâm và “chia sẻ” phong bì của họ hàng, cơ quan, đoàn thể. Điều này hoàn toàn trái với quy định về nếp sống văn minh của Nhà nước, đi ngược với đạo lý, truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đã không ít lần, người dân Hà thành phải ngỡ ngàng khi được chứng kiến những màn biểu diễn siêu xe trong lễ đón dâu của các đại gia. Đành rằng, những người có tiền có thể tổ chức ngày vu quy theo ý muốn. Nhưng họ không biết rằng điều đó khiến dư luận có cái nhìn phản cảm và bị đánh giá là khoe mẽ, phô trương.

Nên vận động chứ không nên ép buộc

PGS. TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa phát triển cho rằng: “Trước đây Bộ chính trị đã ban hành chỉ thị 27 liên quan đến tổ chức đám cưới, đám ma và lễ hội của người dân. Tuy nhiên đó mới chỉ là các quy định chứ chưa được đưa vào luật pháp. Vì vậy, cũng chỉ là vận động nhân dân làm theo. Nếu dự định triển khai từ đầu tháng 6 thì trước tiên các ban ngành liên quan cần phải có những nội dung rõ ràng, cụ thể để người dân hiểu, thông suốt. Đồng thời, không nên ép buộc người dân mà hãy vận động để họ thực hiện nếp sống mới văn hóa, văn minh”.

Hạn chế lãng phí, tiêu cực

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, sinh viên Học viện Ngoại giao đưa ra ý kiến bình luận: “Tôi nghĩ các quy chế này thể hiện sự tiến bộ của người dân Việt Nam trong việc tiếp nhận những luồng văn hóa mới, đặc biệt trong việc tổ chức các sự kiện mang ý nghĩa quan trọng. Hiện nay có rất nhiều gia đình lợi dụng việc tổ chức hiếu, hỉ để nhằm mục đích kinh tế. Các lễ hội cũng bị biến tướng nghiêm trọng khi trở thành các sân chơi kinh doanh kiếm lời. Nếu nghiêm chỉnh áp dụng các quy chế này tôi tin sẽ giảm thiểu tối đa sự lãng phí, tiêu cực không cần thiết cho người dân”.

Cần xử phạt nghiêm khắc

Chị Phan Phương Chi, cán bộ trung tâm văn hóa Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết: “Đây là một quy định rất đúng đắn và nên áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc chứ không chỉ co cụm ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, hiệu quả của nó đi đến đâu lại tùy thuộc vào ý thức người dân. Nếu không thực sự xuất phát từ ý thức thì họ chỉ tuân thủ theo kiểu đối phó. Như chúng ta đã biết, việc ma chay, cưới hỏi, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Ai cũng nghĩ rằng, cả đời chỉ có một lần nên phải tổ chức thật “hoành tráng” để thể hiện “đẳng cấp” gia đình. Nhiều người biết phạt nhưng cứ làm. Vì thế, bên cạnh công tác tuyên truyền, cần có những hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn mới mong đạt được kết quả mong muốn”.

Nhịp sống - Quy định cưới hỏi, ma chay có giảm được biến tướng? (Hình 2).

Phép vua thua lệ làng

Bà Phạm Thị Hoa (69 tuổi, Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: “Phong tục, tập quán của ông cha ta từ xưa đến nay đã trở thành gốc rễ, khó lòng có thể thay đổi. Quy định về việc tổ chức ma chay, cưới hỏi, văn hóa lễ hội không phải bây giờ mới có nhưng kết quả khi đưa vào thực hiện thì không “khả thi”. Vì mỗi nơi có một phong tục. Lớp thanh niên trẻ luôn có ý nghĩ, một đám cưới sẽ tẻ nhạt như thế nào nếu không có tiệc tùng, mâm cỗ?. Ma chay là chuyện thiêng liêng, là dịp để con cháu thể hiện “nghĩa tận” với cha mẹ, ông bà. Đốt vàng mã là chuyện để “phúng viếng” người cõi âm, với quan niệm “trần sao âm vậy”…Quy định là một chuyện nhưng việc áp dụng đến đâu là một chuyện khác”.

Phải đảm bảo thuần phong mỹ tục

Ông Vi Xuân Long, Tổ trưởng tổ dân phố Tân Mai, Hoàng Mai cho biết: “Trước đây, chuyện ma chay, hiếu hỉ…của dân ta hết sức đơn giản, nhẹ nhàng và đầm ấm. Nhưng trong một số năm gần đây, hiện tượng này bị “biến tướng”, là dịp để người ta “khoe” đẳng cấp, thể hiện sự “hơn người”… Đám cưới tổ chức tiền tỉ, ma chay có xe siêu sang đưa rước. Tất cả cho thấy sự lãng phí trong khi đất nước ta còn nghèo nàn. Theo tôi, quyết định này cần được thực hiện linh hoạt, vừa song song đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân vừa đảm bảo thuần phong mỹ tục. Cần có sự phối, kết hợp giữa gia đình, tổ dân phố và cơ quan chính quyền để quy chế được thực hiện rộng rãi”.

Việc áp dụng nên linh hoạt

Từng trao đổi vấn đề này, TS. Đỗ Kim Thịnh, Cục văn hóa thông tin cơ sở cho biết: “Thật ra tinh thần chính của quy chế là vận động, tuyên truyền, nghiêng về khuyến khích, chứ không đến mức cấm đoán. Về những hoạt động "không nên" mà quy chế đưa ra khá chung chung. Nhưng khi thực hiện, cần phân cấp mức độ cụ thể. Còn những hoạt động quá nặng về mê tín dị đoan ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân thì nên cấm hẳn. Văn bản Nhà nước đưa ra chỉ đóng vai trò là định hướng. Các địa phương vẫn có thể thực hiện một cách linh động dựa trên điều kiện cụ thể từng vùng”.

Hương Giang – Bảo Hằng


Tag: xem bói