Quy hoạch 2 bờ sông Hồng: Chọn đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm

Quy hoạch 2 bờ sông Hồng: Chọn đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm

Thứ 7, 25/03/2017 | 17:36
0
Bản chất sông Hồng là sông lớn và dữ. Để quy hoạch 2 bờ sông cần mời những đơn vị chức năng có đủ năng lực và bề dày kinh nghiệm.

Quy hoạch 2 bờ sông Hồng không còn riêng là câu chuyện về kinh tế

Sự việc tập đoàn Geleximco - một trong 3 nhà đầu tư tự nguyện đóng góp tài chính phục vụ công tác nghiên cứu lập quy hoạch 2 bờ sông Hồng, muốn mời viện Thiết kế và Quy hoạch TP.Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia tư vấn lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Xác nhận thông tin này với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Văn Hậu - Phó tổng giám đốc tập đoàn Geleximco cho biết: “Phía đơn vị cũng chỉ giới thiệu đơn vị tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch, còn việc chọn đơn vị tư vấn của Hà Lan hay Trung Quốc do lãnh đạo UBND TP.Hà Nội quyết định”.

Theo tìm hiểu của PV, ý tưởng quy hoạch thành phố ven sông Hồng đã có từ những năm 2006 – 2007 nhưng chưa thể triển khai. Năm 2016, dự án được khởi động trở lại với sự tham gia của 3 tập đoàn lớn trong nước là tập đoàn Vingroup, công ty CP XNK tổng hợp Hà Nội (Geleximco), công ty CP tập đoàn Mặt trời (Sun Group).

Cuối tháng 12/2016, Hà Nội đã thành lập ban Chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch dọc 2 bên sông Hồng, do ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội làm trưởng ban.

Dù Hà Nội đã lên tiếng phủ nhận thông tin chọn nhà tư vấn là viện Thiết kế và Quy hoạch TP.Hàng Châu tham gia lập quy hoạch 2 bờ sông Hồng nhưng giới chuyên gia cũng không quên cảnh báo, việc này cần tính toán hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt, việc quy hoạch 2 bờ sông Hồng không còn riêng là câu chuyện về kinh tế.

PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội đánh giá: “Thông tin về quy hoạch thành phố ven sông Hồng đã có từ lâu nhưng chưa triển khai. Năm 2016 mới được khởi động trở lại với sự tham gia của các tập đoàn lớn. Dự án cải tạo đô thị, thiết kế khai thác, phát huy giá trị cảnh quan 2 bên bờ sông là rất tốt. Nếu dự án được triển khai, theo tôi, cần phải tính toán rất kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật. Sông Hồng là con sông tự nhiên nên phải đảm bảo dòng chảy. Bởi về bản chất vấn đề chúng ta phải thấy sông Hồng là một con sông lớn và rất dữ”.

Xã hội - Quy hoạch 2 bờ sông Hồng: Chọn đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm

 PGS.TS Nguyễn Vũ Phương: "Sông Hồng là con sông tự nhiên nên phải đảm bảo dòng chảy". Ảnh: Nguyên Mạnh

Chia sẻ thêm về đặc thù của sông Hồng, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương nói: “Việc xây dựng đô thị 2 bên bờ sông nhiều nước đã từng làm nhưng việc tác động này phải tùy vào thực trạng của sông. Sông Hồng bản chất là sông lớn, lưu lượng nước lớn và rất hung dữ, nó chỉ hiền hòa từ khi có thủy điện Hòa Bình. Cho nên, cách tiếp cận với sông Hồng phải khác với những con sông cũng nằm trong đô thị trên thế giới. Cộng thêm, khoảng cách hai bên bờ sông Hồng khá lớn. Chưa có con sông nằm trong đô thị nào mà phải xây cầu vài km để đi qua như sông Hồng cả”.

Cùng chung quan điểm phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn đối tác tham gia triển khai đề án, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương chia sẻ: “Trong đề án, chắc chắn cơ quan chức năng phải tìm hiểu rất nhiều dữ liệu về địa chất, thủy văn... Đây là cả một quá trình nghiên cứu dài chứ không phải 1-2 năm là xong. Việc tham vấn cho Hà Nội về vấn đề này cần một đội ngũ tư vấn với kiến thức tổng hợp, bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề như văn hóa, cảnh quan, kiến trúc. Vị trí đô thị 2 bên bờ sông sẽ rất đẹp, thuận lợi nhưng không nên khai thác một cách triệt để. Chúng ta không thể xây dựng quá nhiều tòa nhà trên đó. Nếu mật độ các công trình quá dày sẽ ảnh hưởng đến nền đất ở khu vực bờ sông dẫn đến không an toàn về vấn đề đê điều. Bởi đây là những vùng đất bồi rất yếu. Hơn nữa, việc tác động quá nhiều vào 2 bên bờ sông sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy”.

“Tôi cho rằng chúng ta không thể qua một vài kinh nghiệm thực tế ở các nước để thực hiện ở sông Hồng. Tức là việc này nên nghiên cứu kỹ chứ không phải nước ngoài làm mình cũng làm. Dù chúng ta có làm gì nhưng mục đích chống lũ vẫn phải được đưa lên hàng đầu. Đối với các nhà đầu tư, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận sau khi thực hiện dự án. Nhưng đứng ở góc độ quản lý Nhà nước, chúng ta phải rất quan tâm đến nhiệm vụ dài hạn. Chúng ta phải nghĩ cho Hà Nội 100 năm, 1.000 năm sau”, ông Phương nói.

Cần đơn vị có bề dày kinh nghiệm

Bàn luận thêm về dự án trên, GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho hay: “Bức tranh Hà Nội thời cận đại so với dòng sông luôn chuyển dịch. Tính đến giờ phút này, hầu như Hà Nội vẫn quay lưng ra sông Hồng. Thông thường, các thành phố gần sông bao giờ cũng quay mặt ra sông. Dù có thế nào đi chăng nữa, cũng không thể nghĩ sông Hồng có thể biến thành sông Seine (Pháp), thậm chí cũng không thể giống sông Hương ở Huế. Bởi các dòng sông đó có thể khống chế được, có thể bao bọc, “đai nịt” được. Chính vì vậy, phải ứng xử với sông Hồng khác”. 

Về việc quy hoạch 2 bờ sông Hồng, TS.Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng: “Trong Quy hoạch sẽ nêu các phương án và tiến hành đánh giá tính khả thi về kỹ thuật, công nghệ, tài chính, môi trường v.v. Sau khi chọn được phương án khả thi nhất, sẽ lập kế hoạch đầu tư và cho thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật, giải pháp thi công để xây dựng công trình. Trong những giai đoạn nêu trên thì giai đoạn quy hoạch phải được đánh giá kỹ và xem xét trong suốt vòng đời của dự án (tới hàng trăm năm sau) sao cho công trình không gây ra những tác động xấu theo các tiêu chí nêu trên.

Với quan điểm trên, theo tôi, Hà Nội cần mời những viện quy hoạch thuỷ lợi, cùng viện quy hoạch xây dựng của Hà Nội, những đơn vị chức năng có đủ năng lực và bề dày kinh nghiệm để thực hiện. Nhất thiết không mời tư vấn nước ngoài và tư vấn trong nước không có chức năng, bởi lẽ những số liệu cho việc lập quy hoạch cần được cung cấp đầy đủ, kể cả những số liệu có liên quan đến an ninh quốc gia, thì quy hoạch mới thành hiện thực".

Nguyên Mạnh