Quyên sinh vì phải ... đi học

Quyên sinh vì phải ... đi học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Có một nghịch lý: Nhiều em học sinh miền xuôi phải đi làm thêm lấy tiền đóng học để được đến trường, trong khi ở vùng cao, học sinh tiểu học được Nhà nước nuôi, cha mẹ bắt đến trường thì lại có hiện tượng... tự tử.

Ở Trạm Tấu (Yên Bái), học sinh nghỉ học, thầy cô phải đi bộ cả ngày đường đến bản vận động các em trở lại lớp. Nhưng có em vừa quay lại trường, ngày hôm sau lại bỏ về nhà, thậm chí ... tự tử để thoát hỏi cảnh học.

Xã hội - Quyên sinh vì phải ... đi học

Nhiều em vừa học lớp 6, lớp 7 đaã̈ lấy vợ, lấy chồng nên lớp học vắng hoe

Tự tử vì phải ... đi học

Đó là nỗi trăn trở không dứt của những thầy cô giáo nơi vùng cao Trạm Tấu. Tại những xã đặc biệt khó khăn - núi cao, đường sá đi khó khăn phải mất vài ngày đi bộ, thầy cô giáo vẫn cần mẫn như chú ong thợ vào bản vận động các em về lớp học. Thầy Vũ Ngọc Minh- Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS Khấu Ly (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu) ưu ái dành cho những người thầy, cô vào bản vận động học sinh đi học là "sứ giả" của con chữ; kể những câu chuyện "cười ra nước mắt" cho PV nghe.

Người Mông không coi trọng việc học, họ chỉ tâm niệm làm sao có một mùa bội thu, có người làm việc nhà, lên rẫy trồng lúa, trồng ngô. Vì thế, khi nhìn thấy thầy cô giáo vào bản họ rất "ghét". Thầy Minh rầu rĩ nói: "Lạ thay, có nhiều em muốn đi học thì bố mẹ không cho đi, bắt ở nhà làm rẫy,nhiều cũng gia đình muốn con học cái chữ thì chúng van nài được ở nhà, thậm chí dọa tự tử nếu bí "ép" đi học".

Thầy Minh kể, đã tận mắt chứng kiến 5 học sinh xin được… chết, nếu bố mẹ "ép" đi học. Hôm đó là một ngày mùa đông năm 2009, thầy Minh vào bản Tàng Ghênh để vận động Giàng Thị Xua tiếp tục theo học lớp 6. Thấy các thầy cô giáo vào nhà, Xua chạy, vừa chạy vừa khóc nức nở. Thầy Minh đã đuổi theo và đưa Xua về nhà, nhưng Xua chắp tay van xin thầy đừng "bắt" em đến trường. Cô bé một mực đòi chết và chạy thộc xuống bếp lấy dao quắm gí vào cổ. Vì Xua thích ở nhà làm rẫy. Thầy Minh bảo rằng, Xua không phải là trường hợp cá biệt.

Ở xã Bản Mù, thầy đã được chứng kiến không biết bao lần các em dọa chết nếu phải đến trường. Cách đây vài năm, thầy Minh vào bản Giàng La Pán, Háng Chi Mua, Mông Đơ, Mù Cao… đã có vài em dọa tự khi biết thầy cô vào vận động các em quay lại lớp. Trường hợp cá biệt, học sinh lớp 1 được cha mẹ đưa trở lại lớp đã ăn lá ngón tự tử và viết thư gửi lại cho gia đình bằng tiếng Mông.

Câu chuyện mà thầy Minh kể khiến chúng tôi cảm thấy xót lòng. Trong khi nhiều trẻ nhỏ muốn được cắp sách đến trường nhưng vì cảnh nghèo mà phải ở nhà. Đằng này, ở nơi rẻo cao xã Bản Mù, nhiều học sinh được bố mẹ tạo điều kiện cho đến lớp, đến trường lại trở thành áp lực khiến chúng phải tìm đến cái chết

Lấy vợ từ thuở lớp 5

Câu chuyện mà thầy Minh kể cho PV dường như không có hồi kết. Có lẽ ấn tượng và ngỡ ngàng nhất với tôi chính là chuyện lấy vợ, lấy chồng từ thuở lớp 5. Pàng A Su- học sinh lớp 6B trường THCS Khấu Ly lấy vợ từ hồi lớp 5. Từ khi lấy vợ, Su thỉnh thoảng mới đến lớp. Mặc dù được các thầy cô động viên đến lớp nhưng Su bảo chẳng có bụng dạ nào để học chữ. Đến lớp thì nhớ vợ. Nhưng khi PV hỏi: "Sao e lấy vợ sớm thế?", Su thản nhiên trả lời: "Thấy thích thì cưới. Cưới về cho nó làm ruộng". Câu trả lời của Pàng A Su ngô nghê đến lạ thường nhưng nó phản ánh một thực tế đang diễn ra ở nơi rẻo cao Yên Bái. Quan niệm của người Mông, lấy vợ cốt để có người làm việc.

Kể chuyện về những học sinh "lấy vợ bỏ cuộc chơi", thầy Minh nhắc đến cái "lý" của người Mông. Mỗi khi có học sinh bỏ học, cả đoàn trường đi vận động nhưng nhiều khi cũng bất lực trước cái lý rất... vô lý, rất người... Mông. Nhiều ông bố, bà mẹ người Mông để bảo vệ cho nạn tảo hôn, họ lấy cái "lý"- phong tục duy trì từ ngàn đời nay. Đời cụ kị, ông bà, bố mẹ tảo hôn, đến đời con, cháu cũng thế thôi, có gì lạ?

Thầy Minh bảo rằng, học sinh bỏ học về lấy vợ, lấy chồng là chuyện bình thường ở xã Bản Mù. Nhưng với tôi, câu chuyện như trong cổ tích, nghe lạ lẫm quá. Trường THCS Khấu Ly được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc khá khang trang nhưng đời sống học sinh vẫn rất kham khổ. Trung bình mỗi bữa ăn của học sinh chỉ có 1.000 đồng. Ở thành phố, chẳng ai hình dung nổi bữa ăn 1.000 đồng - bữa ăn chẳng mua nổi mớ rau.

Nhắc đến chuyện bữa ăn, thầy Minh muốn ám chỉ với tôi câu trả lời vì sao trẻ bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm. Bởi, với người Mông cái ăn mới quan trọng, cái chữ không biết vẫn cứ sống. Vì thế mà, nạn tảo hôn cứ thế tiếp diễn, nhiều nhất là tảo hôn rơi vào lứa tuổi học sinh lớp 7, 8, 9. Cứ mỗi dịp lễ tết, số học sinh lại vơi đi một ít, đa số bảo ở nhà trồng ngô, lấy cỏ… nhưng thực chất chúng đã lấy vợ, lấy chồng rồi không đi học nữa.

Hôm tôi đến thăm lớp 8B, tôi thật sự ngỡ ngàng khi biết tin em Mù A Giàng vừa lấy vợ. Nhưng khi tôi hỏi thăm, Giàng ngại ngần, xấu hổ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của tôi.

Cũng trong lần thăm trường, tôi có dịp tiếp xúc với Pàng A Lư- học sinh lớp 9. Lư bảo, cậu lấy vợ được hơn một năm rồi và đã có một cậu con trai kháu khỉnh. Lý do mà Lư lấy vợ khi đang còn theo học chỉ đơn giản vì: "Nhà không có người làm nên em lấy vợ"!? Lư cũng không biết vợ sinh năm bao nhiêu. Chỉ biết ưng mắt là cưới về. Lư bảo, học ở trường cứ cuối tuần mới về thăm vợ.

Nói đến chuyện lấy vợ, Pàng A Lư cười, thẹn đỏ mặt. Tất tật việc tìm hiểu, dạm nhà, dạm ngõ, sính lễ đều do bố mẹ quyết định hết. Lư nói, nhiều bạn mới 16 tuổi, đã kịp có 2 con, thầy giáo động viên mãi nhưng xấu hổ không đi học nữa…

Câu chuyện của Lư khiến tôi mường tượng đến cảnh cuộc sống quẩn quanh lại đeo bám lấy đôi chân trần của các em…

Xót lòng cảnh quỳ lạy xin thầy cô cho con nghỉ học?!

Thầy Minh bảo rằng, ở trường, thầy cô không chỉ có nhiệm vụ dạy chữ cho các em, mà còn phải vượt rừng vào tận thôn bản để "đòi" học sinh. Tình trạng các em học sinh cấp 2 nghỉ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng là rất phổ biến. Thâầy cô phải đi thuyết phục, năn nỉ bố mẹ và các em đến khản cả cổ nhưng có khi lại bị mắng như hắt nước vào mặt. Thậm chí, có nhiều gia đình khi thầy cô đến nhà vận động học sinh quay lại lớp, bố mẹ còn quỳ lạy, van xin thầy cô đừng bắt cháu đi học. "Tình trạng tảo hôn ở miền núi không phải là hiếm. Có trường hợp học sinh nữ học hết tuần, về nghỉ là lấy chồng và ở nhà luôn. Với những trường hợp đó thì các thầy cô cũng không còn cách nào khác", thầy Minh kể.

Ngân Giang