‘Rỗi chạy nồi rang cũng chạy!’: Tiếc nuối câu phương ngôn

‘Rỗi chạy nồi rang cũng chạy!’: Tiếc nuối câu phương ngôn

Thứ 2, 28/11/2016 | 16:32
0
Trong đối thoại hằng ngày, nhiều người vẫn thường dùng đan xen thành ngữ, tục ngữ làm ngữ liệu giao tiếp. Tiếc rằng có những câu phương ngôn thông dụng một thời nhưng lại bị chìm dần vào quên lãng.

Thành ngữ, tục ngữ là vốn quý của tiếng nói dân tộc, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử bằng nhiều hình thức. Đã có nhiều công trình biên soạn về đề tài “Thành ngữ, Tục ngữ”, song đa phần các soạn giả thường chú trọng việc sưu tập giới thiệu, chứ hiếm thấy giải thích ý nghĩa, trích dẫn xuất xứ hoặc hướng dẫn cách dùng.

Thời gian gần đây, các Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam mới được xuất bản đã “giải mã” thông suốt một số vốn từ bị động - tuy nội dung đôi chỗ vẫn đang gây tranh cãi. Có sách còn tìm tòi bổ sung phương ngôn (tục ngữ địa phương) trên khắp mọi miền đất nước. Việc sưu tập tuy công phu nhưng cũng không tránh khỏi bỏ sót nhiều câu phương ngôn hay, ra đời từ thực tiễn cuộc sống của người dân.

“Rỗi chạy nồi rang cũng chạy!” là câu phương ngôn từng được đồng bào ở các tỉnh miền Trung Trung Bộ sử dụng suốt nhiều thập niên qua, để cười chê thói đua đòi bắt chước hợm hĩnh; nhưng đáng tiếc câu khuyên răn của người xưa hiện đã mai một.

Tin cũ - ‘Rỗi chạy nồi rang cũng chạy!’: Tiếc nuối câu phương ngôn

"Rỗi chạy nồi rang cũng chạy!"

Ảnh minh họa.

Nhớ hồi còn bé, cứ mỗi lần tôi bắt chước người khác làm điều gì trái khoáy thì liền bị bà quở trách “Thôi đi, đừng có mà... rỗi chạy nồi rang cũng chạy!”. Để tiện hình dung ý nghĩa của câu phương ngôn này, có thể nêu ví dụ tương tự như trường hợp thất bại cay đắng của “ca sĩ” Lệ Rơi khi anh nông dân trồng ổi hoang tưởng dấn thân vào showbiz Việt.

Bởi là phương ngôn nên có từ “rỗi” chắc chắn gây khó hiểu cho người ở những vùng miền khác. Ít ai biết câu phương ngôn trên được đúc kết từ câu chuyện như sau:

Xưa kia, đàn ông tuổi trung niên không có nghề nghiệp ổn định, cũng không có ruộng đất thường dùng... cây đòn gánh để làm kế sinh nhai. Cứ sáng tinh mơ, từng tốp người lực lưỡng tập trung tại các cửa biển đợi thuyền về để gánh cá thuê lên thành thị cho kịp phiên chợ buổi sáng.

Chỉ nghe gọi những người gánh cá thuê bằng “bạn hàng rỗi” mà chẳng biết “rỗi” ở đây có nghĩa liên quan gì đến “rảnh rỗi” hoặc “rỗi rãi” hay không. Song phải công nhận bạn hàng rỗi có sức khỏe phi thường. Họ gánh trên vai mấy chục ký cá mà đôi chân vẫn thoăn thoắt di chuyển qua cả chục cây số không ngừng nghỉ, khi bị mỏi thì vừa chạy vừa xoay đòn gánh sang vai.

Theo giai thoại, có lần anh bán gánh nồi rang (nồi làm bằng đất nung rất dễ vỡ) trên đường đi nhìn thấy bạn hàng rỗi... chạy quá bèn bắt chước gánh chạy theo. Kết cục là bạn hàng rỗi kịp đến chợ sớm nên cá tươi ngon, bán được giá. Còn anh hàng nồi rang cũng đến chợ sớm nhưng nồi bị vỡ sạch.

Từ đó người đời mới có câu chế nhạo:

Rỗi chạy nồi rang cũng chạy

Rỗi chạy thì rỗi có lời

Nồi rang mà chạy rồi đời nồi rang!

Mãi đến khi xe máy xuất hiện ở Việt Nam, những chiếc Honda được dùng làm phương tiện vận chuyển cá, từ “bạn hàng rỗi” gần như biến mất khỏi ngôn ngữ hiện đại.

Tuy câu phương ngôn có vẻ đã... lỗi thời, nhưng xem ra cách sống kiểu “Rỗi chạy nồi rang cũng chạy!” ở thời nay vẫn xảy ra ì xèo khắp chốn…

Lệ Hoa/NĐT