Rợn người “vua săn rắn miền Tây”

Rợn người “vua săn rắn miền Tây”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Lũ bao đời nay cho người dân ĐBSCL đất đai phù sa, sông đầy tôm cá, và như mọi năm, lũ năm nay còn mang về những con rắn béo mẫm. Khi gốc rạ chỉ còn trơ cùi, ruộng đồng tinh tươm, gạt đi sự lo toan những con người phóng khoáng miền sông nước lại bắt đầu một nghề mới. Nghề săn rắn.

Đêm trắng

"Về miền Tây mùa này có nhiều sản vật có sẵn, cá tôm, cua, ếch lươn...cho đến chuột đồng, nhưng thú vị nhất vẫn là theo cánh người lớn hoặc trẻ con đi săn bắt rắn, vừa vui vừa sợ nhưng vẫn thích thú", một thổ địa đi chung đò thổ lộ. Thấy giới thiệu thế khiến một người ưa phiêu lưu, khám phá như tôi tò mò và nảy sinh ý định, theo chân cánh săn rắn một hôm xem sao. Sau khi lân la, tôi được anh lái đò giới thiệu đến làm quen lão nông - vua săn rắn Lê Văn Phú, quê An Giang, lão đồng ý cho tôi theo.

Màn đêm buông chầm chậm trên vùng rốn lũ, nước cuồn cuộn chảy, mưa rả rích, ánh đèn pha loang loáng màn nước đục. Tôi và ông Phú nai nịt gọn gàng, chuẩn bị đèn pin, áo mưa và không quên mang theo giỏ đựng cùng cây vợt lên đường. Chiếc xuồng xuôi mái chèo lừ đừ trờ khỏi căn nhà, nhắm thẳng hướng những lùm cây rậm rạp hướng ấp Chi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp.

Xã hội - Rợn người “vua săn rắn miền Tây”
Dù lũ trẻ tranh thủ bắt rắn chạy lũ chờ ngày trở lại trường, nhưng đằng sau đó ẩn chứa bao hiểm nguy rình rập

Năm nay rắn nhiều, nước lên ngập miệng hang, không có nơi ẩn, rắn cũng chạy lũ như người, chỉ cần đón đầu con nước là dễ dàng bắt được những con rắn béo ngậy. Đôi bàn tay quen mái chèo lượn mũi ghe một cách điệu nghệ, mặt lão Phú đăm chiêu nhưng đôi mắt rõ phần căng thẳng, lão chia sẻ kinh nghiệm những bụi rậm thường là những ổ rắn, khóm cây càng lẻ loi, rắn bơi đến càng nhiều.

Nếu có ổ thì chúng cuộn tròn như cuộn dây thừng, lúc đó thả sức mà thu. Câu chuyện càng khiến tôi phải trầm trồ thán phục khi lão bĩu môi khoe nếu trúng tủ chỉ cần một đêm ròng sáng mai cũng bộn tiền, đủ nuôi cả gia đình qua những ngày lũ.

Lão kể, cũng vì cái nghề này mà lão tìm được một nửa của mình ngay trên sông nước. Số là một hôm lão chăm chú theo đuôi một con rắn, đến khúc quẹo của con rạch, lão dang tay vợt chụp con rắn thì cũng là lúc chiếc vợt từ phía đối diện đụng đầu. Ngước lên hai người ngượng ngùng nhường chiến lợi phẩm, tất nhiên sau lần đó hai người thường hẹn nhau cùng đi săn rắn, cùng chung lối về. Rồi cũng thầm yêu, trộm nhớ, sau một mùa lũ họ đã thành vợ thành chồng.

Đến nay hai người đã có với nhau mấy mặt con, nhưng tình yêu vẫn mộc mạc, bền như cái tình yêu chân chất của con người nơi đây với biển trời sông nước. Hồi tưởng đến đó lão lại nhe hàm răng vàng ố thuốc lào cười đầy tình ý.

Đang vui bỗng nhiên lão khựng lại. Suỵt...! Im lặng! lão đưa tay quét chiếc đèn pin, ánh đèn pha thấy cả cọng cỏ năn, một chú rắn đang nhú đầu ngoảy ngoảy bơi cuống quýt về phía bụi rậm. Lão quẩy mạnh tay chèo chiếc xuồng đuổi theo. Như biết được đang bị truy sát chú rắn càng bơi nhanh hơn, bỗng lão áp sát, nhanh tay đưa vợt ra phía trước hớt một cái, con rắn nằm gọn trong vợt, cố ngoe nguẩy thoát thân.

Chưa kịp chia vui thì lão lại khiến tôi giật nảy mình khi thò tay vào túm ngay đầu con rắn bỏ vào giỏ. "Nó bình thường cứ như hồi nhỏ tôi theo cha, nhặt những củ khoai lang ngoài ruộng đem bỏ vào rổ", nghe lão Phú giả như củ khoai là con rắn thì tôi hơi ớn. "Thế nhỡ bắt phải rắn độc thì sao?", tôi hỏi.

Lão cười xòa, lão bảo: "Tôi qua hơn nửa đời người cùng mùa nước rồi cũng bị rắn độc, rắn lành cắn hoài thế mà có chết đâu". Cái chủ quan cố hữu của người nông dân làm tôi hơi rờn rợn. Dưới ánh đèn pin, lão Phú chìa đôi bàn tay xù xì như muốn cho người khác kiểm chứng, đôi bàn tay đen gầy hằn nhiều vết sẹo cũ mới, nhiều chỗ vẫn còn rơm rớm máu. Lão bảo tất cả đều là do rắn cắn nhưng may thay đều kịp thời cứu chữa.

Sau một buổi lượn ghe ngang dọc lùng sục, tôi đã thấm mệt, chiếc giỏ của lão cũng đã trĩu quai. Nhìn tôi, nhìn giỏ lão cười vẻ hài lòng thôi, chừng này cũng đã kha khá, đủ để đong mấy chén gạo ngày mai, còn đâu mình thỏa chí lai rai. Thoắt kim đồng hồ đã chỉ 2h sáng, gần trắng đêm dầm mưa, về nhà vừa đặt lưng, tôi đã chìm vào giấc ngủ khi nào không hay.

Kỳ thú với lũ trẻ theo đuôi rắn

Xã hội - Rợn người “vua săn rắn miền Tây” (Hình 2).
Loài Hổ Chuối là đặc sản không thể thiếu trong bữa cơm ngày lũ của người dân Tân Hồng, Đồng Tháp

Sau một đêm ròng thấm nước, người mỏi nhừ, đang lơ ngơ ngái ngủ chưa biết chuyện gì thì bên vách nhà đã rộ lên tiếng trẻ ý ới, rồi tiếng xẻng khoét đất từng nhát ngọt. Tò mò rời giường xem, phía bờ mương một tốp trẻ nhem nhuốc bùn đất đang lúi húi đào cái gì đó, hóa ra ăn theo mùa nước lũ không chỉ có người lớn, mà còn có cả trẻ con. Lũ về đường tới trường cô lập, trường học phải đóng cửa tạm nghỉ, với những đứa trẻ vô tư lại lấy đó làm thích thú, là dịp thỏa thích tung hoành trên những cách đồng mênh mông, bạt nước lần tìm hang rắn.

Chen chân cùng lũ trẻ, thấy tôi có vẻ lạ lẫm, một cậu bé da ngăm đen, đầu gối củ lạc tò mò: "Anh ở xa tới hả? đã đi bắt rắn lần nào chưa?". Tôi mỉm cười lắc đầu rồi lẳng lặng quan sát. Dường như việc truy sát rắn thú vị hơn cả chuyện ngồi bó chân cùng sách vở nên cả nhóm rất say sưa. Đứa bé cầm xẻng trông có vẻ ngửi được mùi rắn nên cái xẻng cứ khoét từng mảng đất, thoắt cái đã tạo thành chiếc hố sâu hoắm.

Chợt đuôi con rắn lòi ra, cả đám vây quanh, tay chỉ trỏ, mắt chăm chú, chân tư thế sẵn sàng xung trận. Trong chớp mắt, con rắn trong lỗ lao nhanh ra ngoài định thoát thân thì bị đám trẻ con nhanh tay tóm gọn. Lũ trẻ còn khiến tôi mắt tròn mắt dẹt khi cầm những con rắn bắt được quấn vào cổ, vào người trông ghê rợn.

Thấy tôi sợ, một đứa trấn an: "Đây chỉ là rắn hổ hành thôi anh ạ, nó rất hiền, nếu có cắn cũng không...chết". Cả nhóm ồ lên cười rồi biểu diễn tư thế trước ống kính máy ảnh. Trước cảnh tinh nghịch rất đỗi yêu thương đó tôi cũng kịp nhớ lưu lại mấy tấm hình làm kỷ niệm chuyến đi. Năm nào, mùa ấy lũ lên các ngõ trong thôn ấp lũ trẻ lại chia nhau từng cặp, trên những chiếc xuồng nhỏ túa ra các ngã kênh rạch bắt rắn phụ giúp kinh tế gia đình.

Nước lên nếu không làm nghề...ăn theo con nước thì chỉ có ngồi nhà bó gối nhìn nước bạc. Vì thế trước mắt là săn rắn, khi vơi con nước thì chuyển qua đơm cá, bắt tôm, cua vừa có đồng tiền vừa phụ trợ thức ăn trong bữa cơm gia đình. Năm nay rắn hổ hành tương đối nhiều, nếu tính theo giá như hiện nay, 1 kg rắn hổ hành bán được 80.000 đồng, một đêm thâu sáng kiếm được một vài ba kg cũng có thu chút đỉnh, lũ trẻ cũng tranh thủ bắt rắn, chờ ngày nước xuống trở lại trường.

Nhưng nghề gì mà không có trắc trở, nhất là nơi miền quê sông nước. Con đi đằng con, cha đi đằng cha, lũ lên xuống bất chợt, sức trẻ con chới với chẳng biết kêu ai. Bắt nhiều cũng có ngày nhầm rắn độc, tiềm tàng bỏ mạng như bỡn. Chuyện bị rắn cắn đã nhiều, người chết vì rắn độc mỗi năm cũng không ít. Nếu bị rắn cắn không biết tự cứu mình thì bỏ mạng nơi sông nước là điều chắc chắn, còn không thì mang dị tật suốt đời.

Kỳ Anh