Sai phạm tại đình Ngu Nhuế:

Sai phạm tại đình Ngu Nhuế: "Lỗi trước tiên thuộc về địa phương"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Những sai phạm nghiêm trọng tại di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đình Ngu Nhuế được Nhà nước công nhận đang ngày một sáng tỏ.

PV Người đưa tin tiếp tục cung cấp đến bạn đọc những ý kiến đa chiều qua đánh giá của các nhà chuyên môn, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa để bạn đọc hiểu rõ hơn về vụ việc.

Nhịp sống - Sai phạm tại đình Ngu Nhuế: 'Lỗi trước tiên thuộc về địa phương'

Phần hậu cung đình Ngu Nhuế còn lại sau khi được "trùng tu"

Khó có thể chấp nhận

Trao đổi với PV về việc cây đa bị chặt, giếng nước đem bán, mái đình bị thay mới và di chuyển tại thôn Nội (xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), TS. Phạm Ngọc Trung, trưởng khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: "Trong làng quê cổ Việt, nói đến mái đình, cây đa như một biểu tượng văn hóa, một trung tâm văn hóa của dân làng. Dù bất cứ ai ở trong làng hay đi xa cũng luôn luôn nhớ và tự hào về những biểu tượng thiêng liêng đó. Biểu tượng này không chỉ có giá trị văn hóa mà còn giá trị tâm linh rất linh thiêng và quan trọng.

Còn làng quê trong xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa cây đa, giếng nước, mái đình cũng không thể mất đi. Giá trị tinh thần hàng nghìn năm không thể thay đổi, bởi thay đổi sẽ không còn gì là giá trị lịch sử văn hóa. Nếu sự việc đình Ngu Nhuế đúng như các phương tiện truyền thông phản ánh, lãnh đạo địa phương để cho người dân tự ý bán đất, bán giếng làng, rồi di chuyển di tích lịch sử văn hóa sang vị trí mới thì khó có thể chấp nhận được, cách quản lý này rõ ràng là chưa được, không khoa học.

Làm thế nào để vừa phát triển giá trị văn hóa mới nhưng vẫn phải giữ được những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần vô giá mà từ ngàn xưa để lại. Đây mới là bài toán khó của các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo địa phương hiện nay cần phải đạt tới cái "tầm" đó. Chứ chặt cây, bán đất, bán giếng làng để có kinh phí "tu bổ, trùng tu" đình thì rất đơn giản ai cũng làm được. Vụ việc này không khác gì là phá hoại di tích cả nghìn năm".

Trước những lo ngại về trình độ chuyên môn, thiếu sâu sát của một số cán bộ địa phương trong việc quản lý di tích. TS. Trung cho rằng: "Dù đã có Luật Di sản nhưng Bộ cũng phải nên có những khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa ở các địa phương từ cấp xã cấp phường đến cấp tỉnh. Đặc biệt cấp xã là cấp trực tiếp với dân, nhưng những cán bộ này cần phải "lăn lộn", thấu hiểu, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân để kịp thời tuyên truyền vận động người dân và đưa ra hướng giải quyết thấu đáo, hợp lý nhất. Nếu không có những quyết sách kịp thời, đúng đắn, khoa học, thì sau chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế sẽ là những di tích văn hóa nào tiếp tục bị xâm hại".

Thiếu kinh nghiệm và thiếu tâm

Thực trạng đình Ngu Nhuế vừa qua được "trùng tu" bởi một đơn vị thiếu chuyên môn, thiếu kinh nghiệm cũng như thiếu "cái tâm" trong việc trùng tu một di tích lịch sử văn hóa. Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa và từng tham gia tu bổ nhiều di tích, TS. Trung cho rằng: "Trùng tu là khắc phục những cái hỏng hóc hiện tại, tu bổ, phát triển làm sao cho công trình kiến trúc đó vẫn giữ và bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống mà không được thay đổi kết cấu, chất liệu, vị trí.

Ngay như hướng đình, vị trí đặt ở đâu, quay về hướng nào phải theo phong thủy chứ không thể làm tùy hứng, tùy tiện. Do đó, đơn vị đứng ra làm công tác trùng tu di tích không giống như các đơn vị xây dựng thông thường. Đằng sau những công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh là cả một pho sử, tất cả những tình cảm, tâm tư của con người được gửi gắm vào đó".

Bên cạnh đó, TS. Phạm Ngọc Trung cho rằng: "Cán bộ xã không thể nói không biết sự việc diễn ra, nhưng có thể do tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nào đó. Chuẩn bị hết nhiệm kỳ hay chuẩn bị về hưu nên quyết định dù sai luật pháp, sai quy định, sai văn hóa để giải quyết một vấn đề nào đó có thể có lợi cho địa phương, cũng có thể có lợi cho một nhóm, cá nhân nào đó. Ở làng quê có một điều phức tạp đó là cán bộ xã có khi là con cháu của các cụ trong làng nên cũng có cái khó trong việc quản lý. Tuy nhiên, cán bộ địa phương phải khôn khéo chứ không thể vin vào tình cảm gia đình, làng xã mà né tránh, làm ngơ để người dân hành động sai".

Qua những vụ việc đáng tiếc như chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế và các di tích khác bị xâm hại, theo ông Đức, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý địa phương, của ngành văn hóa để quản lý di tích tại địa phương mình tốt hơn. Đặc biệt, người quản lý cần phải có trình độ tri thức về văn hóa chứ không phải chỉ đơn thuần về pháp luật.

Không nên tái diễn lệ "đất vua, chùa làng"

"Hiện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) có duy nhất Viện bảo tồn di tích, do vậy khả năng đáp ứng chỉ có hạn trong khi đó di tích ở nhiều nơi đang xuống cấp. Nếu một di tích cần trùng tu, tu bổ, nếu làm theo quy trình bài bản thì phải mất nhiều thời gian và kinh phí. Nguyên nhân sâu xa đó chính là quan niệm "đất của vua, chùa của làng" còn tồn tại, nên cán bộ phải giải thích cho dân hiểu, tuy là đình chùa của làng nhưng vẫn là một phần của Quốc gia. Nếu không giải thích bài bản, thấu đáo cho người dân hiểu thì rất dễ dẫn đến sai phạm",TS. Phạm Ngọc Trung, trưởng khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết.

Thiên Vũ