Săn lùng kỷ vật chiến tranh, giới trẻ tìm về cội nguồn

Săn lùng kỷ vật chiến tranh, giới trẻ tìm về cội nguồn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Không thần tượng điên cuồng những ngôi sao màn bạc hay ca sĩ nổi tiếng đương thời, không cắm đầu cắm cổ chạy theo những chiếc IPhone, IPad đời mới đắt tiền... nhiều bạn trẻ ngày nay lại có hứng thú với những món đồ xưa cũ gắn với những trang lịch sử của đất nước.

Tưng bừng sưu tầm kỷ vật chiến tranh trên mạng

Những năm trước đây, việc mua bán, trao đổi kỷ vật chiến tranh khá lặng lẽ và chỉ thu hẹp trong một bộ phận những cựu chiến binh có sở thích sưu tầm hoặc phục vụ cho việc trưng bày ở các bảo tàng. Hiện nay, công việc này diễn ra khá rộn ràng trên các trang mạng xã hội với sự tham gia nhiệt tình của rất nhiều người đủ các độ tuổi khác nhau nhất là các bạn trẻ. Đó là các hiện vật liên quan đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ quần áo, vật dụng, tư trang cá nhân của người lính, các loại phù hiệu, huy chương, đồ quân dụng đến hình ảnh, giấy tờ, bộ phận của các loại vũ khí khác nhau...

Các hiện vật được rao bán càng phong phúá bao nhiêu thì giá cả của chúng cũng “vô cùng” bấy nhiêu. Ở đó, người bán tự định đoạt cho món đồ của mình, từ vài chục nghìn đồng cho một chiếc huy hiệu quân đội, vài trăm nghìn đồng cho một đôi dép cao su đã từng theo chân những người lính Giải phóng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, vài triệu đồng cho một bộ quân phục còn mới hoặc hơn thế nữa tùy theo độ “độc và lạ”.

Sự kiện - Săn lùng kỷ vật chiến tranh, giới trẻ tìm về cội nguồn

Bật lửa Zippo vật dụng của một lính Mỹ

Cụm từ “Kỷ vật chiến tranh” xuất hiện ngày càng nhiều trong các cuộc mua bán hoặc diễn đàn trên mạng xã hội. Gian hàng “Kỷ vật chiến tranh” được thêm vào danh mục của hầu hết các trang web mua bán như chodoxua.vn, phomuaban.com, saigonvechai.com và cả trên ebay.vn, một trang web thương mại điện tử xuyên biên giới... Anh Trần Phương (Đông Anh – Hà Nội) chuyên về máy bay rơi, một cái tên khá uy tín trong giới sưu tầm kỷ vật, cho biết “Với máy bay rơi, ít người mua luôn cả bộ mà cũng ít khi có đủ một bộ trọn vẹn để bán.

Người ta thường mua riêng từng bộ phận tùy theo mục đích sử dụng như mảnh máy bay để trang trí nội thất, miệng máy bay để “độ” đèn xe máy hoặc làm những chiếc chuông tạo ra âm thanh thánh thót lạ tai, ghế máy bay thành chiếc ghế ngồi độc đáo, không đụng hàng...”. Cũng theo anh Phương, giá trị của những món đồ này nằm ở số hiệu riêng, chất liệu quý, kiểu dáng đặc trưng của từng chiếc, từng hãng máy bay. Với những tay sưu tầm giàu kinh nghiệm chỉ cần thoáng qua cũng đủ biết nó là của hãng nào sản xuất, phổ biến trong thời kỳ nào, trong cuộc chiến nào, mặt trận nào. Chính điều đó đã tạo cho người sưu tập niềm say mê, yêu thích lớn dần theo thời gian cùng sự hiểu biết qua việc tiếp xúc, sở hữu với từng món đồ.

Theo lời kể của một thành viên khác là Nguyễn Thanh Minh (Hòn Gai, Quảng Ninh), lúc đầu, vì muốn tiết kiệm chi phí, Minh lên mấy trang mua bán trực tuyến để tìm mua vài món đồ cũ. Không ngờ anh lạc vào một topic rao bán huy hiệu quân đội trong gian hàng kỷ vật chiến tranh. Thấy các comment liên tục được cập nhật với những lời bình luận sâu sắc, Minh rất hứng thú nên thỉnh thoảng lại vào đó xem thông tin mới. Sau vài lần như thế, tình yêu đối với những món đồ xưa cũ mang dấu tích lịch sử đã thấm dần vào tâm hồn trẻ trung của anh bạn này.

Sau nhiều lần giao lưu với chủ của các topic mà hầu hết đều là những người sưu tập đã có nhiều năm săn lùng kỷ vật chiến tranh, từ chỗ chỉ mua một vài món đồ để giữ làm kỷ niệm, Minh cũng trở thành một người sưu tập thật sự. Chỉ cần nghe tin ở đâu mới tìm thấy những kỷ vật chiến tranh lạ, dù thông tin chưa chính xác, Minh cũng cố công lặn lội đến tận nơi. Với những món đồ liên quan đến chiến tranh, anh đều quyết mua bằng được để bổ sung vào bộ sưu tập của mình.

Minh kể: “Nhiều khi, biết mục đích của mình khi tìm mua món đồ đó, chủ nhà đã hồ hởi bê cả bảo vật tặng luôn cho khách như thể đã là tri ân tri kỷ từ lâu. Điều này có lẽ chỉ gặp được trong những cuộc mua bán mà cả người mua và người bán đều hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa của hiện vật. Điểm chung giữa họ là những nhận thức, những cái nhìn trân trọng, một tình yêu đối với giá trị lịch sử của những kỷ vật chiến tranh dù mình có sở hữu nó hay không”.

Sự kiện - Săn lùng kỷ vật chiến tranh, giới trẻ tìm về cội nguồn (Hình 2).

Kỷ vật vốn là vật dụng của một chiến sĩ QĐND Việt Nam

Hình ảnh chiến tranh qua những vật chứng

Hoàng Anh Tuấn, biệt danh Tuấn “Zippo” (Cửa Bắc – Ba Đình – Hà Nội) là một bạn trẻ có sở thích sưu tầm những chiếc bật lửa Zippo còn sót lại ở Việt Nam trong chiến tranh giải phóng. Nói chuyện với chúng tôi, Tuấn cho biết: Đối với Tuấn cũng như những người yêu mến chiếc bật lửa Zippo thì nó không chỉ là một chiếc bật lửa đơn thuần mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần vô giá. Khi được hỏi về lý do yêu thích những chiếc bật lửa Zippo cũ kỹ, Tuấn nói: “Trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, Zippo là vật dụng thông thường, một công cụ cầm tay giải trí của lính Mỹ. Bên cạnh đó, bật lửa Zippo còn là món đồ lưu niệm lưu lại nhiều bút tích nói lên cảm xúc của người lính phía bên kia chiến tuyến. Cho nên những chiếc bật lửa này luôn gây hứng thú với người sở hữu nó bởi những giá trị lịch sử mà nó mang theo nhất là những bút tích đầy cảm xúc của người lính được khắc trên mặt vỏ kim loại”.

Theo các nhà sưu tầm, có khoảng 200.000 chiếc bật lửa Zippo đã được lính Mỹ sử dụng ở Việt Nam trong thời chiến. Nhưng cho đến nay, những chiếc Zippo mang nhiều dấu vết thời gian này còn lại không nhiều và đã trở thành món sưu tập để qua đó các bạn trẻ có thể hiểu về một thời khốc liệt của chiến tranh mà dân tộc mình đã nếm trải.

Nói về sở thích sưu tầm kỷ vật chiến tranh của giới trẻ hiện nay, GS Sử học Lê Văn Lan đưa ra nhận định: “Trong khi chúng ta đang lo lắng về tình hình kém chất lượng trong việc dạy sử và học sử ở nhà trường thì đây rõ ràng là một biểu hiện của lòng yêu thích lịch sử. Việc làm này của giới trẻ đã khẳng định tấm lòng của một thế hệ con dân đất Việt tha thiết, trân trọng lịch sử dân tộc. Và những người sưu tầm kỷ vật chiến tranh hôm nay không chỉ thỏa mãn lòng ham mê mà họ còn là những chủ nhân lưu giữ những kỷ vật ghi lại thời khắc oanh liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trân trọng quá khứ đã khiến các bạn trẻ say mê và trở thành những nhà sưu tập đáng quý”á.

Giá trị lịch sử vô giá qua những kỷ vật chiến tranh

Thông qua việc làm mang nhiều ý nghĩa này của các bạn trẻ, GS Lê Văn Lan cho rằng: “Chúng ta nên đưa những kỷ vật chiến tranh vào các tiết học lịch sử để gây hứng thú cho các em học sinh. Bởi vì đây là một thứ giáo cụ trực quan sinh động rất cần thiết cho những tiết học như thế. Tôi tin rằng, những kỷ vật chiến tranh với những giá trị lịch sử, giá trị tinh thần vô giá của nó sẽ giúp các bạn trẻ tìm lại được tình yêu, lòng ham thích đối với những trang sử hào hùng của dân tộc và sống có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội”.

Dương Dung