Sản phẩm “ôi” của nền giáo dục chạy theo thành tích

Sản phẩm “ôi” của nền giáo dục chạy theo thành tích

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Để được lên lớp, có tấm bằng tốt nghiệp cho bằng bạn bằng bè, nhiều học sinh đã dùng đến bạo lực để đe dọa chính người thầy, người cô đang trực tiếp giảng dạy cho mình.

Việc nhiều học sinh bất chấp "luân thường đạo lý", truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, sẵn sàng "tung chưởng" với thầy cô trong thời gian qua khiến dư luận xôn xao. Tình trạng này không còn là hiện tượng đơn thuần mà đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, những vụ việc báo chí đề cập chỉ là phần nổi của thế giới học đường đang rối loạn. Nguyên nhân của vấn nạn đáng xấu hổ này không đâu khác xuất phát chính từ lỗ hổng của nền giáo dục nước ta hiện nay.

Xã hội - Sản phẩm “ôi” của nền giáo dục chạy theo thành tích

Ảnh minh họa

Thẳng tay đánh thầy cô đến bất tỉnh

Dân tộc ta vốn tự hào với truyền thống hiếu nghĩa tôn sư trọng đạo. Hình ảnh người thầy luôn được xã hội đề cao, thậm chí được xem là "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Tuy nhiên, truyền thống tốt đẹp đó đang bị xói mòn theo thời gian. Những vụ việc đau lòng, đáng xấu hổ như tình trạng trò đánh thầy xảy ra liên tục, trên nhiều địa phương, thậm chí cả những địa phương từng tự hào có truyền thống hiếu học như Nghệ An, Thanh Hóa. Trước thực trạng gia tăng những vụ việc kiểu này, nhiều người quan ngại đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là vấn đề dạy người của nước ta hiện nay.

Đơn cử, ngày 23/2, tại Ninh Thuận, vì không làm bài tập bị cô giáo nhắc nhở, Nguyễn Như Thành, học sinh lớp 11 B2A, Trường THPT Tông Đức Thắng đã ôm cặp bỏ về. Thành không về nhà mà ủ mưu chủ động đứng chặn đường cô giáo để đánh dằn mặt. Khi tan trường, cô Sương đang trên đường về nhà, đến đoạn cầu Lương Cách, nằm trên quốc lộ 1A thì bị Thành chặn lại. Học sinh này quát to vào mặt cô giáo Sương: "Bà dám cả gan giỡn mặt hả?". Nói xong, hắn dùng chân đạp làm xe và cô giáo ngã ra đường. Sau đó, Thành liên tiếp dùng chân đạp vào mặt, mũi cô Sương một cách cuồng dại. Thành chỉ dừng lại cho đến khi cô giáo Sương bất tỉnh. Hành động của Thành khiến người đi bên đường chứng kiến khiếp đảm, không dám chạy vào căn ngăn. Cho đến khi Thành thỏa cơn giận và biết cô Sương ngất lịm hắn mới bỏ đi. Lúc đó, những người xung quanh mới chạy tới đưa cô Sương tới bệnh viện.

Sự việc trên chưa kịp lắng xuống thì ngày 2/10, tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) lại xảy ra vụ việc tương tự. Học sinh Trần Văn Việt (SN 1995, lớp 12C3, Trường THPT Đặng Thai Mai) vào học môn Vật lý của giáo viên chủ nhiệm Hoàng Xuân Đông. Thấy bộ dạng đầu tóc trọc lóc, thái độ nghênh ngang không xem ai ra gì, thầy Đông đã yêu cầu Việt ra khỏi lớp. Sau sự việc ấy Việt đã hậm hực, tìm cách trả thù thầy bằng cách chặn đường đánh. Để thực hiện hành vi này, Việt gọi thêm hai đối tượng nữa là Nguyễn Doãn Tấn (SN 1992), Nguyễn Tiến Thuận (SN 1990) đều trú tại Thanh Giang, Thanh Chương. Tấn không quên mang theo hai đoạn ống tuýp nước dài 70cm để "hành sự".

Biết thầy Đông tan trường sẽ về nhà đi qua đoạn đường eo Rú Hà (thuộc xóm 1, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) nên chúng đã phục sẵn ở đó. Đến 17h, thầy Đông đi qua, bọn chúng bịt khẩu trang che mặt rồi dùng ống tuýp nước lao vào đánh tới tấp. Hậu quả thầy Đông bị thương tích nặng, bất tỉnh phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương.

Đây là hai trong số những vụ việc mà học sinh chủ động hành hung thầy cô giáo của mình. Điều đáng lên án với những học sinh trên là hành vi ngông cuồng của chúng lại xuất phát từ sự quan tâm uốn nắn nhân cách của các thầy cô. Diễn biến tâm lý của những học sinh này khiến nhiều người bức xúc và không thể hiểu được. Nhưng đối với những nhà giáo lâu năm, những người thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn bị học sinh hành hung điều này rất dễ hiểu. Trước đó, dư luận từng rúng động trước hàng chục vụ học sinh đánh thầy rải đều trên khắp cả nước.

Không học nhưng vẫn muốn có bằng

Trước thực trạng đáng xấu hổ và đau lòng trên, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với những thầy cô đang hàng ngày đứng lớp để tìm hiểu nguyên nhân. Thực tế, để "mở mồm" nói những điều này chúng tôi thực sự thấy ái ngại vì sợ động đến lòng tự tôn của họ. Nhưng thật bất ngờ, những giáo viên này lại có một cách phản ứng khá tự nhiên như thể đó là "chuyện thường ngày ở huyện".

Theo thầy Quốc Anh - hiện đang công tác tại một trường trung học phổ thông ở Hà Tĩnh, việc học sinh hành hung thầy giáo không hề lạ. Việc này có thể diễn ra bất cứ khi nào và rất khó lường. Tâm lý học sinh giờ đã khác trước rất nhiều, đặc biệt là tâm lý của những học sinh cá biệt. Những học sinh này vừa có học lực yếu, nhận thức kém, thích ăn chơi đua đòi nhưng lại muốn có điểm cao cùng một tấm bằng tốt nghiệp. Thầy Anh khẳng định: "Nếu bằng thực lực học hiện nay có tới 30% học sinh THPT sẽ không thể lên lớp chứ chưa nói đến đậu tốt nghiệp".

Theo Thầy Anh, trong số 30% học sinh này, đa phần các em vẫn muốn học thực thụ nhưng vì hổng kiến thức nên không theo kịp chương trình. Chính điều này khiến mỗi tiết học của các em là một sự tra tấn cực hình. Nhiều em sợ bị kiểm tra bài cũ, sợ phải làm bài tập. Trong số những học sinh trên, nhiều em tỏ ra bức xúc khi bị cô thầy hỏi về kiến thức vì cho rằng "đã biết mình không biết mà vẫn gọi lên bảng". Thậm chí, nhiều em vì sợ thầy cô nhắc nhở học tập nên nảy sinh ra tâm lý "quay lại dọa thầy cô" để thầy cô không để ý đến mình.

Thầy Quốc Anh đưa ra quan điểm, học sinh có thái độ thái quá như trên tồn tại không ít trong nhiều trường phổ thông hiện nay. Mục đích thực sự của các em là tấm bằng phổ thông ra trường có được một công việc để nuôi sống bản thân. Đây là khao khát chính đáng. Tuy nhiên, dựa vào thực lực học của mình nhiều em học sinh không thể đạt được. Lúc đó, các em nảy tâm lý, bằng mọi cách nhẹ thì quay cóp, thi hộ, nặng thì đe dọa thầy cô. Thậm chí, trả thù thầy cô của mình vì không đạt được mục đích trên mà hai trường hợp trên là ví dụ điển hình.

Mổ xẻ vấn đề này, PGS Văn Như Cương cho rằng, chúng ta cần phân tích tổng thể hiện tượng trên để tìm ra nguyên nhân. Thực tế nhiều năm công tác tại phổ thông, tình trạng nhiều học sinh có học tiếp cũng bằng không vì kiến thức các em đã quá hổng. Trường hợp này là rất nhiều nhưng hiện tại không có mô hình đào tạo nào phù hợp với những trường hợp trên.

Theo PGS Văn Như Cương, nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ nhiều góc độ. Đó là bệnh thành tích, học không được cũng phải… lên lớp. Khi các em học sinh lên THPT, lượng kiến thức nặng đòi hỏi tư duy cao nên một số em không thể theo kịp. Đối với những trường hợp này cần phải phân luồng giáo dục từ khi các em bước vào trường THPT. Nhưng cơ cấu về loại hình đào tạo phổ thông hiện nay không phù hợp với các em có học lực yếu nói trên. Áp lực bài vở, áp lực từ thái độ của thầy cô, gia đình, bạn bè đã khiến tâm lý các em bị đè nặng dẫn đến những phản ứng thái quá. "Những biểu hiện thái quá như đánh thầy cô, nhảy lầu tự tử cũng xuất phát từ bản thân nền giáo dục của chúng ta. Bộ GD&ĐT phải có cái nhìn nhận thực tế vào nền giáo dục hiện nay để tìm ra giải pháp phù hợp. Tất cả mọi biểu hiện tiêu cực đều từ giáo dục mà ra", nhà giáo Văn Như Cương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS Lê Quý Đức, viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho biết, không chỉ có học sinh đánh thầy mà thậm chí có trường hợp học trò còn giết thầy như trong phim hành động Mỹ. Rõ ràng hiện tượng trên đã đến mức báo động, biểu hiện của sự suy thoái đạo đức học đường, đặc biệt là quan hệ giữa thầy - trò. Đối với những học sinh, việc đánh thầy cô chẳng khác nào đánh chính bố mẹ mình. Theo tôi, việc cần làm bây giờ là phải giáo dục cho lớp trẻ ý thức về đạo đức xã hội. Học kiến thức không là chưa đủ, còn phải hiểu đạo đức, ứng xử văn hóa tôn sư trọng đạo.

Anh Văn - Trinh Phúc