Sang tên đổi chủ xe nhìn từ nước Anh

Sang tên đổi chủ xe nhìn từ nước Anh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Vấn đề xe chính chủ trở thành đề tài nóng bỏng trong hơn một tuần qua. Người dân bức xúc có lẽ là vì trong khi chưa thực hiện tốt việc sang tên đổi chủ đã bắt người dân chịu phạt vì lỗi này.

Đùng một cái CSGT ở Việt Nam kiểm tra xe có chính chủ không thì rất vô lý. Bởi theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia thì có tới 30 - 40% lượng xe đang lưu thông là xe không chính chủ. Và việc sang tên đổi chủ cho lượng xe này gặp rất nhiều bất cập vì có xe đã qua nhiều người mà chưa sang tên, chủ xe có thể đang ở nước ngoài, chủ xe qua đời,...

Còn những xe mới mua trong thời điểm này thì người dân vẫn ngại việc sang tên đổi chủ bởi các thủ tục hành chính trong vấn đề sang tên đổi chủ vẫn có những nét mà người dân cảm thấy phức tạp. Các chủ phương tiện giao thông cũng phàn nàn là mức lệ phí cao, trị giá 1% đối với xe máy và 12% đối với xe hơi, khi thay tên đổi chủ.

Sau cơn thịnh nộ của nhiều người dân, các luật sư đã giải thích rằng hành vi bị xử phạt là đối với "hành vi không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật" chứ không chỉ đơn thuần là điều khiển xe không chính chủ.

Hơn nữa một luật sư cũng nói cảnh sát không có quyền bắt người điều khiển giao thông phải chứng minh xe của họ chính chủ.

Xã hội - Sang tên đổi chủ xe nhìn từ nước Anh(Ảnh minh họa)

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo nói rằng Nghị định 71 trong đó có quy định về xử phạt xe không chính chủ có những điểm "mâu thuẫn với văn bản khác" và ông khuyên Chính phủ nên dừng phạt trong thời gian từ sáu tháng tới một năm để người dân chuyển đổi sở hữu.

Theo VnExpress, bản thân ông Thảo cũng thừa nhận gia đình ông cũng đi xe không chính chủ khi nói: "Ôtô của gia đình tôi mua lại của người khác nhưng có hợp đồng công chứng theo quy định, có nộp tiền thuế. Tôi có quyền thay mặt chủ đó giao dịch dân sự như bán, vay ngân hàng... Nếu có quy định và gia hạn thời gian, tôi sẵn sàng đi chuyển chủ đúng tên mình để tránh phiền phức."

Luật sư Chu Mạnh Cường nói với báo Giáo dục Việt Nam rằng Luật giao thông đường bộ yêu cầu người lái xe phải mang theo đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cũng như giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe.

Nhưng ông cũng nói pháp luật không quy định người điểu khiển phương tiện phải là chính chủ và cảnh sát giao thông không có quyền bắt người điều khiển phương tiện phải chứng minh việc mượn hay thuê xe.

BBC dẫn lời một người gốc Việt hiện đang sống ở Anh nói: "Tôi mua xe máy mới nên tôi chính là chủ xe. Khi tôi bán xe vào đầu năm 2010, tôi có viết giấy bán nhưng có nhiều khả năng người sở hữu xe hiện vẫn để tôi là chính chủ như một phần ba số người sở hữu xe khác và chính chủ hiện đã ở Anh."

Người này cũng cho biết: "Xe sang tên đổi chủ tại Anh không phải trả bất kỳ khoản lệ phí nào và thủ tục vô cùng đơn giản. Khi muốn sang tên đổi chủ thì người chủ xe mới chỉ cần điền thông tin vào một mục đã có sẵn trong giấy chứng nhận người đang giữ xe (giấy đăng ký xe) và gửi đi bằng đường bưu điện tới cơ quan đăng kiểm. Khoảng một tuần sau người giữ xe mới sẽ nhận giấy tờ với tên mình."

Người này cũng chia sẻ văn hóa ứng xử của cảnh sát giao thông ở nơi mình đang sinh sống rằng: "Ở Anh, nếu cảnh sát cần xem bằng lái xe mà người lái không xuất trình được ngay lập tức, họ có một tuần để mang bằng lái tới đồn công an địa phương. Tôi còn nhớ, trong lần gần đây nhất tôi bị cảnh sát chặn lại khi đi vào đường cho xe buýt ở sân bay Heathrow, họ chỉ nhắc nhở vì vi phạm lần đầu. Sau khi lịch sự giải thích rõ tôi vi phạm điều gì, họ cũng đưa kèm văn bản giải thích nếu tôi không hài lòng với cách ứng xử của họ thì tôi có thể khiếu nại như thế nào."

Ngọc Linh (t/h)